Bán nhà để làm nông dân, giờ thành đại gia tiền tỷ
Hiện nay, những ông lớn trong ngành thực phẩm như KFC, Pizza Hut cũng là đối tác của “bác nông dân” đặc biệt này.
Bán nhà, vay mượn tiền để khởi nghiệp, suýt “cháy sạch” vốn
Mã Thiết Dân (sinh năm 1976) vốn có cha mẹ là giáo viên của học viện nông nghiệp. Chính môi trường gia đình đặc biệt đã vun đắp đam mê của ông đối với ngành nông học. Đến khi lên đại học, ông cũng chọn theo ngành này.
Năm 1999, sau khi tốt nghiệp, ông vào làm cho một doanh nghiệp nước ngoài, từ đó bước chân vào lĩnh vực xuất nhập khẩu rau củ quả. Cụ thể, công ty hợp tác với nông dân, cung cấp hạt giống để nông dân sản xuất. Cuối cùng, sau khi rau được thu hoạch, công ty sẽ mua lại, đóng gói và đem bán.
Công ty có nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt về quy trình trồng rau, nhưng hầu hết nông dân lúc bấy giờ thường trồng rau theo kinh nghiệm thay vì theo tiêu chuẩn.
Khoảng thời gian ngắn làm việc tại một công ty nước ngoài đã có tác động rất lớn đến tư tưởng của Mã Thiết Dân. Là một cử nhân ngành nông học, ông lần đầu được tiếp xúc với nền nông nghiệp hiện đại được tiêu chuẩn hóa. Điều này đã thay đổi hoàn toàn những hiểu biết của ông về nông nghiệp.
Theo ông, trong một thời gian dài, nông dân Trung Quốc chịu thiệt thòi, nông nghiệp không có lãi chủ yếu là do sản xuất còn lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm trồng trọt.
Với niềm đam mê sâu sắc với nông nghiệp, ông quyết tâm tự thay đổi tình trạng này. Không lâu sau, ông từ chức và bắt đầu sự nghiệp kinh doanh riêng.
Ảnh: CCTV-17
Năm 2003, Mã Thiết Dân đã rút hết tiền tiết kiệm, bán nhà và vay tiền cha mẹ, tổng cộng gom khoảng 400.000 NDT (1,4 tỷ đồng) để khởi nghiệp.
Ông đã thuê gần 400 mẫu đất, liên hệ trước với hai khách hàng chuyên xuất khẩu rau củ quả và chính thức trồng rau củ sau đó.
Trong năm đầu tiên, ông trồng 7 loại rau. Hàng ngày, “nông dân” mới vào nghề này ngủ trong túp lều bên cạnh ruộng rau để liên tục theo dõi sự phát triển, thay đổi của hạt giống, đồng thời quản lý theo đúng tiêu chuẩn của nông nghiệp hiện đại. Nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp, doanh thu dự kiến sẽ lên đến 700.000 NDT (2,4 tỷ đồng).
Ảnh: CCTV-17
Tuy nhiên, ông không ngờ rằng lại gặp phải dịch SARS vào thời điểm đó. Khi ấy, hầu như không ai ra đường, các khách sạn và nhà hàng đều đóng cửa, rau của ông dù phát triển tốt cũng không có đầu ra. Hai khách hàng đã liên hệ trước đó cũng từ chối mua hàng.
Mã Thiết Dân và các đồng nghiệp đành phải mang rau ra chợ bán từ sáng sớm. Ông chia sẻ rằng rau được trồng theo phương pháp chuẩn hóa, nhưng các thương lái hoàn toàn không hiểu và không thèm để ý. Thậm chí có người còn cho rằng rau trông không đủ đẹp về hình thức.
Mã Thiết Dân không thể bán rau với giá tốt do thiếu kinh nghiệm trên thị trường bán buôn, họ cũng không có kho lạnh để bảo nên nhiều lô rau tồn đọng đã bị thối rữa ngay trên ruộng.
Từ nông dân “tay ngang” đến đối tác của “ông lớn” ngành ăn uống
Mối lo về việc tồn hàng quá nhiều khiến Mã Thiết Dân không khỏi lo lắng, ông còn phát hiện tóc mình đã bạc đi nhiều chỉ trong vài ngày. Ông liên lục liên hệ với những người quen để tìm cơ hội.
May mắn đến sau đó không lâu, ông vô tình biết rằng một đồng nghiệp cũ phụ trách mua rau sống cho hãng KFC tại Trung Quốc nên đã lập tức liên hệ cho người này.
Được biết, KFC có tiêu chuẩn vô cùng nghiêm ngặt trong việc lựa chọn nhà cung cấp. Đầu tiên, rau sống phải đạt độ chín 70%. Ngoài ra, từ hình thức, trọng lượng, màu sắc và độ dày của lá phải có sự đồng đều.
Người đồng nghiệp cũ vốn lo rằng không tìm được loại xà lách đạt chuẩn, nhưng không ngờ số lượng rau sống chất lượng cao của Mã Thiết Dân cao hơn hẳn các nhà cung cấp khác.
Cứ như vậy, hơn 100 tấn rau sống của Mã Thiết Dân đã tìm được đầu ra. Rau xà lách đã trở thành giống rau duy nhất có lợi nhuận trong số 7 loại rau mà ông đã trồng. 6 loại còn lại khiến ông lỗ gần 200.000 NDT (701 triệu đồng) chỉ trong một năm.
Sau đó, Mã Thiết Dân đã từ bỏ các loại rau khác và chỉ tập trung trồng xà lách. Ông còn phát hiện ra một cơ hội kinh doanh nữa. KFC làm bánh hamburger mỗi ngày và cần có xà lách tươi liên tục. Nhưng vào thời điểm đó, không ai có thể trồng xà lách ngoài trời quanh năm, còn trồng trong nhà kính sẽ ảnh hưởng đến hương vị. Do đó, người thu mua cần gom xà lách từ các vùng khác nhau theo từng mùa.
Xà lách cũng rất mềm yếu, nếu nhiệt độ cao hơn 30 độ C, nó sẽ nổi đốm đỏ, phần giữa và viền lá cũng bị ảnh hưởng, nhu cầu về độ ẩm cũng cần kiểm soát nghiêm ngặt, vì vậy cần phải quản lý chất lượng một cách cực kỳ kỹ lưỡng.
Để tìm cách cung cấp xà lách tươi ngon quanh năm, ông đã đi hơn 40 địa điểm ở Trung Quốc để tìm ra vùng trồng rau phù hợp nhất, thậm chí còn từng tiêu tốn 90.000 NDT (315 triệu đồng) chỉ để khoan giếng lấy nước nhưng vẫn không thu hoạch được gì.
Sau bao lần vất vả tìm kiếm, Mã Thiết Dân cuối cùng đã chọn được vùng đất phù hợp. Ông đã xây dựng 12 trang trại trên khắp Trung Quốc với tổng 20.000 mẫu Anh. Chẳng hạn như trang trại ở Hà Bắc, chủ yếu dùng để đảm bảo nguồn cung rau vào mùa hè. Một trang trại khác được xây dựng ở Phúc Kiến để làm nguồn cung vào mùa đông. Ngoài ra, còn có 2 trang trại khác ở Thượng Hải và Sơn Đông để đảm bảo nguồn rau vào mùa xuân và mùa thu.
Chuỗi cung ứng xà lách này được kết nối liền mạch, đảm bảo có thể cung cấp nguồn rau tươi dồi dào quanh năm. Tại Trung Quốc, mỗi khí hậu và điều kiện địa lý ở mỗi vùng là khác nhau. Vì thế, yêu cầu về quản lý sinh trưởng, nhiệt độ, kiểm soát nước và phân bón... cũng khác nhau.
Để kiểm soát mọi thứ một cách tối ưu, Mã Thiết Dân thường sống trong một túp lều cạnh ruộng rau để kiểm tra khả năng chịu lạnh, chịu nóng của chúng để điều chỉnh cách thức chăm sóc phù hợp. bằng quy trình kiểm soát tinh vi, Mã Thiết Dân và cộng sự đã tổng kết được hơn 100 mấu chốt trong kiểm soát quá trình sinh trưởng của xà lách. Bên cạnh đó, việc thu hoạch rau cũng phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về kích thước, độ tươi và độ đồng nhất.
Thậm chí, Mã Thiết Dân còn bố trí nhân viên kỹ thuật đến đào tạo nông dân, giám sát và hướng dẫn họ các quy trình của nông nghiệp hiện đại.
Từ "vua xà lách" đến đế chế nông sản tiền tỷ
Sau bao nỗ lực, Mã Thiết Dân đã trở thành “vua xà lách” nổi tiếng trong ngành. Ông thành lập Công ty TNHH Nông nghiệp Kaisheng Haofeng vào năm 2006. Vài năm sau, từ một cây xà lách búp nhỏ bé, ông đã tạo ra một đế chế với sản lượng và kỹ thuật trồng trọt đứng đầu châu Á.
Ngày nay, công ty của ông đã chiếm 60% thị phần xà lách búp tại Trung Quốc, chiếm 50% thị trường nhập khẩu xà lách tại Hàn Quốc và 90% thị trường nhập khẩu xà lách tại Singapore.
Tuy nhiên, Mã Thiết Dân không dừng lại ở đó. Sau khi nhận ra sức mạnh của internet và thời đại công nghệ, ông đã bắt đầu nghiên cứu về thương mại điện tử, tìm cách kết hợp giữa internet và nông nghiệp.
Năm 2015, ông bắt đầu đưa thương hiệu nông sản “Green Walker” của mình lên Taobao, nhưng phải đóng cửa vì phát sinh hàng loạt vấn đề như chuỗi cung ứng không hoàn hảo, vận chuyển tốn kém...
Lúc này, ông chọn ghi danh và trở thành sinh viên khóa thứ 3 của Trung tâm nghiên cứu khởi nghiệp Hupan. Với sự giúp đỡ của Alibaba, một bước ngoặt mới đã xuất hiện.
Thương hiệu “Green Walker” lại một lần nữa được tung ra trên Taobao, lập kỷ lục bán được 100.000 cây xà lách chỉ trong một tháng. Ngoài ra, Mã Thiết Dân còn bắt đầu trồng cà chua và thành lập thương hiệu cà chua trái cây “Yikeda”.
Người đàn ông này dường như làm việc không ngừng nghỉ. Khi rảnh rỗi, ông sẽ đến bộ phận thương mại điện tử để giám sát chất lượng sản phẩm. Vào buổi tối, ông sẽ giám sát hiệu quả phản hồi của bộ phận dịch vụ khách hàng. Thỉnh thoảng, ông còn trực tiếp đặt hàng để kiểm tra hàng hóa và trải nghiệm chất lượng dịch vụ khách hàng.
Hiện nay, cà chua của Mã Thiết Dân chiếm 60% thị phần tại thị trường Trung Quốc, doanh thu hàng năm đạt hơn 1 tỷ NDT (3.505 tỷ đồng).
Không cần trồng hay chăm bón, bạn vẫn kiếm được bộn tiền nếu chăm chỉ hái loài cỏ dại giá trị này.
Nguồn: [Link nguồn]
-26/05/2025 07:20 AM (GMT+7)