Trận đấu nổi bật

hugo-vs-facundo-diaz
Generali Open
Hugo Gaston
1
Facundo Diaz Acosta
0
andrey-vs-francisco
Plava Laguna Croatia Open Umag
Andrey Rublev
0
Francisco Cerundolo
2
jakub-vs-lorenzo
Plava Laguna Croatia Open Umag
Jakub Mensik
0
Lorenzo Musetti
2
jordan-vs-alejandro
Atlanta Open
Jordan Thompson
2
Alejandro Davidovich Fokina
1
arthur-vs-mattia
Atlanta Open
Arthur Rinderknech
-
Mattia Bellucci
-

Chờ Djokovic lập kỷ lục

Sự kiện: Australian Open 2024

Djokovic liệu có thể đi vào lịch sử với tư cách tay vợt đầu tiên kể từ kỷ nguyên mở vô địch Australian Open ba năm liên tiếp?

Một giải đấu khốc liệt

Người đầu tiên và cũng là người cuối cùng giành được ít nhất ba Australian Open liên tiếp là Roy Emerson (người Úc). Nhưng đó là thưở Grand Slam chưa phải là sân chơi chính quy của các tay vợt chuyên nghiệp. Kỷ lục 5 lần đăng quang liên tiếp của ông  được thiết lập từ 1963 – 1967 khi giải đấu còn gọi là Australian Championships, trong khi kỷ nguyên mở bắt đầu từ năm 1969 và Grand Slam đầu tiên trong năm này được đổi tên thành Australian Open.

Chẳng có ai trong suốt hơn bốn thập kỷ qua lên ngôi vô địch nhiều hơn hai lần liên tiếp ở đây dù cho Andrea Agassi và Federer mỗi người đã có bốn lần chiến thắng, hay Matt Wilander (của thập kỷ 80s) và chính bản thân Djokovic cũng đã có ba lần đăng quang.

Chờ Djokovic lập kỷ lục - 1

Federer và Agassi cũng chưa bao giờ vô địch Australian Open 3 lần liền

Tầm cỡ như Pete Sampras rồi Ivan Lendl, Jim Courier… cũng chỉ đoạt được hai Australian Open nhưng không phải ai trong số họ cũng thiết lập được thành tích theo công thức “đoạt được rồi bảo vệ thành công”.

Sự khốc liệt của Australian Open đến từ nhiều yếu tố. Mặt sân cỏ chuyển thành sân cứng Rebounce Ace kể từ 1988 ở Australian Open từng là thách thức, dễ gây chấn thương, rồi tới năm 2008 mới được thay bằng mặt sân Plexicushion an toàn hơn (dù vẫn là sân cứng).

Australian Open còn bị chi phối bởi thời tiết của mùa Hè phía Nam bán cầu trong khi ở châu Âu hay Bắc Mỹ lại đang là mùa Đông lạnh buốt. Djokovic tại giải năm 2009 từng phải bỏ cuộc khi anh đang trên con đường bảo vệ danh hiệu.

Và giải đấu còn bị tác động ghê gớm bởi tính thời điểm. Australian Open khai mạc khi mùa giải mới chỉ bắt đầu khai cuộc được chưa đầy ba tuần với không quá năm giải ATP 250 được tổ chức để làm nóng, trong khi quãng thời gian trống kể từ cuối mùa giải năm trước kéo dài chưa đầy hai tháng (trước chỉ là hơn một tháng).

Quãng thời gian ấy khiến cho một tay vợt vừa bị vắt kiệt sức cuối mùa khó thực hiện hoàn chỉnh một chu trình cần thiết bắt đầu từ việc nghỉ ngơi, hồi phục, chuẩn bị thể lực, lấy lại cảm giác thi đấu và tạo điểm rơi cho Australian Open.

Những người nằm trong top đầu thế giới và luôn có mặt ở WTFs trong mấy năm qua, từ Federer tới Nadal, từ Murray tới Djokovic đã "chiến đấu" miệt mài để có thêm vài tuần nghỉ cũng vì lý do đó.

Chờ Djokovic lập kỷ lục - 2

Dường như Djokovic vẫn chưa có được phong độ cao nhất

Vô địch World Tour Finals khó mơ Australian Open

Không ngạc nhiên khi trong hơn hai thập kỷ qua, tính từ năm 1989 tới nay, chỉ có bốn lần ghi nhận người đã dốc sức vô địch ở giải tám cây vợt xuất sắc cuối năm trước lại vô địch ở Australian Open. Cũng chẳng ngạc nhiên khi họ là những tay vợt xuất sắc ở thời đại của họ và đều tầm cỡ huyền thoại như Boris Becker (94-95), Pete Sampras (96-97) và Federer hai lần (03-04 và 06-07).

Rafael Nadal, một trong những tay vợt có thành tích xuất sắc ở Australian Open trong những năm gần đây thường phải buộc lòng xếp WTFs vào số những mục tiêu thứ yếu chứ không hẳn anh bị vô hiệu trên mặt sân cứng trong nhà.

Federer khi bắt đầu qua thời đỉnh cao của mình cũng bị lôi vào tầm chi phối của quy luật ấy. Năm 2010, anh vô địch Australian Open, thì ở WTFs 2009 anh trắng tay. Hai người vào tới chung kết giải tám cây vợt xuất sắc nhất năm đó là Davydenko và Del Potro thì người đầu tiên dừng bước ở tứ kết và người sau bị loại ngay từ vòng bốn.

Federer gắng sức để vô địch WTFs 2010 thì anh thua Djokovic ở bán kết Australian Open 2011 với một tỉ số ít khi xảy ra với anh ở cấp độ Grand Slam, là không thắng nổi set nào. Điều gần như tương tự xảy ra ở năm 2011, Federer xuất sắc vô địch WTFs rồi dừng bước ở bán kết Australian Open 2012 trước Nadal.

Đến lượt ba lần Djokovic lên ngôi ở Australian Open cũng thế. Những năm trước đó, 2007, 2010 và 2011, anh đều là người thất bại ở WTFs.

Phải ở đỉnh cao phong độ mới nói chuyện vô địch

Djokovic đến với Australian Open 2013 khi anh vừa đoạt WTFs cách nay hai tháng. Lịch sử chống lại anh như đã nói ở trên.

Nhưng lịch sử không phải là con đường thẳng, cũng như những cuốn sách không chỉ có một chương hồi. Djokovic có thể viết lại lịch sử của Australian Open.

Nếu nhìn vào những lần Djokovic vô địch Australian Open, sự thực là những năm ấy anh đều đạt được phong độ đỉnh cao. Năm 2008 anh còn vô địch Masters Cup (tên cũ của WTFs), hay năm 2011 anh đoạt thêm hai Grand Slam khác, trong khi năm 2012 anh vô địch WTFs và dễ dàng lấy lại ngôi số 1 thế giới từ tay Federer chỉ sau vài tháng bị đẩy xuống thứ hai.

Nhưng Djokovic không phải là Federer, hiện vẫn là tay vợt duy nhất qua mọi thời đại được gọi là thiên tài, để suy xét cuộc chơi trên góc độ chủ quan của riêng anh và không cần đếm xỉa tới những người còn lại.

Chờ Djokovic lập kỷ lục - 3

Nole đã bắt đầu làm quen sân tại Australian Open 2013

Chỉ có Nadal là vắng mặt. Federer không thể làm nóng trong ba tuần trước giải, để tập trung cho tập luyện, do phải thực hiện nghĩa vụ thương mại với nhà tài trợ trước đó. Còn Murray cho thấy anh không ngủ quên trên chiến thắng của US Open và Olympic. Cũng không thể loại trừ khả năng ngáng đường của Del Potro hay một nhân tố lạ.

Và việc Djokovic sẽ có phong độ tốt trong năm 2013, cụ thể là trong hai tuần cuối cùng của tháng Giêng này hay không lại là một ẩn số.

Djokovic lần này không bị chi phối bởi các hợp đồng quảng cáo nhiều như năm 2011. Đó là một thuận lợi.

Nhưng anh lại không được dạo chơi dù cho anh chỉ tham dự hai giải đấu mang tính giao hữu. Hai tuần qua anh đánh sáu trận đơn và thêm một số trận đôi ở Mudabala và Hopman Cup. Hầu hết tất cả những người đối đầu với anh đều có tâm lý đã chơi với số 1 thế giới phải tận lực. Verdasco, Tomic, Almagro... đều buộc Djokovic phải chạy, phải ra đòn thực sự mới có thể thắng (và anh cũng đã thua một trận trước Tomic). Almagro đã lôi Djokovic tới set thứ ba của trận chung kết Mabadala.

Có thể mật độ và cường độ đó chưa làm Djokovic bị suy yếu, nhưng anh đã không có được sự tích lũy thể lực lý tưởng.

Trông đợi tích cực nhất bây giờ với Djokovic là các phương pháp trị liệu và hồi phục tiên tiến giống như những phép màu đã giúp anh khỏe hơn bất cứ ai trong làng banh nỉ hai năm qua, liệu có thể giúp anh đạt tới trạng thái phong độ mong muốn trong một tuần trước thềm Australian Open.

Djokovic khẳng định anh đang ở trạng thái đúng với đẳng cấp và cả sự mong muốn. Nhưng tay vợt này cũng thú nhận là việc phải chơi trong trạng điều chỉnh giờ sinh học khi di chuyển tới Dubai (UAE) rồi Perth (Australia) đã ảnh hưởng tới thể lực và cảm giác bóng. Phải tới những trận đấu cuối cùng của Hopman Cup anh mới chơi tốt. Và vẫn còn một vài điểm anh cần khắc phục (để đạt tới trạng thái hoàn hảo).

Hơn một năm trước, Djokovic đã bỏ lỡ cơ hội để công phá những kỷ lục thực sự. Anh đều dang dở trước những nhiệm vụ vĩ đại như giành bốn Grand Slam trong một năm (2011) hay bốn Grand Slam liên tiếp (2011-2012). 43 trận thắng là ấn tượng nhưng dễ quên. 10 danh hiệu, gồm ba Grand Slam là kỳ diệu, nhưng đã có người làm được, thậm chí hơn thế và không chỉ một lần.

Lần này là một cơ hội khác dù có thể nó chưa sánh được với kỷ lục không tưởng của Federer với 17 Grand Slam hay Nadal là bảy kỳ quan Roland Garros hay thách thức trở thành Rod Laver thứ hai (giành bốn Grand Slam liên tiếp).

Một chương riêng trong lịch sử Australian Open và tennis thế giới chỉ có thể bắt đầu bằng việc vô địch Grand Slam đầu tiên trong năm nay thôi đấy Djokovic! 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Tấn
Australian Open 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN