71% doanh nghiệp Hà Nội kê khai lỗ

Tại kỳ họp thứ 6 của HĐND TP Hà Nội, trả lời chất vấn của đại biểu về tình hình nộp thuế của các DN, UBND TP Hà Nội cho biết: Trong 81.592 DN kê khai thuế TNDN, có tới 57.866 DN kê khai lỗ (chiếm tới 71%).

Tại kỳ họp thứ 6 của HĐND TP Hà Nội, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi về nguyên nhân khiến một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội của năm 2012 không đạt kế hoạch. Trong đó, vấn đề thu ngân sách đạt thấp khiến các đại biểu băn khoăn về nguyên nhân và biện pháp cải thiện, nhằm tăng thu cho năm 2013, trong bối cảnh TP vẫn cần tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN.

DN thua lỗ, ngân sách giảm thu

Trả lời chất vấn của các đại biểu, UBND TP Hà Nội cho biết, năm 2012, bên cạnh việc nguồn thu ngân sách giảm do thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; Nghị quyết số 29/NQ-QH ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân (tổng số thuế, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất được gia hạn làm giảm nguồn thu ngân sách năm 2012 là 5.765 tỷ đồng), tác động của suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn và vì vậy tác động lớn đến nguồn thu ngân sách.

Trong năm 2012, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Hà Nội cũng chịu nhiều thiệt hại do ảnh hưởng từ khó khăn chung. Tính đến hết tháng 11, chỉ có 15.043 DN mới thành lập được cấp mã số thuế; có tới 12.249 DN ngừng hoạt động, trong đó: 5273 DN tạm ngừng kinh doanh, 6.556 DN bỏ trốn mất tích.

Về nộp thuế, số DN có phát sinh thuế GTGT, nộp thuế TNDN ở mức thấp, có xu hướng giảm. Trong 10 tháng đầu năm, chỉ có 180.625/868.472 tờ khai có phát sinh thuế GTGT nộp ngân sách (20,8%), số thuế GTGT phát sinh 17.308 tỷ đồng.

Thống kê tờ khai thuế TNDN kê khai năm 2012, chỉ có 64.525/244.778 tờ khai có phát sinh thuế TNDN nộp ngân sách, số thuế TNDN kê khai 17.710 tỷ đồng.

Trong 81.592 DN kê khai thuế TNDN, có tới 57.866 DN kê khai lỗ (chiếm tới 71%).

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân chủ quan làm thu ngân sách đạt thấp. Nợ thuế có xu hướng tăng cao, chủ yếu do các DN xây dựng cơ bản sử dụng nguồn vốn ngân sách nhưng chưa được giải ngân nên không có nguồn để nộp ngân sách số thuế phải nộp theo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2011 và thuế TNDN tạm tính 2012, thuế GTGT phát sinh (nợ thuế của các DN trên lĩnh vực này chiếm đến 57% tổng số nợ thuế, phí), đồng thời các DN kinh doanh vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội thất cũng giảm khả năng nộp ngân sách do không được thanh toán, do tồn đọng hàng hóa; Nhiều DN do khó khăn về tài chính nên không có nguồn để nộp nợ thuế.

Tuy nhiên vẫn còn tình trạng một số DN cố ý dây dưa nợ thuế, cơ quan Thuế đã thực hiện nhiều biện pháp, trong đó có việc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ (lập lệnh thu ngân sách để phối hợp với Ngân hàng trích tiền từ tài khoản của DN…) để thu hồi nợ đọng thuế.

Thu đấu giá quyền sử dụng đất cũng đạt kết quả thấp. Nguyên nhân là do từ cuối năm 2011 sang năm 2012, bối cảnh tình hình kinh tế chính trị, kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp; tình hình trong nước lạm phát vẫn có chiều hướng gia tăng, thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi mặc dù Nhà nước đã có các chính sách nới lỏng tín dụng ngân hàng, giao dịch bất động sản vẫn trầm lắng vì vậy việc triển khai đấu giá quyền sử dụng đất gặp rất nhiều khó khăn.

Một số quận, huyện đã tổ chức đấu giá nhưng sau đó nhiều trường hợp trúng đấu giá đã bỏ tiền đặt cọc, hoặc nộp một phần tiền trúng đấu giá nhưng không có khả năng nộp tiếp, hủy kết quả đấu giá dẫn đến số thu đạt thấp; Một số địa bàn không thực hiện được do chậm tiến độ GPMB để tạo quỹ đất sạch đưa thị trường; Một số khu đô thị mới có quỹ đất của TP, chủ đầu tư có trách nhiệm GPMB, hoàn thành hạ tầng bàn giao cho TP để tổ chức đấu giá nhưng tiến độ triển khai chậm.

Công tác theo dõi đôn đốc thu nộp số tiền trúng đấu giá gặp nhiều khó khăn do theo quy định thì số tiền trúng đấu giá phải được trừ các chi phí đầu tư xong mới nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan Tài chính.

Cũng theo UBND Tp Hà Nội, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thu ngân sách không đạt được dự toán song vẫn có điểm sáng là duy trì được tốc độ tăng trưởng: Thu nội địa (không kể dầu thô) ước thực hiện 120.534 tỷ, đạt 91,4% dự toán HĐND TP giao, tăng 10% so với thực hiện 2011.

Trong đó có 9/14 khoản thu đạt và vượt dự toán gồm: thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế môi trường, thu phí và lệ phí, tiền sử dụng đất, tiền bán nhà sở hữu nhà nước, tiền thuê mặt đất mặt nước, thu khác ngân sách, thu hoa lợi công sản, quỹ đất công ích tại xã;

Có 5/14 khoản thu đạt thấp hơn so với dự toán HĐND giao, chủ yếu là các khoản thu từ DN: Thu từ doanh nghiệp nhà nước (DNNN) do Trung ương quản lý ước đạt 89,6%, thu từ DNNN địa phương, Thu từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 83,8%, thu từ khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh, thu lệ phí trước bạ.

Thu từ dầu thô, ước thực hiện là 7.500 tỷ đồng đạt 214,3% dự toán.

Được biết, Cục Thuế đang tiếp tục chỉ đạo các Phòng, các Chi cục tăng cường các biện pháp đôn đốc các khoản thu còn tiềm năng như tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tiền sử dụng đất, phấn đấu thu ngân sách đạt và vượt số đã dự kiến.
 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Linh Linh (Vnmedia)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN