Golf, US Open 2012: Mọi ánh mắt hướng về Tiger Woods
Tiger Woods đã trở lại dù chưa thật xuất sắc nhưng đủ để kéo người hâm mộ tới sân San Francisco's Olympic Club, nơi diễn ra giải major thứ 2 trong năm (từ 14-17/6/2012).
Có một thực tế rằng Tiger Woods vẫn là thỏi nam châm hút sự chú ý của công chúng trong bất kì thời điểm nào. Với những fan trung thành, giai đoạn Woods sa sút (từ cuối năm 2009 sau vụ scandal tình ái), họ mòn mỏi chờ đợi ngày thần tượng của mình tìm lại đẳng cấp. Phần còn lại cảm thấy hụt hẫng bởi đơn giản, tay golf người Mỹ đã là một tượng đài. Và rồi, sau những cơn mưa dài tầm tã, bầu trời cũng sáng. 2 năm tay trắng, phải tới tháng 11 năm 2011, Woods mới chấm dứt cơn khát danh hiệu bằng chức vô địch tại Chevron World Challenge. Đó được coi là bước đệm để anh đích thực trở lại.
2 danh hiệu PGA Tour trong năm 2012 (tại Arnold Palmer Invitational hồi tháng 3 và Memorial Tournament hồi đầu tháng này) có thể quá nhỏ bé so với bộ sưu tập đồ sộ của Woods nhưng nó đủ để đưa anh vào hàng ứng viên vô địch US Open . Đã 3 năm liên tiếp trôi qua, Woods đã không còn được nếm trải cảm giác chiến thắng. Trước thềm giải đấu năm nay, Woods đã tới sân Olympic Club từ rất sớm để tập luyện, bởi sân đấu này vẫn khá ngắn so với tiêu chuẩn hiện nay, đồng nghĩa với việc các chiến lược được áp dụng ở điểm phát bóng và cảm giác vị trí sẽ rất quan trọng.
Bộ mặt nào cho Woods?
“Tôi nghĩ rằng nếu mình là người chiến thắng, tôi vẫn sẽ không thể kìm nén được cảm xúc. Sân golf thực sự là một thử thách và mỗi cú swing luôn đòi hỏi độ trơn tru cao nhất. Các chướng ngại vật cũng vậy. Vấn đề chúng ta cần có những lựa chọn khác nhau sao cho hợp lý. Cá nhân tôi không quá lo lắng bởi kể từ khi tôi là một VĐV nghiệp dư cho đến chuyên nghiệp, phong cách đánh của tôi không thay đổi”, Tiger Woods chia sẻ.
Đặc biệt ở giải đấu lần này, Tiger Woods sẽ thi đấu dưới sự chỉ bảo của Billy Casper – người từng 2 lần vô địch US Open (1959 và 1966). “Cậu ấy có cách đánh bóng rất độc đáo. Mọi thứ hứa hẹn nhiều khó khăn nhưng Tiger đủ sức lần thứ 4 vô địch giải đấu này”, Casper chia với giới truyền thông ngày hôm qua. Trong khi đó, HLV cũ của Tiger Woods nói: “Sự tự tin và thoải mái của Tiger sẽ mang đến thách thức rất lớn cho những tay golf khác”.
Tiger Woods (số 4 thế giới) được kì vọng, thế nhưng nên nhớ, trước mặt anh còn rất nhiều hảo thủ. Luke Donald (số 1 thế giới) đang khao khát thể hiện vị thế sau 14 tuần không danh hiệu. Lee Westwood (số 3) vừa có màn chạy đà hoàn hảo với chức vô địch tại giải Nordea Masters. Nhà ĐKVĐ, Rory McIlroy cũng hoàn thành mục đích chấn chỉnh lại lối chơi và phong độ của mình tại Memphis. Cụ thể, tay golf người Bắc Ai-Len ghi tổng cộng 5 birdie ở các đường 2, 11, 15, 16 và 18, một cú eagle trên đường 3 par 5, và 2 cú bogey ở đường 12 và 13 để đạt 65 gậy, điểm số tốt nhất của một vòng đấu mà anh đạt được từ đầu năm đến giờ. Trong những ngày qua, một cái tên cũng được nhắc đến khá nhiều, đó là Dustin Johnson. Anh đã có sự trở lại ngoạn mục khi lọt vào top 10 bảng xếp hạng thế giới tuần thứ 23 bằng việc thi đấu khá ấn tượng tại Memphis.
Rory McIlroy và nhiệm vụ bảo vệ ngôi vương
Tuy nhiên US Open còn là nơi những tay golf mới nổi và bị đánh giá thấp thường gây được bất ngờ lớn. Năm 1955 là một trường hợp điển hình nhất khi tay golf vô danh Jack Fleck chơi tuyệt đỉnh thăng hoa để bằng điểm với Ben Hogan trong ngày cuối cùng và sau đó lên ngôi vô địch ngày sau cuộc đấu play-off 18 lỗ.
Giờ G sắp điểm, liệu mãnh hổ Tiger Woods có đi vào lịch sử trở thành tay golf thứ 5 có 4 lần vô địch US Open hay một kịch bản khác xảy ra?