Cãi nhau nảy lửa vẫn chưa ngã ngũ về dịch vụ Uber

Hội thảo Phát triển thương mại điện tử (TMĐT) trên nền tảng di động đã sôi động đến phút cuối khi đại diện các doanh nghiệp vận tải trong nước chiều nay (18.3) đã có cuộc tranh luận gay gắt với đại diện của Uber Việt Nam. Tuy nhiên, dịch vụ Uber là gì, quản lý nó như thế nào vẫn chưa được ngã ngũ…

 Uber vi phạm luật cạnh tranh?

Gay gắt nhất trong cuộc tranh luận chiều nay là phát biểu của ông Nguyễn Sơn-Giám đốc hãng Taxi Sông Hồng khi ông “tố” Uber vi phạm luật cạnh tranh. Ông Sơn nói: “Hiện các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi có 4 tầng lớp giấy phép: Cha, con, cháu, chắt. "Cha" là giấy phép đăng ký kinh doanh. "Con" là giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Giấy phép "cháu" là phù hiệu xe taxi để dán trên mỗi xe taxi, nhưng để có giấy phép "cháu" ấy phải có 1 loạt giấy phép chắt như chứng chỉ tập huấn lái xe taxi, tem kiểm định đồng hồ...

Cãi nhau nảy lửa vẫn chưa ngã ngũ về dịch vụ Uber - 1

Dịch vụ Uber là gì, quản lý nó như thế nào vẫn chưa được ngã ngũ…

Nêu vậy để thấy "kinh doanh vận tải xe ôtô ở Việt Nam là một ngành kinh doanh có rất nhiều điều kiện, vậy các công ty ứng dụng công nghệ trên taxi ở đây là Grab, Easy, Uber... đã có đủ cơ sở pháp lý chưa mà đã tham gia thị trường dịch vụ? ", ông Sơn chất vấn lãnh đạo Uber.

Ông Sơn khẳng định: Uber, Grab, Easy đang vi phạm luật cạnh tranh khi sử dụng lao động của người khác, không xin phép doanh nghiệp quản lý lái xe đó. Người lái xe ký hợp đồng với những đơn vị này cũng vi phạm luật Lao động, đang thuộc doanh nghiệp nhưng lại ký hợp đồng chui với doanh nghiệp khác.

"Doanh nghiệp taxi hoàn toàn ủng hộ về công nghệ, nhưng Uber, Grab phải ký hợp đồng với doanh nghiệp, khi xảy ra sự cố, bên nào chịu trách nhiệm. Khi cuốc đi theo Uber, Uber chịu trách nhiệm, khi đi theo điều hành của bộ đàm công ty, công ty phải chịu trách nhiệm. Không thể để tồn tại hình thức kinh doanh taxi không cần xe, không cần bộ đàm, không cần quản lý"-ông Sơn nói.

Ông Đỗ Quốc Bình-Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng cho rằng, bản chất Uber sử dụng phần mềm trong hoạt động vận tải có thu tiền 20% trên phí dịch vụ. Uber sử dụng lái xe, phương tiện của cả doanh nghiệp vận tải, nhưng chưa hề ký hợp đồng với một doanh nghiệp taxi nào. Bản thân người lái xe hợp tác với Uber cũng ký hợp đồng với Uber tại Hà Lan chứ không phải ký với Uber Việt Nam. Như vậy, ông Bình đặt vấn đề: “sử dụng phần mềm kinh doanh vận tải khách như Uber, vấn đề an toàn cho hành khách như thế nào? Đã là vận chuyển, hành khách phải quan tâm đến phương tiện, người lái, vậy Uber đã đảm bảo những vấn đề này ra sao?”. Và ông Bình cũng tự trả lời rằng: “Không có gì đảm bảo an toàn cho cả người lái lẫn hành khách sử dụng dịch vụ taxi Uber nếu có sự cố xảy ra”. 

Uber cũng có đủ giấy phép “Cha, con, cháu, chắt”

Trước chất vấn của các doanh nghiệp vận tải, taxi, ông Đặng Việt Dũng-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Uber Việt Nam khẳng định: “Các loại giấy phép vận tải gồm giấy tờ ông, con, cháu, chắt trong lĩnh vực kinh doanh của Uber, chúng tôi cũng phải có đầy đủ"

Ông Dũng cũng cho rằng, Uber không vi phạm luật cạnh tranh và không cướp thị phần của các hãng taxi, bởi Uber là giải pháp bổ trợ, không phải giải pháp thay thế taxi. "Uber nhắm tới thị trường vận tải hành khách là muốn tăng tần suất sử dụng xe cho các hãng taxi, bởi nhiều đầu xe của các hãng taxi chỉ sử dụng 3-4 tiếng trong ngày. Khi sử dụng tổng đài, nhiều khi khách gọi xe thì xe lại chưa thể có ngay, nhưng công nghệ có thể giải quyết được vấn đề đó cho khách. Như vậy, Uber đang tạo ra một thị trường tiềm năng cho mình và cho tất cả các hãng taxi, vận tải"-ông Dũng nói.

Bà Emily Thu Đỗ-Giám đốc Marketing Grab cũng cho rằng, Grab không cạnh trạnh với taxi, mà chỉ kết nối taxi, tài xế và người tiêu dùng. "Grab không làm ra đội xe riêng, lấy thị phần của các hãng taxi hện tại. Chúng tôi đang trên đà hợp tác với tất cả các hãng taxi”-bà Emily Thu Đỗ cũng khẳng định.

Tuy nhiên, sự lý giải này của Uber và Grab vẫn bị các doanh nghiệp vận tải, taxi cho rằng chỉ là “ngụy biện, tìm cách né tránh”.

Ông Nguyễn Sơn vẫn khẳng định, Uber Việt Nam vận hành một quá trình 5 khâu: kết nối, định giá, vận hành, thanh toán, nhận phản hồi của khách hàng, đó chính là kinh doanh vận tải. "Khi kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thì phải có giấy phép kinh doanh vận tải bằng ôtô tại VN của công ty Uber VN chứ không phải lấy tư cách pháp nhân từ Hà Lan", ông Sơn nói.

Kết luận cuộc tranh cãi này, đại diện cơ quan Nhà nước ông Phạm Đình Thưởng-Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công thương chỉ nói rằng: “Dịch vụ Uber là gì đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Để quản lý toàn diện và hiệu quả Uber và các mô hình kinh doanh tương tự, đòi hỏi tư duy quản lý mới và sự phối hợp đồng bộ của cơ quan chức năng".


Uber là một dịch vụ trung gian hoạt động thông qua ứng dụng trên smartphone. Công ty không sở hữu xe ô tô, không có lái xe. Uber làm nhiệm vụ gắn kết người cần đi xe với người sở hữu xe. Xe tham gia vào mạng lưới uber là xe cá nhân, chính vì vậy nó còn được gọi là “taxi không biển hiệu”.

Khách hàng cần di chuyển sẽ cải đặt phần mềm uber trên smartphone, sau đó thực hiện đặt xe. Phền mềm ứng dụng cung cấp bản đồ vị trí của xe để hai bên chủ động trong vấn đề thời gian và di chuyển.

Khi sử dụng uber khách hàng không cần dùng tiền mặt, sau mỗi chuyến đi kết thúc, số tiền được uber tự tính và trừ trực tiếp vào thẻ tín dụng của cá nhân. Xe tham gia vào mạng lưới uber rất đa dạng, thậm chí có cả những chiếc xe sang cao cấp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN