Các hãng bán lẻ lớn 'so găng' dịp cuối năm

Sự kiện: Hàng Tết 2019

Những ngày cuối tháng 11, các hãng lớn bán lẻ trong nước đua nhau giảm giá với nhiều mục tiêu khác nhau: xả hàng tồn, khuyến mãi cuối năm và giành thị phần.

Ngày 27/11, Nokia Việt Nam đã giảm 14,4% cho dòng Lumia 520 từ 3,49 triệu đồng còn 2,99 triệu đồng; và giảm 13,9% cho dòng thứ hai là Lumia 625, từ 5,79 triệu đồng còn 4,99 triệu đồng.

Ngay sau đó, ngày 28/11, Samsung Việt Nam cũng công bố giảm 11,9% cho dòng Galaxy Trend S7560 từ 3,62 triệu đồng còn 3,19 triệu đồng và 6% cho dòng Samsung Galaxy Core từ mức giá 5,4 triệu đồng còn 5,1 triệu đồng. Các hãng khác cũng vào cuộc.

Đua nhau giảm giá

Những mức giá trên chỉ là giá đề xuất của các hãng, còn tại nhiều nhà bán lẻ, mức giá còn thấp hơn từ 100.000 – 400.000 đồng. Như tại Thế Giới Di Động, Samsung Galaxy Core và Nokia 625 đồng giá 4,7 triệu đồng. Tại một số siêu thị khu vực Hà Nội, Lumia 520 được bán với giá 2,5 triệu đồng…

Các hãng bán lẻ lớn 'so găng' dịp cuối năm - 1

Nhiều nhà sản xuất đua nhau hạ giá để tạo sức nóng cho thị trường. Trong ảnh: quầy nhận sản phẩm của Pico Sài Gòn hiện đang trong tình trạng vắng khách. Ảnh: Minh Phúc.

Việc các hãng lớn đạp giá đã cuốn theo các hãng sản xuất có thị phần thấp hơn cũng hạ giá. Theo ông Đặng Quốc Cường, giám đốc tiếp thị của Oppo Việt Nam, ngày 28/11 hãng này cũng giảm 17,2% cho dòng Oppo Muse R821 từ 3,49 triệu đồng, còn 2,89 triệu đồng.

Dù không trực diện giảm giá nhưng ngày hôm qua, 1/12, nhóm liên minh “tay ba” là Mobiistar, Mobifone và Thế Giới Di Động đã “vào cuộc bằng cách tung ra dòng sản phẩm mới: Mobiistar 402M, có giá từ 1,3 – 1,8 triệu đồng, được tặng kèm gói cước Mobifone trị giá 5,5 triệu đồng, có thời hạn sử dụng là một năm (miễn phí 230 phút gọi, 100 tin nhắn nội mạng và truy cập internet tốc độ cao dung lượng 600MB/tháng).

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, giám đốc ngành hàng điện thoại của Thế Giới Di Động, giải thích: mức giá của sản phẩm tuỳ theo thứ tự của ngày đăng ký (ngày 6/12 hết hạn đăng ký), nếu khách hàng đăng ký sớm ngày nào thì mỗi ngày tiết kiệm được 100.000 đồng. Được biết, nhóm liên minh trên dự kiến tung 10.000 chiếc 402M cho chương trình bán hàng này.

Sony, HTC, LG…, đến giờ này vẫn cứ lặng lẽ hỗ trợ nhà bán lẻ giảm giá mà không công bố cụ thể mặt hàng chiến lược nào được giảm giá để “chiến” lại những sản phẩm của Samsung và Nokia. Theo nhiều nhà bán lẻ, có thể trong vài ngày tới, các hãng trên, với thị phần khoảng 20%, cũng phải chính thức lên tiếng tham gia cuộc chơi.

Nhiều nhà phân phối “chỏng gọng” vì… bất ngờ

Động thái giảm giá của Nokia mang đến nỗi buồn cho các nhà phân phối đang chiếm từ 60 – 65% lượng hàng Nokia tại Việt Nam (tỷ lệ còn lại thuộc về nhóm bán lẻ lớn được nhập khẩu trực tiếp như Nguyễn Kim, Thế Giới Di Động, Viễn Thông A, Pico…) Nhiều nhà bán lẻ cho rằng, theo kế hoạch “bị rò rỉ” của Nokia, phải đến tuần đầu tiên của tháng 12 họ mới giảm giá nhưng “đột ngột”, ngày 27/11, Nokia giảm giá đã làm nhiều nhà phân phối điêu đứng vì không xoay trở kịp cho lượng hàng còn đang tồn kho.

Nokia Việt Nam cho rằng, Lumia 520 là dòng smartphone bán chạy nhất trên thế giới, trong đó có thị trường Việt Nam. Vì lẽ đó, việc giảm giá vừa tăng doanh số đã cam kết với hãng, vừa tăng thị phần trong nhóm smartphone, vừa tăng tỷ lệ người dùng hệ điều hành Windows Phone vốn đang yếu thế so với hai hệ điều hành Android, iOS.

Nhưng theo một nhà bán lẻ điện thoại di động (đề nghị không nêu tên), sức tiêu thụ của Lumia 520 trong tháng 10 và 11 đã giảm, nhiều nhà phân phối đang ôm dòng sản phẩm này với số lượng lớn nên động thái giảm giá còn có yếu tố “giải phóng hàng tồn” trước khi nhập các lô hàng mới.

Khi thấy Lumia 520 bán chạy, Nokia Việt Nam đã ép các nhà phân phối nhập hàng với số lượng lớn. Nhưng khi Nokia Việt Nam đột ngột giảm giá, chính sách “bảo vệ giá” cho các nhà bán lẻ (lấy hàng qua kênh phân phối) lại không hợp lý. Theo một nhà bán lẻ, Nokia Việt Nam chỉ bảo vệ 100% giá cho những lô hàng đã xuất ra trong bốn ngày trước đó, kể từ ngày giảm giá; và 50% giá cho ba ngày sau khi tăng giá.

“Nếu muốn bảo vệ 100% giá cho lượng hàng tồn, nhà phân phối phải mua mặt hàng đó với số lượng gấp ba lần so với hàng tồn. Với tình hình kinh doanh hiện nay, tôi tự giải quyết hàng tồn. Hiện nay Nokia Lumia 520 không còn là sản phẩm nóng nữa nên có lấy cũng bị tồn kho”, một nhà bán lẻ khẳng định.

Trong khi đó, nhiều nhà sản xuất khác lại có chính sách bảo vệ giá linh hoạt hơn. Samsung bảo vệ giá cho những lô hàng được xuất trong 28 ngày, trong đó ba tuần đầu được bảo vệ 100% giá, tuần cuối là 50%, không yêu cầu nhà phân phối phải nhập hàng mới để được bảo vệ giá và không phân biệt các đối tượng nhập khẩu. Còn Oppo, theo ông Cường, kể từ ngày giảm giá, lượng hàng tồn trước đó sẽ được bảo vệ 100% giá, không giới hạn thời gian và số lượng hàng tồn.

“Việc các hãng lớn đánh nhau sẽ tạo áp lực cạnh tranh cho các hãng nhỏ hơn. Muốn sống thì phải tham gia cuộc chơi này”, ông Cường nhận xét.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Gia Vinh (Sài Gòn tiếp thị)
Hàng Tết 2019 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN