Bỏ đố kỵ với người tiên phong hội nhập

Các doanh nghiệp Việt mới chỉ tận dụng được 30% lợi thế từ các hiệp định tự do thương mại.

Khi gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam không nên chỉ ủng hộ nhóm yếu thế. Quan trọng hơn, phải ủng hộ những doanh nghiệp đi tiên phong, bất kể đó là doanh nghiệp nhỏ hay tập đoàn lớn.

Nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh quan điểm trên trong hội thảo “TPP - những điều doanh nghiệp cần biết” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây.

TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng trong hội nhập, xu hướng, hỗ trợ (vốn, đất đai, nguồn nhân lực…) nhóm nào yếu thế để họ vươn lên là cách nhìn rất đúng. Nhưng quan trọng hơn là phải ủng hộ người thắng cuộc, người đi trước trong cuộc hội nhập đỉnh cao này.

Bỏ đố kỵ với người tiên phong hội nhập - 1

Nếu tận dụng tốt cơ hội, các doanh nghiệp Việt sẽ có tỉ lệ thắng nhiều hơn trong thị trường quốc tế.  Trong ảnh: Giới thiệu gạo xuất khẩu tại hội chợ quốc tế nông nghiệp tại TP.HCM. Ảnh: HTD

“Không một cuộc hội nhập thành công nào mà lại thiếu những người dẫn đầu và thành công. Chúng ta phải bỏ tính đố kỵ đối với người dẫn dắt, đi tiên phong” - TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.

TS Thành cũng cho rằng cách hiểu không đầy đủ về TPP là một điều đáng lo ngại. Hiệp định này không chỉ là tiếp cận thị trường. Điều quan trọng là nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch trong sản xuất, kinh doanh giữa các thành phần kinh tế. Chính sách của mỗi quốc gia không còn bị giới hạn bằng biên giới hữu hình nữa.

“Trong khi Việt Nam vẫn còn khoảng cách giữa nói và làm. Điều này có thể vấp phải sự giám sát và cơ chế xử lý vi phạm nghiêm khắc” - ông Thành cảnh báo.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằngViệt Nam hiện nằm trong bốn nước có trình độ phát triển thấp nhất ASEAN. Tuy vậy Lào, Campuchia và Myanmar vài năm gần đây đều tăng trưởng rất nhanh.

Cũng vì lý do này mà trong hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tận dụng được 30% lợi thế từ các hiệp định tự do thương mại đã ký kết, 70% còn lại được khu vực đầu tư nước ngoài tận dụng tốt.

“30 năm đổi mới nhưng cảm nhận của người dân và doanh nghiệp môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn nửa nhà nước, nửa thị trường. Nay chấp nhận vào sân chơi TPP thì không thể tiếp tục “chơi” theo kiểu này” - bà Chi Lan nói.

Bà Lan phân tích cạnh tranh trong hội nhập sẽ xảy ra hai khả năng thắng và thua. Nếu tận dụng tốt cơ hội thì tỉ lệ thắng nhiều hơn. Bà Lan ví von: “Chúng ta không thiếu những luật, văn bản chính sách tốt… nhưng vẫn còn khoảng cách xa vời giữa “miệng và tay”.

Nêu một thực tế về Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, bà Chi Lan nhìn nhận nghị quyết đặt ra môi trường đầu tư kinh doanh phải đạt tiêu chuẩn ASEAN 6 và vươn lên mức ASEAN 4. Thế nhưng chỉ có một số bộ  và tỉnh, thành hưởng ứng tích cực, còn lại vẫn đang thờ ơ.

“Sự thờ ơ, không nhúc nhích để chuyển đổi môi trường kinh doanh tốt hơn là điều đáng ngại nhất” - bà Chi Lan nhấn mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chân Luận (Pháp luật TPHCM)
Hiệp định TPP: Cơ hội và thách thức Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN