Nadal: Sẵn sàng cho đỉnh cao cuối cùng
Hy vọng vô địch Roland Garros của Nadal đã được nhen lên từ chức vô địch Monte Carlo.
11 năm trước, Nadal đã vô địch Monte Carlo lần đầu tiên rồi sau đó một tháng, lần đầu tiên lên ngôi ở Roland Garros.
Nadal giải tỏa nỗi khao khát bằng chức vô địch Monte Carlo
Chiến thắng kép như thế đã từng xảy ra cả thảy sáu lần trong quá khứ; chỉ có ba lần hoặc Nadal chỉ vô địch một trong hai giải trong cùng một năm. Trong khi hai lần anh không vô địch Monte Carlo mà vẫn lên ngôi ở Roland Garros là năm 2013 và 2014, thì năm 2009 là lần duy nhất Nadal vô địch Monte Carlo nhưng lại thất bại ở Roland Garros, ngay từ vòng 4 trước Soderling.
Có hai yếu tố làm nên thành công kép ấy: Thứ nhất là phong độ, và thứ hai là Monte Carlo và Roland Garros có sự tương đồng trên những yếu tố kỹ thuật cơ bản của một giải đấu.
Mặt sân của Monte Carlo và Roland Garros đều cùng có một tiêu chuẩn kỹ thuật ở độ nảy, tốc độ bóng rồi cả không khí nóng ẩm.
Mặt sân đó chậm hơn so với Madrid Masters và phần nào đó là Rome Masters, thậm chí theo xếp loại các mặt sân của ITF (Liên đoàn quần vợt quốc tế), nó là mặt sân chậm nhất.
Nadal khi tấn công trên mặt sân đất nện khá hiệu qủa nhưng tốt nhất vẫn là phòng ngự; và điều kiện thời tiết với không khí dày như ở Monaco và Paris thì ai đó tấn công để dứt điểm luôn phải nỗ lực hơn mức bình thường.
Hai giải đấu này còn từng sử dụng một loại bóng thi đấu cho mãi tới năm 2011, nhưng mỗi giải sử dụng mỗi loại bóng khác nhau thì bất cứ ai là đại diện của Babolat (tài trợ chính của Roland Garros) cũng đều được cung cấp bóng để thử trong một tuần trước khi bóng lăn ở Paris.
Vì thế mà không chỉ với Nadal, mà chiến thắng kép còn xảy ra với nhiều tay vợt khác. Ngoại trừ sáu lần của Nadal, kể từ năm 1993 có chín lần người vô địch Monte Carlo sau đó cũng vào tới chung kết Roland Garros và sáu lần trong đó trở thành vô địch.
Nhưng những con số thống kê, những câu chuyện trong quá khứ đôi khi chỉ để tham khảo, hoặc củng cố về tinh thần. Nadal lúc này đã khác trước khá nhiều dù cho anh đang trở lại với một vài phẩm chất thượng hạng quen thuộc.
Và cả sự thay đổi của tennis thế giới nữa, nó đã cho thấy, vô địch Monte Carlo và Roland Garros trong cùng một năm kể từ 2013 đều là những người khác nhau: Djokovic vô địch Monte Carlo còn Nadal vô địch Roland Garros 2013, cặp của năm 2014 là Wawrinka và Nadal, còn cặp của năm 2015 là Djokovic và Wawrinka.
Những hạn chế cũ
Hãy trở lại với Nadal để thấy có những vấn đề mà tay vợt này bộc lộ ở một giải đấu nhìn vào kết quả chung cuộc thì thấy rất ấn tượng bởi 4/5 trận đấu là trước những đối thủ đáng kể: Thiem (7-5, 6-3), Wawrinka (6-1, 6-4), Murray (2-6, 6-4, 6-2) và Monfils (7-5, 5-7, 6-0).
Thiem đã thắng Nadal gần đây trên sân đất nện. Wawrinka là đương kim vô địch Roland Garros. Murray đã đánh bại Nadal ở chung kết Madrid Masters năm ngoái. Và Monfils đang chơi hay hơn bao giờ hết: Vesely thắng Djokovic và Tsonga thắng Federer nhưng cả hai gặp anh đều thua chóng vánh.
Nadal còn nhiều vấn đề cần cải thiện
Đó là sự thiếu ổn định, đặc biệt cú giao bóng hai của Nadal trong trận chung kết là một hạn chế lớn khi nó chỉ đạt hiệu suất ăn điểm chưa đầy 29%. Đây chính là một trong những điều khiến cho trận đấu trở nên giằng co và Nadal liên tục bị bẻ game cả trong set 1 và 2 trước khi Monfils sụp đổ trong set 3.
Chỉ trong ba trận đấu có tổng cộng 8 set với Thiem, Murray và Monfils, Nadal đã phải đối diện với cả thảy 41 điểm break points.
Một vấn đề khác là việc Nadal hiếm khi duy trì được lợi thế bẻ game mà anh đã tạo ra bởi thường bị bẻ lại game ngay sau đó.
Tưởng như chỉ khi đối đầu với Djokovic thì Nadal mới để điều đó xảy ra, nhưng trước Monfils cũng thế nên vấn đề tuổi tác và tâm lý của Nadal rõ ràng là những cản trở rất lớn.