“Chả nhẽ chúng ta lại không đăng cai nữa”?

Phó chủ tịch Ủy ban Olympic VN Hoàng Vĩnh Giang, người đóng vai trò quan trọng trong quá trình đưa Asiad 2019 về Việt Nam đã phản ứng trước thông tin chi phí tổ chức Á vận hội “đội” lên hơn gấp đôi con số dự toán ban đầu là 150 triệu USD.

Điều dư luận băn khoăn là chi phí tổ chức Asiad 2019 có thể lên tới 300 triệu USD, thậm chí cao hơn?

Tôi không hiểu người ta lấy ở đâu ra con số trên, nhưng nó không chính xác. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn như tôi nói ở trên, Việt Nam hiện đã được chọn làm nước chủ nhà đăng cai Asiad 2019. Lúc này chuyện nên bàn là chúng ta tổ chức như thế nào cho tốt. Không nhẽ chúng ta bỏ không đăng cai nữa?

Việc đăng cai Asiad là cơ hội để Việt Nam nâng cao hình ảnh, vị thế trong khu vực và trên quốc tế, là tiền đề để chúng ta đẩy mạnh phát triển thể dục thể thao, nâng cao tầm vóc người Việt.

Liệu có khả thi không khi SEA Games 23 theo thống kê của Bộ Tài chính, chúng ta tiêu tới hơn 3.200 tỷ đồng, trong khi Asiad quy mô lớn hơn lại chỉ 150 triệu USD?

So sánh như vậy là chưa cân nhắc đầy đủ vấn đề. SEA Games 23 chúng ta phải xây mới toàn bộ các công trình phục vụ cho đại hội, chi phí vì vậy lớn. Nhưng hiện nay các công trình thể thao của Việt Nam đáp ứng được khoảng 80% cho việc tổ chức Asiad rồi, tôi không muốn nói là có thể tới 90%. Chúng ta chỉ phải tốn chi phí duy tu, bảo dưỡng và nâng cấp lên thôi.

“Chả nhẽ chúng ta lại không đăng cai nữa”? - 1

Nhà thi đấu Hoàng Mai - một công trình được đầu tư từ SEA Games 23 vẫn có thể phục vụ cho Asiad. Ảnh: N.P

Nhưng chi phí nâng cấp, sửa chữa các công trình theo Bộ Tài chính đã lên tới 2.600 tỷ đồng rồi thưa ông? Đầu tư xây mới cũng cần 3.000 tỷ đồng.

Thế không đăng cai Asiad thì chúng ta không phải bỏ tiền duy tu, bảo dưỡng và nâng cấp? Tôi cho rằng để các công trình xuống cấp thì còn tốn kém và lãng phí hơn nhiều lần so với con số trên. Hay như việc cần thêm hơn 800 tỷ để đào tạo VĐV, chẳng nhẽ không có Asiad thì chúng ta thôi?

Việc xây dựng làng VĐV, sân đua xe đạp lòng chảo bị đánh giá là quá tốn kém và không cần thiết. Ông nghĩ sao về ý kiến chúng ta cần tập trung cho các công trình thực sự cần thiết khi tổ chức Asiad để tiết kiệm tiền?

Làng VĐV về quy định thì phải xây. Nhưng nếu cần thiết chúng ta có thể đề nghị Ủy ban Olympic Châu Á cho sử dụng khách sạn. Hệ thống khách sạn của Việt Nam hiện nay thừa sức đáp ứng được nhu cầu. 

Còn sân đua xe đạp lòng chảo, phía Hàn Quốc có nhã ý góp vốn thực hiện, nếu ta không đồng ý thì người ta thôi. Nhưng theo tôi việc xây dựng sân đua xe đạp lòng chảo không tốn đến thế. Thay vì xây sân quy mô 1 vạn chỗ ngồi, chúng ta có thể xây sân quy mô 2.000 chỗ ngồi. 

Nếu tôi nhớ không nhầm thì Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc về lượng người sử dụng xe đạp. Đây cũng là môn thể thao được yêu thích, phù hợp với thể trạng người Việt Nam. Xây sân đua xe đạp lòng chảo có thể thúc đẩy VĐV tăng tốc độ, cạnh tranh được với quốc tế. Xây sân đâu phải chỉ để sử dụng cho một kỳ Asiad mà sợ bỏ phí?

Chúng ta có thể đảm bảo ngân sách cho tổ chức Asiad 2019 không vượt quá con số 150 triệu USD như đề án đăng cai ban đầu không, thưa ông?

Một đồng tiền của dân cũng là quý, nhưng tôi cho rằng 150 triệu USD không lớn so với những lợi ích chúng ta thu được. Nó cũng không lớn so với những khoản lãng phí khác. Tại phiên giải trình vừa qua của Chính phủ, Ủy ban Văn hoá-Giáo dục-Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cũng chỉ kết luận là chúng ta cần làm như thế nào cho tiết kiệm, hợp lý. Theo tôi bây giờ cần bàn theo hướng này mới hợp lẽ.

Cảm ơn ông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyên Phong (tienphong.vn)
Việt Nam và chuyện đăng cai ASIAD 18 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN