Quên Becker đi, thành bại tại Djokovic

Liệu Djokovic sẽ vịn vào vai Becker hay Vajda để đứng dậy sau thất bại ở Australian Open?

Cú sốc bị Wawrinka loại ở vòng tứ kết Australian Open đã và đang đẩy Djokovic vào một tình thế khó.

Cách nay hai tuần, Djokovic rút lui khỏi đội tuyển Davis Cup dù cho Serbia đón tiếp Thuỵ Sĩ với Wawrinka và Federer ngay tại Novi Sad, thành phố biểu tượng của kinh tế đang vươn lên ở đất nước từng bị chiến tranh tàn phá.

Lý do được đưa ra là ngay sau khi trở về từ Melbourne, Djokovic đã cất vợt kỹ trong túi tới chục ngày liền, nên không thể sẵn sàng. Đó không hẳn là lộ trình tập luyện – thi đấu được xác lập từ trước của anh. Bởi Djokovic cũng thừa nhận, điều anh tập trung là hồi phục, để lấy lại ngôi vị số 1 thế giới từ Nadal.

Nhưng Nadal không phải là đối thủ duy nhất của số 2 thế giới hiện tại. Thất bại trước Wawrinka đồng nghĩa với việc lần đầu tiên trong bốn năm, Djokovic không còn chiếm thế tiện lợi về tâm lý bằng việc bỏ túi danh hiệu Grand Slam đầu tiên trong năm.

Quên Becker đi, thành bại tại Djokovic - 1

Thất bại trước Wawrinka đẩy Djokovic vào một tình thế khó

Thất bại ấy lại đến ngay trong giải đấu đầu tiên kể từ khi Djokovic có một quyết định đặc biệt tạo hồ nghi, là mời Boris Becker làm HLV chính, còn HLV Marian Vajda sau tám năm gắn bó bị đẩy xuống làm HLV phụ.

Câu hỏi đặt ra cho Djokovic ngay sau khi Australian Open kết thúc là liệu Boris Becker sẽ tiếp tục cương vị ấy được bao lâu, và liệu tay vợt người Serbia có kiên nhẫn chờ cho tới sau Roland Garros (Grand Slam duy nhất mà Djokovic chưa vô địch) nếu như Djokovic thất bại ở mùa sân cứng sớm trong đó có hai Masters 1000 ở California và Miami cùng với ba Masters 1000 trên sân đất nện?

Sau khi chứng kiến đội tuyển Davis Cup Serbia thất bại tuyệt đối (thua ba trận đầu rồi thắng hai trận cuối thủ tục) qua TV và báo chí, Djokovic đã trở lại Monte Carlo tập luyện. Ở đó, không phải là một Boris Becker có chất nghệ sĩ mà là một Marian Vajda trầm tĩnh đứng khoanh tay quen thuộc. Giải đấu tiếp theo của Djokovic là ở Dubai (ATP 500), nơi anh sẽ bảo vệ chức vô địch, và nếu thành công, sẽ sánh ngang với thành tích năm lần vô địch ở đây của Federer.

Sự hoán đổi vị trí ấy dường như không nằm trong kế hoạch ban đầu. Cuối năm ngoái, trong thông cáo báo chí của Djokovic gửi tới truyền thông, Dubai là một trong 12 giải đấu Becker sẽ sát cánh cùng với tay vợt người Serbia.

Thường thì các HLV luôn xuất hiện trong quá trình chuẩn bị của một giải đấu nào đó mà họ sẽ đi cùng với các tay vợt tới giải. Đó là cách mà Paul Annacone từng làm với Federer khi ông còn là HLV chính của huyền thoại người Thuỵ Sĩ (còn Severin Luthi làm HLV phụ). Ông Toni Nadal có thể để Nadal tới một vài giải đấu (như ở Indian Wells) chỉ với Francisco Roig, nhưng ông luôn có mặt bên Nadal trong quá trình anh tập luyện ở Mallorca. Hay HLV Ivan Lendl của Murray khẳng định rằng việc nhiều khi ông chỉ tham gia huấn luyện cho tay vợt người Scotland ở Miami (Mỹ) mà không đi theo một số giải, bởi “việc huấn luyện trên sân tập đóng vai trò quan trọng còn hiện diện trên khán đài ở các giải đấu nhiều khi chỉ có ý nghĩa tinh thần”. 

Quên Becker đi, thành bại tại Djokovic - 2

Liệu Boris Becker sẽ tiếp tục cương vị này được bao lâu?

Khi cuộc chơi thực là khắc nghiệt

Nhưng cũng có thể đây là sự điều chỉnh tất yếu sau khi cả Djokovic và Boris Becker cùng “vỡ” ra được nhiều điều. Nên nhớ, cả hai chưa từng nói chuyện với nhau cho tới khi Djokovic gọi điện cho Becker đề nghị ông làm HLV (trong đúng ngày anh mất ngôi số 1 thế giới).

Chắc chắn là ngay từ giây phút đầu tiên và giờ đây Boris Becker lại càng thấm thía hiểu rằng việc huấn luyện ở đẳng cấp hàng đầu thế giới là thách thức cực lớn so với công việc mà ông đã làm trong suốt gần một thập kỷ qua, là bình luận trên truyền hình, và dạy tennis trong một chương trình do hãng thời trang Ralph Lauren tổ chức (mà các học viên là những người áo trắng cổ cồn ngồi bên ngoài sân).

Ở chương trình huấn luyện nặng tính thương mại đó, Becker có thể (và thực sự là đã) đôi khi nhầm lẫn trong việc gọi tên vài kỹ thuật, trong đó có cả tư thế tay cầm (grip) số 3,5 (semi western), nhưng với Djokovic, bất cứ ý tưởng và sự huấn thị nào của ông cũng cần phải chính xác tuyệt đối.

Boris Becker giờ đây đang dành nhiều thời gian hơn trong phòng tập thể lực ở Đức, mà theo cuộc trả lời với tờ báo tiếng Đức Die Welt (The World), là để thích ứng với công việc huấn luyện cho Djokovic, giúp tay vợt sáu lần vô địch Grand Slam trở lại ngôi vị số 1 thế giới.

Công việc huấn luyện đó không buộc ông phải quần quật trên sân đánh bóng qua lại với Djokovic (Victor Troicki hiện đang tập cùng với Djokovic), nhưng Djokovic có thể cũng muốn ở HLV mới của mình một sự đóng góp nhất định khi nhìn hình ảnh Ivan Lendl đã làm việc cực nhọc trong hai năm qua để nâng cấp Murray trở thành nhà vô địch thực sự.

Thành bại không do Becker

Một trong những pha bóng quyết định tới việc Djokovic thất bại trước Wawrinka ở Australian Open là khi anh tràn lưới và bắt volley không thành công ở cuối set 5.

Djokovic nói rằng, việc Wawrinka trả giao bóng bằng những cú cắt trái đã gây khá nhiều khó khăn cho anh trong việc tấn công ngay ở đường bóng đầu tiên sau cú giao bóng. Để hoá giải chiến thuật ấy của Wawrinka, Djokovic đôi khi cần lên lưới.

Quên Becker đi, thành bại tại Djokovic - 3

Nole sẽ trở lại mà không cần Boris Becker phải hoá thân thành một HLV xuất sắc?

Lên lưới chính là một trong những điều mà Boris Becker muốn Djokovic thực hiện ngay trong những trận đấu đầu tiên khi họ làm việc cùng nhau (ở giải biểu diễn Mubadala).

Tiếc rằng, Djokovic không được đào tạo từ tấm bé để giao bóng lên lưới, và việc anh lên lưới xưa nay chỉ là theo tình huống, và cũng chỉ là khâu cuối cùng sau khi anh đã dồn đối thủ vào thế phòng thủ, bước lên nhẹ nhàng đặt bóng ăn điểm.

Huấn luyện cho Djokovic thực tế không có nhiều thuận lợi như huấn luyện Murray hay ai đó vẫn còn những hạn chế để nâng cấp.

Nhưng làm mới để đối phó với việc các đối thủ của anh đã bắt đầu bắt bài chí ít  cũng là mong muốn của bản thân siêu sao người Serbia.

Có thể coi là thuận lợi khi cho rằng, khác Federer đang đổ dốc sự nghiệp, Djokovic vẫn còn trẻ (sinh năm 1987), và ưu thế hơn Nadal hay Murray ở chỗ, anh hầu như không bị các chấn thương nghiêm trọng ngáng trở.

Trên thực tế, Djokovic có thể đã sa sút so với chính anh, nhưng vẫn ở một đẳng cấp có thể đánh bại bất cứ ai, và không dễ bị đánh bại. Trận đấu với Wawrinka, Djokovic vẫn ghi nhiều điểm hơn và có cơ hội chiến thắng sau khi vươn lên dẫn sớm ở set cuối.

Nó là nền tảng cho một Djokovic đang rất khát khao, mong muốn chiến thắng trong mọi cuộc đua, được tin rằng chỉ cần tự tin và may mắn nhiều hơn, là sẽ trở lại mà không cần Boris Becker phải hoá thân thành một HLV xuất sắc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Nóng cùng Phạm Tấn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN