Olympic Sochi: Phát hiện khủng bố bằng máy đo cảm xúc

Thế vận hội mùa đông đang diễn ra tốt đẹp, gần như không gặp bất kỳ sự cố đáng kể nào. Thành công này đến từ việc nước chủ nhà Nga đã triển khai một kế hoạch an ninh cực kỳ đặc biệt.

Như đã thông tin, để chuẩn bị cho Thế vận hội mùa đông Sochi 2014, Chính phủ Nga đã chi tới 2 tỷ USD để thiết lập hàng rào an ninh quanh thành phố và cùng với con số 51 tỷ USD tổng chi phí, đây là kỳ Thế vận hội tốn kém nhất trong lịch sử.

Đó là là điều dễ hiểu bởi Sochi lại nằm ở một vùng đất hết sức nhạy cảm, rất gần biên giới với các quốc gia ở Bắc Kavkaz thuộc Liên bang Nga, nơi mà các chiến binh Hồi giáo cực đoan hay hoạt động và thường xuyên xảy ra tình trạng khủng bố.

Theo ước tính, con số binh sỹ, cảnh sát và những người làm công tác bảo vệ trật tự lên đến 100 nghìn. Trong phạm vi bán kính hơn 40km, bất kỳ người nào cũng đều phải trải qua những chốt kiểm tra hết sức kỹ lưỡng. Thậm chí, dưới mặt nước, 4 tàu ngầm của quân đội Nga cũng được trang bị dò tìm sóng ấm liên tục, và trên bầu trời, hàng chục máy bay không người lái được triển khai nhằm ngăn chặn những mối đe dọa từ trên không.

Olympic Sochi: Phát hiện khủng bố bằng máy đo cảm xúc - 1

An ninh ở Sochi 2014 đang khiến du khách cảm thấy không thoải mái

Tuy nhiên, đó chưa phải là điểm nhấn trong công tác an ninh lần này. Theo tiết lộ từ New York Times, Chính phủ Nga đã lắp đặt một công nghệ vô cùng tinh vi có tên gọi “Thiết bị phát hiện khủng bố bằng máy đo cảm xúc” - VibraImage.

Trước khi đến hoặc rời khỏi Sochi bằng bất kỳ phương tiện gì, các du khách, tình nguyện viên hay người dân đều phải đi qua một hệ thống giống như máy kiểm tra X - quang ở sân bay. Điều đặc biệt là hệ thống này có khả năng đo được cảm xúc, phân tích những hình ảnh và rung động của cơ thể (chủ yếu là ở đầu và cổ), qua đó xác định có nguy cơ xảy ra khủng bố hay không.

Mặc dù VibraImage đang hoàn thành rất tốt công việc của mình, song nó cũng đem lại cho các du khách và vận động viên nhiều bất tiện. Điển hình là Erik Isabelle, một du khách người Thụy Điển bị cảnh sát tạm giữ và thẩm vấn hơn một giờ đồng hồ, khiến ông bỏ lỡ cơ hội cỗ vũ cho đội hockey nước nhà chỉ bởi mắc bệnh Parkinson, một chứng bệnh khiến tay chân run lẩy bẩy, hay như Michael Johnson (Mỹ) bị phát hiện nhịp sinh học không bình thường bởi vì anh là người . . . đồng tính và có quan hệ với bạn tình trước đó vài giờ. Thậm chí Johnson còn bị “quay” suốt cả ngày hôm đó vì ở Nga, vấn đề đồng tính được xem là đi ngược với đạo đức truyền thống.

Đó là những trường hợp hy hữu mà VibraImage mang lại, cùng những thủ tục rất khắt khe đã khiến du khách cảm thấy không thoải mái khi đến Sochi xem Thế vận hội.

Tệ hơn nữa là các khán đài có rất ít người xem bởi không đến kịp giờ cũng như vì các thủ tục an ninh rắc rối. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có sự cố đáng tiếc nào xảy ra và cơ quan An ninh Nga chắc chắn sẽ không nương tay trong thời gian tới khi Thế vận vẫn còn hơn một tuần nữa mới bế mạc.

Chính phủ Nga cũng khẳng định như thế sẽ tốt hơn và họ sẵn sàng đưa ra lời xin lỗi với bất kỳ người nào có liên quan.

Phát biểu trên AFP, bà Alexsandra Kosterina, Phó chủ tịch Ủy ban truyền thông của Olympic Sochi 2014 cho biết: Hiện tượng các khán đài vắng bóng vì những thủ tục an ninh quá khắt khe là chuyện đáng tiếc và đây cũng một phần là do thói quen, người Nga rất ít khi chuẩn bị đi xem một sự kiện nào đó đúng giờ. Bà Kosterina cũng cung cấp thông tin là tính đến ngày thi đấu thứ 8 (15/02), đã có hơn 40 nghìn khán giả bỏ phí chiếc vé xem Thế vận hội lần này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lâm Phúc (Tiền Phong)
Olympic mùa đông 2022 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN