"Cần tăng thuế bia, rượu lên 300%"

Ông Phạm Đình Thi - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Tổng cục Thuế) khẳng định, đã là bia, rượu thì không phân biệt bia, rượu “nhà máy” hay bia “cỏ”, đều sẽ bị đánh thuế và cùng mức tăng thuế.

Không chỉ bia,rượu “nhà máy”, mà các loại bia cỏ, rượu "nút lá chuối" cũng sẽ đồng loạt chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt tăng từ 10-20% từ 1/7/2015 tới đây.

Đó là khẳng định của ông Phạm Đình Thi – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính), đơn vị chắp bút cho đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với  mặt hàng bia, rượu, thuốc lá vừa được Bộ Tài chính trình Chính Phủ.

Muốn uống bia, rượu, thuốc lá … phải trả thêm tiền

Theo đề xuất vừa được Bộ Tài chính trình lên Chính phủ, kể từ ngày 1/7/2015 thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng rượu bia, thuốc lá sẽ được nâng lên 10-30% so với mức đang áp dụng. Mục đích tăng thuế TTĐB là để hạn chế sử dụng của người tiêu dùng trong nước.

"Cần tăng thuế bia, rượu lên 300%" - 1

Tất cả các loại đồ uống dù là bia, rượu "nhà máy" hay bia, rượu "cỏ" cũng sẽ bị tăng thuế

Cụ thể, với thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm khác từ cây thuốc lá hiện đang có mức thuế 65% sẽ điều chỉnh tăng lên 75% kể từ 1/7/2015 đến hết ngày 31/12/2017. Còn từ ngày 1/1/2018 sẽ tăng lên 85%.

Đối với rượu từ 20 độ trở lên sẽ tăng thuế từ 50% hiện nay lên 65%; rượu dưới 20 độ sẽ tăng thuế từ 25% hiện nay lên 35%. Bia cũng tăng thuế từ 50% lên 65% kể từ 1/7/2015.

Cùng với đó, dự thảo này cũng quy định kinh doanh vũ trường sẽ áp thuế suất 40%; kinh doanh mát-xa, karaoke, casino, trò chơi điện tử có thưởng  cùng có mức thuế 30%... Còn kinh doanh trò chơi bình chọn, dự báo kết quả, trò chơi có thưởng thông qua nhắn tin sẽ áp thuế suất 30%.

Theo cơ quan tài chính, ngoài chuyện tổn hại tới sức khỏe khi uống quá nhiều bia, rượu, hút quá nhiều thuốc lá, thì đây còn là nguyên nhân của những câu chuyện đau lòng: tai nạn giao thông vì uống quá chén, ung thư phổi vì nghiện thuốc lá nặng, mất trật tự xã hội….

Nếu đề xuất tăng thuế như trên được áp dụng, Bộ Tài chính ước tính dự kiến số thu ngân sách từ bia năm 2016 tăng 7.800 tỷ đồng, năm 2017 tăng 9.000 tỷ đồng, năm 2018 tăng 10.300 tỷ đồng; còn đối với mặt hàng rượu sẽ thu được 389 tỷ đồng vào năm 2016, năm 2017 là 447 tỷ đồng, năm 2018 là 514 tỷ đồng.

Bia “cỏ”, rượu nhập lậu có ngoại lệ?

Thuế suất tăng, doanh nghiệp sản xuất sẽ là đối tượng đầu tiên chịu ảnh hưởng. Trao đổi với Infonet, ông Đỗ Văn Vẻ - Tổng giám đốc Công ty Bia Hương Sen (Thái Bình) nêu quan điểm, đề xuất tăng thuế đối với mặt hàng bia, rượu là chưa hợp lý. Hiện nay doanh nghiệp đã phải chịu khá nhiều loại thuế, phải cố gắng cầm cự vượt qua khó khăn đã là một cố gắng lớn. “Là doanh nghiệp chúng tôi phải tuân thủ luật thôi, nhưng tăng vào thời điểm này e không khả thi. Bởi nếu tăng thuế, giá thành sản phẩm lại tăng, tiêu thụ sản phẩm kém đi, kinh doanh của doanh nghiệp chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ” – ông Vẻ chia sẻ. Ngoài ra, lộ trình tăng thuế phải cụ thể để doanh nghiệp có thể điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp.

Dù các lãnh đạo doanh nghiệp “kêu” về đề xuất “chưa hợp lý” này, nhưng ở góc độ chuyên gia, ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội lại hoàn toàn đồng tình. Việc áp dụng thuế suất cao đối với mặt hàng xa xỉ các nước đã làm nhiều, đáng lý cơ quan quản lý Nhà nước đã phải mạnh tay với các mặt hàng này từ lâu.

“Nếu tăng giá điện, xăng dầu thì tôi phản đối còn tăng thuế với những mặt hàng không có lợi như bia, rượu, thuốc lá thì tôi tán thành nhiệt liệt. Chính sách đưa ra sớm hơn, quản lý tốt hơn thì đã giảm được phần nào những mất mát đau thương, hậu quả của việc quá chén….Việc nhà máy bia cứ nhan nhản mọc lên như nấm cũng có lỗi từ cơ quan quản lý buông lỏng trong phê duyệt” – ông Phú giọng buồn rầu.

"Còn đối với mặt hàng thuốc lá dù đã có những chính sách hạn chế từ cơ quan y tế, buộc doanh nghiệp phải in cảnh báo trên bao bì sản phẩm, song chỉ vài dòng cảnh báo tác hại của thuốc lá in thôi chưa đủ khi mà việc quản lý còn bị buông lỏng. Vì thế, phải nâng mạnh thuế lên để đánh vào túi tiền của chính nhà sản xuất, của người dùng để cảnh tỉnh họ".

“Tăng vài chục phần trăm như đề xuất lần này là còn nhẹ, tôi cho rằng Bộ Tài chính phải quyết liệt hơn, đánh mạnh vào thuế suất, tăng lên gấp đôi – gấp ba, thậm chí tăng tới 300% thuế suất hiện giờ thì Nhà nước mới tăng thu ngân sách và giảm chi cho y tế do hậu quả của việc sử dụng bia, rượu, thuốc lá gây ra” – ông Phú bộc bạch.

Thuế đánh vào bia, rượu “chính hiệu” tăng cao, nhưng trên thị trường ngoài bia, rượu “trung ương”, sản phẩm “địa phương” do các hộ gia đình sản xuất tự phát mà người dân vẫn gọi là bia “cỏ”, rồi hàng nhập lậu có được kiểm soát nếu tăng thuế?

Trả lời Infonet, ông Phạm Đình Thi - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Tổng cục Thuế) khẳng định, đã là bia, rượu thì không phân biệt bia, rượu “nhà máy” hay bia, rượu “cỏ”, do đó đều sẽ bị đánh thuế và cùng mức tăng thuế theo đề xuất lần này của Bộ Tài chính.

Điều này đồng nghĩa, giá bia hơi, bia “cỏ” chắc chắn sẽ tăng trong thời gian tới và “đập” vào túi tiền của người tiêu dùng. “Đây là cách để ngăn người dùng không nên uống quá nhiều bia, rượu dẫn tới những hậu quả không đáng có. Không còn cách nào khác là người dùng nên giảm bớt lượng uống xuống” – Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thuế chia sẻ.

Trước băn khoăn của nhiều người về việc nếu đánh thuế cao, bia, rượu, thuốc lá nhập lậu qua đường tiểu ngạch sẽ càng hoành hành, khó kiểm soát, ông Thi cho rằng, đúng là hàng lậu nhập vào thì khó kiểm soát, chỉ còn cách là tăng cường khâu kiểm soát, chống buôn lậu tại các cửa khẩu.

“Chính phủ đã có hẳn một ban chống buôn lậu, hàng giả, nếu muốn kiểm soát loại hàng này thì không còn cách nào khác là tăng cường kiểm soát, kiểm tra” – ông Thi nói.

Đồng tình với đề xuất của Bộ Tài chính, song nguyên Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội nhấn mạnh, đề xuất hay nhưng chưa “chín”.

“Lâu nay đề xuất từ phía cơ quan quản lý vẫn theo kiểu “chợt nhớ” nên không đồng bộ, mang tính đối phó. Rút kinh nghiệm đề xuất này phải bao quát hơn, đưa ra biện pháp kiểm soát; phối kết hợp giữa các cơ quan quản lý ra sao để ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng sản xuất tại gia đối với bia, rượu…Đã làm là phải làm tới cùng, chứ không nên đánh trống bỏ dùi. Chính sách đưa ra bịt chỗ này nhưng lại là điều kiện cho chỗ khác nở ra là hỏng hết” – nguyên Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội trăn trở.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trường Giang (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN