Chi 2,3 tỷ USD nhập hạt điều, dân chặt điều trồng sầu riêng, bộ trưởng đắng lòng

Nguồn cung thiếu, Việt Nam phải chi gần 2,3 tỷ USD nhập khẩu hạt điều trong hơn 7 tháng qua. Nhưng khi hỏi và nhận được câu trả lời của nông dân về nguyên nhân chặt bỏ cây điều để trồng sầu riêng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cảm thấy đắng lòng.

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/8, nước ta đã xuất khẩu gần 451.600 tấn điều nhân, thu về 2,55 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng nhân điều xuất khẩu tăng 25,2%, giá trị tăng 22,6%. 

Năm ngoái, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 644 nghìn tấn, giá trị 3,64 tỷ USD. Ngành điều Việt Nam duy trì vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu điều nhân trong gần hai thập kỷ qua.

Tuy nhiên, khoảng 90% nguyên liệu phục vụ sản xuất của ngành điều Việt Nam là nhập khẩu từ châu Phi và Campuchia. Lý do, nguồn cung nguyên liệu nội địa của nước ta khá khiêm tốn do diện tích trồng bị thu hẹp.

Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, Việt Nam nhập khẩu khoảng 2,77 triệu tấn hạt điều, giá trị 3,19 tỷ USD; tăng 46,2% về lượng và tăng 19,6% về giá trị so với năm trước đó. Còn tính từ tháng 1 đến 15/8 năm nay, nước ta đã chi ra gần 2,3 tỷ USD để nhập khẩu khoảng 1,88 triệu tấn hạt điều thô, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.

Chi 2,3 tỷ USD nhập hạt điều, dân chặt điều trồng sầu riêng, bộ trưởng đắng lòng - 1

Việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu khiến ngành điều Việt Nam gặp không ít khó khăn. Điển hình, đầu năm nay, giá loại hạt này tăng phi mã, nhà cung cấp đòi tăng giá theo hoặc xù đơn hàng, khiến các nhà máy sản xuất điều trong nước lao đao vì thiếu nguyên liệu.

Mới đây, Hội Điều Bình Phước phải kêu cứu vì tình trạng hàng kém chất lượng mạo danh thương hiệu điều của tỉnh này bán tràn lan trên mạng.

Cụ thể, các sản phẩm giá rẻ là hạt điều nhập khẩu vụ cũ, kém chất lượng. Trong đó, có nhiều hạt sâu, mốc nhân bên trong, không còn mùi vị đặc trưng và có thể ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng; đồng thời ảnh hưởng đến thương hiệu điều Việt Nam.

Tại đại hội Hiệp hội Điều Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026, Vinacas lo ngại vị trí dẫn đầu chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị điều toàn cầu của Việt Nam bị lung lay và chắc chắn sẽ mất nếu chúng ta không thay đổi chiến lược sản xuất và phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Lý do gần đây, các nước trồng điều ở châu Phi và Campuchia chủ trương phát triển công nghiệp chế biến nội địa, giảm dần xuất thô. Vì vậy, họ đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư các nhà máy chế biến điều. Với điều thô xuất khẩu, các nước giám sát chặt giá xuất khẩu tối thiểu, áp thuế suất cao; ngược lại miễn thuế cho điều nhân xuất khẩu…

Nghịch lý là Việt Nam - quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều - lại gia tăng nhập khẩu điều thô, khiến người trồng điều khó tiêu thụ sản phẩm, giá thu mua hạt điều tươi trong nước giảm.

Giá điều nội địa khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu, thu nhập không đảm bảo nên nhiều nông dân ngậm ngùi chặt bỏ điều để chuyển sang cây trồng khác.

Thực trạng trên khiến diện tích cây trồng này ở nước ta giảm dần đều qua từng năm. Cụ thể, từ 440.000ha năm 2007, đến năm 2022 tổng diện tích điều cả nước giảm còn 305.000ha. Năm 2023, diện tích điều giảm còn 300.000ha, sản lượng đạt 347.600 tấn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thấy đắng lòng khi nghe nông dân nói về lý do chặt cây điều, chuyển sang trồng sầu riêng. Ảnh: QH

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thấy đắng lòng khi nghe nông dân nói về lý do chặt cây điều, chuyển sang trồng sầu riêng. Ảnh: QH

Sáng 21/8, tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vấn đề của ngành điều cũng được đưa ra thảo luận. Trong đó, đại biểu đặt vấn đề về xây dựng thương hiệu hạt điều, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm... để ổn định hoạt động sản xuất và xuất khẩu, tăng thu nhập cho người nông dân. 

Trả lời về việc này, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan kể rằng ông có về Bù Đăng (Bình Phước), đứng tại một vườn điều nhìn sang bên kia vườn thấy bà con đang đốn cây điều để trồng sầu riêng. Khi đó, ông hỏi bà con: “Bình Phước là thủ phủ, là vương quốc của cây điều, lỡ nào bà con lại bỏ thứ cây mà gắn bó bao đời ở vùng Bình Phước?”.

Câu trả lời Bộ trưởng nhận được là: “Trồng sầu riêng thu 1 tỷ đồng/ha, còn trồng điều chỉ thu khoảng 35-40 triệu đồng/ha. Ông thấy chúng tôi nên như thế nào?”. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thừa nhận câu trả lời khiến ông cảm thấy rất đắng lòng. Có những vấn đề từ thực tiễn khiến cá nhân ông suy nghĩ rất nhiều.

Từ câu chuyện trên, theo Bộ trưởng, phải ứng biến theo quy luật thị trường, không thể ngăn bà con nông dân, cần phải có các công cụ kinh tế khác. 

Ở Bình Phước có 2 câu chuyện liên quan tới cây điều.

Một là, Bộ NN-PTNT đã tổ chức mô hình khuyến nông để trồng nấm linh chi đỏ dưới tán điều. Như vậy, trong vườn điều có đa tầng giá trị cây trồng và nấm linh chi đỏ có thể đem lại giá trị kinh tế rất cao. Khi thu nhập tăng, bà con sẽ gắn bó với cây điều hơn.

Hơn nữa, các thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Bình Phước chế biến điều rất đa dạng, nhưng cần đẩy nhanh các sản phẩm OCOP từ cây điều; xây dựng chuỗi liên kết giữa người trồng điều với doanh nghiệp chế biến; khắc phục bất ổn khi nông dân trồng điều mà Việt Nam vẫn phải nhập điều thô từ nước ngoài.

Các chuyên gia cho rằng, ở bất cứ ngành hàng nào chứ không riêng ngành điều, muốn ổn định sản xuất và phát triển bền vững bắt buộc doanh nghiệp phải xây dựng được vùng nguyên liệu. Nhưng để có vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, lợi nhuận của người nông dân phải được đảm bảo. Nếu không, điệp khúc “trồng - chặt” vẫn tái diễn và ngành hàng cũng khó phát triển bền vững.

Nguồn: [Link nguồn]

Loài ong này đang được lùng sục khắp nơi theo kiểu tận diệt để mang bán cho thương lái, giá lên tới 4 triệu đồng/kg.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tâm An ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN