Cá tầm lậu: Bất thường sau vụ đòi bồi thường

Vấn đề sẽ bình thường nếu sau khi 4 tấn cá tầm lậu bị bắt ở Lạng Sơn được tiêu hủy đúng quy trình. Tuy nhiên sự việc bất ngờ rẽ hướng khi chủ lô hàng tố ngược lại cơ quan chức năng và yêu cầu bồi thường.

Lạ lùng chuyện tố ngược

Ngày 27.6.2013, Đội quản lý thị trường (QLTT) số 11 (Tràng Định, Lạng Sơn) đã bắt giữ một xe tải chở 4 tấn cá tầm. Lái xe không xuất trình được giấy tờ kiểm dịch, giấy tờ chứng minh được nguồn gốc và đã bỏ trốn ngay sau đó. Đến ngày 1.7, Đội QLTT huyện Tràng Định đã tiến hành tiêu hủy lô hàng trên.

Vài ngày sau, phía chủ hàng đã cử đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình đến UBND huyện Tràng Định xuất trình “biên bản xác nhận nguồn gốc cá tầm thương phẩm” và “hợp đồng kinh tế” giữa ông Bùi Thanh Vân – bên nuôi cá và ông Nguyễn Văn Nghiêm – bên mua. Ông Nghiêm đã yêu cầu Chi cục QLTT Lạng Sơn phải bồi thường số cá tầm đã bị tiêu hủy.

Cá tầm lậu: Bất thường sau vụ đòi bồi thường - 1
Lô hàng cá tầm lậu hơn 200kg bị bắt giữ ngày 8.5.2013 tại địa bàn xã Nguyễn Huệ (Hòa An, Cao Bằng).

Điều khó hiểu là tại sao sau khi 4 tấn cá bị tiêu hủy, ông Nghiêm mới bắt đầu trình giấy tờ chứng minh lô hàng trên là hợp pháp (các giấy tờ đó đều là bản sao). Một chủ doanh nghiệp nuôi cá tầm nổi tiếng đất Bắc khẳng định với phóng viên NTNN: “Chắc phải có ẩn khuất gì phía sau chứ bình thường không có chuyện kẻ buôn tố ngược người thực thi pháp luật”.

Ngoài ra, chủ doanh nghiệp này cũng tiết lộ thêm: Một trang trại, doanh nghiệp nuôi cá tầm phải có ít nhất chục loại giấy tờ thì mới có thể coi là hợp pháp, gồm có: Giấy phép của trang trại, công ty đó phải có chức năng nuôi trồng thủy sản; giấy phép của Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho phép nhập cá hoặc trứng; phải được Cites đồng ý cấp phép; giấy kiểm dịch Cục Thú y...

Nhận được tin ông Nghiêm đòi bồi thường, Chi cục QLTT Lạng Sơn có vẻ lúng túng vì chưa hiểu rõ những giấy tờ đó đã đủ căn cứ pháp lý để chứng minh lô cá tầm hợp pháp nên đã có cán bộ phải tham khảo ý kiến từ những người nuôi cá tầm trong nước lâu năm. Chính từ đây, bí mật về lô hàng 4 tấn cá tầm bắt đầu được hé lộ.

Con số hoang đường

Từ thời điểm lô hàng cá tầm ước tính 700 triệu đồng bị bắt (ngày 27.6) cho đến lúc Chi cục QLTT Lạng Sơn nhận được các “giấy thông hành” là gần 1 tuần. Vì sao phải mất ngần này thời gian, chủ hàng mới có thể trình đủ các loại giấy tờ? Từ một nguồn tin, phóng viên NTNN đã có được trong tay 2 loại “giấy thông hành”, gồm “biên bản xác nhận nguồn gốc cá tầm thương phẩm” và “hợp đồng kinh tế” giữa ông Bùi Thanh Vân – bên nuôi cá và ông Nguyễn Văn Nghiêm – bên mua.

“Biên bản xác nhận nguồn gốc cá tầm thương phẩm” có nội dung sau: “Hôm nay ngày 15.5.2013, tại hồ Khe Chảo, xã Long Sơn, huyện Sơn Động (Bắc Giang), UBND xã Long Sơn cùng hộ gia đình ông Bùi Thanh Vân, trú tại 56, Hồ Công Dự, Lê Lợi, thành phố Bắc Giang, kiểm tra xác định hộ ông Bùi Thanh Vân đang nuôi trồng thủy sản tại hồ Khe Chảo, xã Long Sơn, trong đó có cá tầm thương phẩm, số lượng 80.000.000 con, sản lượng ước tính 2013 + 2014 đạt khoảng 60 tấn”. Có thể thấy ngay, đây là một bản xác nhận với nội dung hết sức sơ sài.

Khi được phóng viên cho xem bản xác nhận này, ông Trần Văn Hào – Chủ tịch Hiệp hội Cá nước lạnh Việt Nam liền cười lớn: “80.000.000 (tám mươi triệu) con cá tầm thương phẩm là con số hoang đường. Sản lượng hồ nuôi của ông Vân ước tính trong 2 năm 2013 - 2014 là 60 tấn cá, tức chỉ tương đương 1,5 vạn con/năm, hai con số này quá vênh nhau. Cả nước đến thời điểm này cũng chỉ có 500.000 con giống cá tầm. Sản lượng cá tầm cả nước trong năm 2013 dự kiến đạt 900 tấn”.

Còn ông Nguyễn Trọng Cử - Giám đốc Công ty TNHH thương mại đầu tư Việt Đức phân tích sâu thêm: “Tôi là người nuôi cá tầm thuộc loại lớn nhất miền Bắc mà cũng chỉ đạt mức 22 vạn con/năm thôi. Bây giờ cứ tính thế này, cá tầm ở nước ta nuôi khoảng 1 năm là có thể thu hoạch với trọng lượng mỗi con xấp xỉ 2kg.

Tại thời điểm xã xác nhận cho ông Vân là ngày 15.5.2013, tức muộn lắm thì đến 15.5.2014, số lượng 80 triệu con đó sẽ được thu hoạch và sản lượng sẽ là 160.000 tấn chứ không phải là 60 tấn (mà là 2 năm gộp lại). Nếu đúng 80 triệu con thì đến năm 2014, con số thu hoạch được sẽ gấp hơn 2.000 lần so với con số mà ông Vân khai báo và được xã xác nhận”.

Chính quyền “bảo kê” hay không biết?

“Biên bản xác nhận nguồn gốc cá tầm thương phẩm” được ký ngày 24.5.2013 giữa 3 bên gồm: Ông Bùi Thanh Vân - hộ nuôi trồng thủy sản; ông Ngọc Tiến Lệ - Chủ tịch UBND xã Long Sơn; ông Nguyễn Văn Chiến – Chủ tịch UBND phường Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội).

Những câu hỏi đặt ra cho các vị lãnh đạo này là: Bằng cách nào các vị có thể thống kê một cách chính xác trong hồ nuôi của nhà ông Bùi Thanh Vân có đúng tròn trĩnh 80 triệu con cá tầm? Và nếu các vị có thể thống kê được 80 triệu con cá tầm tại thời điểm 15.5.2013, vậy tại sao sản lượng thu hoạch ước tính trong 2 năm 2013 - 2014 lại chỉ có 60 tấn (nếu ước tính đúng là phải lớn hơn trên 2.000 lần như thế - PV)?

5 bộ phối hợp ngăn chặn

Ngày 17.7, Bộ NNPTNT có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có hành vi mua bán, vận chuyển, xuất nhập khẩu các loài động vật hoang dã trong đó có cá tầm. Bộ NNPTNT cũng đề nghị các Bộ Công an, Quốc phòng, Tài chính, Công Thương chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát tại các cửa khẩu biên giới; đấu tranh, phá dỡ các đường dây buôn bán, vận chuyển trái phép mẫu vật động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm nói chung và cá tầm nói riêng. Bộ cũng đề nghị Tổng Công ty Hàng không Việt Nam chỉ chuyên chở mẫu vật các loài hoang dã, nhất là cá tầm khi có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc mẫu vật hợp pháp theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Có một chi tiết nữa là trong bản “hợp đồng kinh tế” giữa ông Bùi Thanh Vân và ông Nguyễn Văn Nghiêm (cũng được soạn ngày 15.5 và xác nhận ngày 24.5) có chữ ký và dấu đỏ của ông Ngọc Tiến Lệ - Chủ tịch UBND xã Long Sơn; ông Nguyễn Văn Chiến – Chủ tịch UBND phường Bồ Đề (huyện Long Biên, Hà Nội).

Chi tiết đáng nói là trong điều 1 của hợp đồng này có nội dung: Bên A (ông Vân) đồng ý bán cho bên B (ông Nghiêm) với giá tại thời điểm ký kết là 180.000 đồng/kg. Nhưng khi trao đổi với phóng viên, ông Lê Anh Đức - Tổng Giám đốc Tập đoàn Cá tầm Việt Nam đã nghi vấn:

“Hiện nay giá bán buôn cá tầm tại hầu hết các công ty ở Tây Nguyên đang ở mức 150.000 - 160.000 đồng/kg, mức giá này mới đảm bảo lợi nhuận khoảng 15%. Ông Nghiêm mua giá 180.000 đồng/kg thì liệu số cá đó có thể cạnh tranh với cá trong nước không, chưa nói đến việc cạnh tranh với giá cá Trung Quốc nhập lậu?”.

Để thu thập thêm chứng cứ, sáng 9.7, phóng viên NTNN đã có mặt ở hồ Khe Chảo -?nơi được cho là địa điểm ông Vân nuôi cá tầm. Vào vai một người đi tìm kiếm hợp tác đầu tư, kinh doanh cá tầm, chúng tôi đã may mắn gặp Kang – một doanh nhân nuôi cá tầm người Trung Quốc.

Kang chính là người đã thuê lại hồ Khe Chảo của ông Vân trong vòng 5 năm (bắt đầu từ năm 2011) để đầu tư nuôi cá tầm. Như vậy chính Kang là người nuôi cá tầm ở hồ này chứ không phải ông Bùi Thanh Vân. Trong câu chuyện với chúng tôi, Kang khẳng định, kể từ khi 4 tấn cá tầm của ông Nghiêm bị bắt giữ, tịch thu, ông Vân đã liên tục dặn dò Kang: Nếu có ai đến hỏi thì cứ bảo chú là người nuôi cá tầm ở đây và cháu làm thuê cho chú. Ai hỏi mua thì bảo đợt này nhiều người mua cá lắm nên giờ không còn cá bán nữa...

Như vậy, bước đầu có thể khẳng định đã xuất hiện những khuất tất và mâu thuẫn trong bộ giấy tờ thông hành của 4 tấn cá tầm mà ông Nghiêm đã trình cho cơ quan QLTT TP.Lạng Sơn. Và ở đây đặt ra câu hỏi về những chữ ký xác nhận của một số cán bộ lãnh đạo xã Long Sơn (Bắc Giang) và phường Bồ Đề (Hà Nội).  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đình Thắng (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN