Chọi trâu mang đậm ý nghĩa tâm linh

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Phạm Đông Anh nhấn mạnh: Lễ hội chọi trâu là một “đặc sản” văn hóa không bao giờ mất đi, gắn liền với nền văn minh lúa nước Việt Nam…

Qua theo dõi của ông, lễ hội chọi trâu phát triển mạnh nhất ở những địa phương nào trên cả nước?

- Hiện nay hoạt động chọi trâu vẫn luôn được duy trì và phát triển rộng khắp ở các vùng đồng bằng và một số địa phương vùng trung du miền núi. Có nhiều lễ hội lớn, nhỏ được tổ chức trên cả nước, nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng), được nhiều người biết tới câu ca dao: “Dù ai buôn đâu bán đâu/Mồng chín tháng Tám chọi trâu thì về/Dù ai buôn bán trăm nghề/Mồng chín tháng Tám thì về chọi trâu”. Nói thế để thấy rằng lễ hội chọi trâu có ý nghĩa vô cùng đặc biệt trong đời sống của người dân Hải Phòng. Ngoài ra còn phải kể đến lễ hội chọi trâu ở Lập Thạch (Vĩnh Phúc), hội chọi trâu Hàm Yên (Tuyên Quang), Phù Ninh (Phú Thọ)… 

Chọi trâu mang đậm ý nghĩa tâm linh - 1

Ông Phạm Đông Anh

Những nét văn hóa đặc biệt của lễ hội chọi trâu là gì, thưa ông?

- Từ khi chúng tôi còn rất nhỏ đã nghe thấy ông, bà mình nhắc tới lễ hội chọi trâu như một nét văn hóa, mang đậm ý nghĩa tâm linh của người Việt. Trâu tham gia chọi được nâng lên tầm “ông trâu” hay “đấu sĩ trâu”. Những trâu thắng cuộc, vô địch được tổ chức rước rất linh đình. Một họ tộc hay một làng sở hữu “ông trâu” vô địch cảm thấy rất vinh dự, hãnh diện và có thêm niềm tin về một năm đầy sức khỏe, may mắn, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu…

Không phải ngẫu nhiên mà các lễ hội chọi trâu thường thu hút rất đông người xem. Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn luôn chật kín người xem dù phải mua vé vào. Ngay cả các khách mời cũng phải đến sớm mới có chỗ để tận hưởng những miếng đánh đẹp, táo bạo, dũng mãnh của các “ông trâu”. Theo chia sẻ của những người dân địa phương có truyền thống chọi trâu thì họ không cảm thấy an tâm nếu vì lý do nào đó không thể dự lễ hội chọi trâu.

Chọi trâu mang đậm ý nghĩa tâm linh - 2

Chọi trâu có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống của người dân.

Như vậy, phát triển, duy trì lễ hội chọi trâu cũng là cách để một địa phương giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc với du khách?

- Ngoài ý nghĩa tâm linh, chọi trâu qua năm tháng càng được các địa phương có truyền thống phát triển với những lễ hội ngày càng lớn. Lễ hội chọi trâu góp phần thu hút khách du lịch trong nước và nước ngoài, qua đó giới thiệu thêm về di tích văn hóa, ẩm thực… tới du khách. Điều này góp phần khá quan trọng vào việc phát triển kinh tế chung của địa phương.

Đầu năm mới, tôi được biết Báo Nông Thôn Ngày Nay lần đầu tiên phối hợp với UBND huyện Phúc Thọ (Hà Nội) tổ chức Hội chọi trâu Xuân 2014. Theo tôi, đây là hoạt động rất ý nghĩa, vừa góp phần duy trì, phát triển lễ hội độc đáo của dân tộc cũng như địa phương, vừa góp phần mang lại món ăn tinh thần đặc biệt cho bà con nhân dân nơi đây.

Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuệ Minh (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN