"Bánh trung thu bán kèm rượu ngoại là đầu độc trẻ em"

Nhiều chuyên gia, nhà giáo dục lo ngại, hiện tượng bán bánh trung thu kèm rượu ngoại có thể phá vỡ những giá trị truyền thống của ngày Tết Trung thu và ảnh hưởng đến tư duy của thế hệ trẻ.

Càng xa hoa càng dễ quên cội nguồn

Trao đổi với Báo Giao thông, GS. Văn Như Cương cho biết, trong quan niệm truyền thống, Tết Trung thu là dịp để trẻ em cùng nhau ngắm trăng, phá cỗ và rước đèn ông sao. “Tôi còn nhớ hồi nhỏ, mỗi dịp Trung thu, chúng tôi đều háo hức làm đèn ông sao, chờ được cùng nhau đi rước đèn. Cả lũ trẻ con cầm đèn đi quanh xóm rất vui vẻ, đẹp và ý nghĩa”, GS. Cương nhớ lại.

"Bánh trung thu bán kèm rượu ngoại là đầu độc trẻ em" - 1

Trung thu dành cho trẻ em, bán bánh kèm rượu ngoại sẽ khiến trẻ bị lệch lạc tư duy, xa rời giá trị truyền thống

GS. Cương cho rằng, không chỉ Tết Trung thu, nhiều ngày Tết truyền thống khác của người Việt như: Tết Nguyên đán, Tết Đoan Ngọ… là dịp để mọi người hồi tưởng, gìn giữ và tôn vinh những giá trị truyền thống của cha ông, hướng về cội nguồn. Do đó, cỗ bàn phải là những thứ bình dị, gần gũi với đời sống của người xưa mới giúp thế hệ hiện tại không quên đi cội nguồn dân tộc. Đó là lý do mà suốt bao đời nay, Tết Nguyên đán luôn phải có bánh chưng, bánh dày hay Tết Đoan Ngọ không thể thiếu bánh trôi, bánh chay.

“Mấy năm gần đây, Trung thu người ta thường tổ chức cỗ bàn linh đình, nhiều vật phẩm xa xỉ, một hộp bánh trung thu có thể lên tới hàng triệu đồng, điều này rất dễ khiến cho các em bị “đánh lạc” tư duy, xa rời các giá trị truyền thống. Đời sống xa hoa, đầy đủ quá dễ khiến con người ta quên mất cội nguồn”, GS. Cương nhận xét.

Về hiện tượng bán kèm rượu với bánh trung thu làm quà biếu, theo GS. Cương, có thể khiến trẻ em bị ảnh hưởng về tư duy, quan niệm về các hệ giá trị cũng thay đổi. GS. Cương lo ngại: “Dù biết rằng việc biếu quà không thể ngăn cấm nhưng thương mại hóa, thị trường hóa trong những ngày lễ truyền thống như thế là rất có hại. Nếu sống trong môi trường đó, rất có thể lớn lên các em sẽ học theo người lớn về văn hóa biếu xén”.

“Chắc chắn rượu hoặc bánh có vấn đề”?

Đó là khẳng định của TS. Nguyễn Văn Khải khi được hỏi về “phong trào” bán bánh trung thu kèm rượu ngoại mới rộ lên từ mấy năm nay. “Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới, chẳng nơi đâu người ta làm thế. Bán rượu ngoại kèm bánh trung thu chắc chỉ nước ta mới có”, ông Khải nói và cho biết, ở hầu hết các nước, hoạt động kinh doanh rượu được quản lý rất khắt khe, như quy định rõ cửa hàng nào được phép bán rượu, cửa hàng nào không. Riêng người dưới 18 tuổi tuyệt đối không được uống rượu. “Tác hại của rượu với sức khỏe con người như thế nào thì ai cũng biết. Nước ta cũng đang có nhiều nỗ lực trong việc quản lý mặt hàng này, thế mà lại có nơi bán bánh trung thu kèm rượu ngoại là không thể chấp nhận được. Bánh trung thu là sản phẩm chủ yếu dành cho trẻ em mà lại bán với rượu thì khác nào đầu độc trẻ em”, ông Khải bức xúc.

Nói về lý do bán kèm rượu cùng bánh trung thu để làm quà biếu, ông Khải cho rằng, đây là việc làm kỳ quặc và “có vấn đề”: “Từ trước đến nay có ai đi ăn bánh trung thu với rượu bao giờ đâu. Tôi cho rằng, việc làm này có thể bắt nguồn từ hai nguyên nhân: Hoặc là bánh có vấn đề; hoặc là rượu có vấn đề. Bây giờ phải làm rõ bánh trung thu đó có đảm bảo chất lượng không và rượu có phải rượu chuẩn không? Rượu giả giờ thiếu gì? Vừa rồi ffài truyền hình chẳng có một phóng sự về cơ sở làm giả rượu đó thôi”.

Phải kiểm tra giấy phép, điều kiện sản xuất,kinh doanh

Trước tiên cần phải kiểm tra xem trong giấy phép đăng kí kinh doanh bánh trung thu cũng như rượu ngoại của những đơn vị này. Nếu có giấy phép, phải tiếp tục thẩm định nguồn gốc, xuất xứ bánh và rượu. Cụ thể, nếu hàng nhập phải kiểm tra hóa đơn, chứng từ nhập khẩu; hoặc chứng nhận sản xuất đảm bảo chất lượng an toàn, vệ sinh thực phẩm; nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng…

Luật sư Bùi Đình ỨngTrưởng Văn phòng Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư Hà Nội)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quý Nguyễn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN