Đi xem bóng chuyền ‘đầu - cánh - cổ’ ở Sài Gòn

Chơi bóng “đầu - cánh - cổ” là tiếng lóng, nghĩa là chơi bóng chuyền không phải bằng tay mà bằng đầu, chân, ngực… Có người còn chơi bằng cái bàn nhựa, tấm ván hay két đựng bia…

Cứ mỗi chiều về, đông đảo người dân lại kéo đến sân Cầu Tre (đường Lương Minh Nguyệt, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM) để xem các tay chơi bóng chuyền bằng “đầu - cánh - cổ”.

Sân bóng không đụng hàng

Đây là lối chơi tự phát, không có luật lệ. Người chơi sẽ không dùng tay chơi bóng mà dùng chân để phát bóng, sau đó khống chế, đưa bóng qua lưới bằng đầu, chân, ngực. Các vận động viên ở đây chơi thuần thục, đưa bóng qua lại trên lưới hấp dẫn không thua kém gì các vận động viên chơi bóng chuyên nghiệp.

Tùy theo mỗi trận, các cầu thủ sẽ “cáp kèo” một chọi một hoặc hai chọi hai… Sân Cầu Tre thường nổi tiếng với lối chơi hai đánh hai. Khi đó, mỗi đội sẽ có một người được quyền chơi bóng bằng tay, người còn lại chỉ được phép chơi bằng đầu, chân, ngực. Mỗi lượt đánh cũng có ba chạm nhưng người dứt điểm phải là vận động viên chơi bằng đầu, chân, ngực. Thường mỗi set chỉ đánh 15 điểm nhưng có khi kéo dài cả nửa tiếng đồng hồ vì thế trận giằng co. Các vận động viên liên tục đáp trả bóng qua lại trên lưới, không ai chịu lép vế.

Dù Cầu Tre chỉ là sân đất, sân bóng tự phát nhưng vẫn thu hút cả những vận động viên chuyên nghiệp ở TP.HCM và các tỉnh lân cận đến chơi. Có cả du học sinh Campuchia cũng đến sân Cầu Tre chơi bóng.

Một anh có biệt danh Chú Béo, chơi giải phong trào bóng chuyền gần 20 năm nay, kể: “Nói đến kiểu chơi “đầu - cánh - cổ” phải kể đến cao thủ Trần Đại Lâm, cựu cầu thủ của đội bóng đá Công an TP.HCM. Là cầu thủ chuyên nghiệp nên các động tác xử lý bằng đầu, ngực, chân của Trần Đại Lâm rất bén, rất khó đỡ. Một mình anh có thể chấp từ hai đến ba người chơi bóng bằng tay”.

Tuy nhiên, giờ đây Trần Đại Lâm đã lớn tuổi và anh hiếm khi đến sân Cầu Tre chơi bóng nữa. Thế hệ trẻ bây giờ chơi “đầu - cánh - cổ” ở sân Cầu Tre phải kể đến Khanh “super”, Tèo, Nguyễn Văn Sơn…

Vừa đánh xong một set bóng chuyền bằng “đầu - cánh - cổ”, anh Tèo hổn hển: “Chơi bóng bằng tay thường rồi, không vui bằng chơi “đầu - cánh - cổ”. Anh em ở đây mỗi người mỗi quê, chiều chiều tụ tập lại chơi cho vui, có hôm chơi đến khuya”.

Đi xem bóng chuyền ‘đầu - cánh - cổ’ ở Sài Gòn - 1

Màn chơi bóng “đầu - cánh - cổ”  ở sân Cầu Tre.  Ảnh: PHƯỚC TĨNH 

Đi xem bóng chuyền ‘đầu - cánh - cổ’ ở Sài Gòn - 2

Anh Nguyễn Văn Khanh chơi bóng bằng bàn nhựa khéo léo không thua gì chơi bằng tay. Ảnh: PHƯỚC TĨNH

Đánh bóng bằng cái bàn nhựa…

Không chỉ có đánh bóng bằng “đầu - cánh - cổ”, ở đây còn có kiểu đánh độc lạ bằng tấm ván, bằng cái bàn nhựa… Người đánh bằng tấm ván thì giao bóng và đỡ bóng một chạm (một ky) hoàn toàn bằng tấm ván, kích cỡ tấm ván khoảng 40 x 25 cm. Còn người chơi bằng bàn nhựa thì ôm theo cái bàn nhựa chạy khắp sân, đánh hay đỡ bóng cũng toàn dùng cái bàn nhựa. Mỗi lần bóng chạm bàn nhựa phát ra tiếng kêu tách tách rất vui tai.

“Vận động viên chơi bóng bằng bàn nhựa hay thì phải là người vừa có kỹ thuật vừa có sức khỏe. Chỉ cần không nhanh tay, bóng sẽ đập vào mặt bất cứ lúc nào” - anh Nguyễn Văn Sơn giải thích.

Hôm chúng tôi đến sân Cầu Tre thì bắt gặp trận đấu một chọi một giữa hai cao thủ Phạm Văn So và Nguyễn Văn Khanh, chơi bằng cái bàn nhựa. Hai bên hì hục, chống trả bóng hết sức gay cấn. Sau đó là trận đấu hai chọi hai, một bên hai người đánh bằng tấm ván, bên kia một người chơi bằng cái bàn và người còn lại chơi bằng tay. Hai bên thi đấu căng thẳng, kịch tính, liên tục giành điểm qua lại. Cả hai đội đều toát hết mồ hôi nhưng vẫn lên lưới, thực hiện những pha “bỏ nhỏ” đẹp mắt trong tiếng vỗ tay giòn giã của những thanh niên, công nhân quanh đó đến xem.

Bên trong sân, các vận động viên hăng say bao nhiêu thì ngoài sân các cổ động viên hò hét, cổ vũ rôm rả bấy nhiêu.

Người chơi bằng cái bàn nhựa là anh Nguyễn Văn Khanh, nhân viên văn phòng, ngày nào cũng chạy xe máy từ quận 1 lên quận Tân Phú để chơi bóng. Anh Khanh kể: “Tụi mình chơi bóng bằng bàn chỉ chừng nửa năm nay. Mới đầu khó đánh cho chuẩn nhưng sau này thì quen dần. Cũng tập luyện dữ lắm mới thành thục như vậy”.

Để đánh bóng bằng bàn nhựa thì vận động viên phải nhanh nhẹn thay đổi tư thế cầm bàn, lật bàn cho chuẩn. Để chơi bóng bằng bàn nhựa, phát bóng, đỡ bóng đều bằng chiếc bàn nhựa đánh một ky qua lưới không phải là chuyện đơn giản.

Sài Gòn có nhiều người chơi thể thao nhưng chọn môn thể thao vui - độc - lạ như thế này quả là hiếm thấy.

Cách đây 13 năm, sân Cầu Tre chỉ là đám lau sậy. Theo anh Nguyễn Thiệp thì ban đầu anh em chơi bóng chuyền ở sân Cầu Tre số 1, đến năm 2003 sau khi Xí nghiệp nước đá Thắng Lợi dời đi nơi khác, người dân ở đây đã mua đất cát về san lấp mặt bằng để cải tạo thành sân bóng, phục vụ nhu cầu vui chơi của thanh niên, công nhân trong khu vực.

Sau này những người ham mê bóng chuyền đến ngày một đông hơn khiến cái sân diện tích chưa đầy 200 m² này trở nên quá tải. Sau đó năm 2006, anh Trần Long Trạng (bảo vệ Xí nghiệp Cầu Tre) mượn được miếng đất trống vốn là nghĩa trang và tiến hành cải tạo để hình thành thêm sân Cầu Tre 2.

________________________________

Ở đây anh em chơi từ 14 giờ chiều đến tối mịt, nhờ có đèn điện nên hôm nào vui quá thì anh em chơi luôn tới 22, 23 giờ đêm mới nghỉ. Còn thứ Bảy, Chủ nhật anh em chơi từ sáng sớm đến tối khuya. Tiếng cổ vũ của cổ động viên ngồi khắp sân khiến người chơi như quên giờ giấc.

Anh NGUYỄN THIỆP, chủ sân bóng Cầu Tre, quận Tân Phú, TP.HCM

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phước Tĩnh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN