Nỗi lo hậu ASIAD

Cuối năm 2012, khi nhiều quốc gia xin rút lui không đăng cai ASIAD thì Ủy ban Olympic Việt Nam tự hào với thành tích giành quyền đăng cai ASIAD 18 - 2019.

Để “thắng thầu” trong cuộc đăng cai ASIAD đấy, Bộ VH-TT&DL đã trình Chính phủ một kế hoạch thực hiện ASIAD siêu rẻ. Thực tế thì gần hai năm sau, khi kế hoạch và chiến lược được triển khai thì cái phần “siêu” đấy lại đang là nỗi lo và gánh nặng. Chính vì thế mà trong phiên giải trình của Chính phủ vào hôm qua (18-3), phần ASIAD 2019 đã được chất vấn rất nhiều với nỗi lo kinh phí sẽ còn tăng nhiều hơn nữa cho một ASIAD đầu tiên tại Việt Nam vào thời điểm kinh tế khó khăn.

Nỗi lo hậu ASIAD - 1

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn lo ngại về tính khả thi ASIAD “siêu rẻ” của Bộ VH-TT&DL. Ảnh: QUANG THẮNG

Từ kết luận của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - Đào Trọng Thi lên tiếng việc đầu tư cho ASIAD 18-2019 phải có trọng tâm, trọng điểm, phải tập trung cải tạo, nâng cấp những công trình hiện có và chỉ xây dựng những công trình thật sự cần thiết, lại thấy “thương” cho những công trình xây dựng trong ngành thể thao.

Một bộ trưởng Thể thao đã về hưu từng tâm sự chuyện hồi Việt Nam chuẩn bị SEA Games 22 lần đầu diễn ra trên đất nước mình đã có hai luồng tranh luận quanh việc chọn nhà thầu xây sân Mỹ Đình. Lúc đấy ông là người mạnh mẽ chống việc chọn nhà thầu Trung Quốc bởi việc “chọn” đấy không ấn tượng và không thuyết phục về mặt chuyên môn so với chọn nhà thầu châu Âu từng xây sân Stade de France của Pháp. Nhà thầu mà chính người Trung Quốc cũng chọn để xây sân “Tổ chim” được xem là niềm tự hào của Olympic Bắc Kinh 2008 hoành tráng. Thế nhưng…

Vì thế nên rất nhiều người e ngại việc sẽ xây một công trình đua xe lòng chảo khoảng 10.000 tỉ đồng nhưng sau ASIAD sẽ làm gì hay lại chỉ là “một phát” cho ASIAD, giống kiểu ta từng xây khu thi đấu điền kinh trong nhà rất tốn kém cho Đại hội thể thao trong nhà châu Á (AI Games) rồi sau đó phá đi làm sân tennis, bãi xe… vì hậu AI Games chẳng biết để làm gì.

Nỗi lo đấy gồng gánh với nỗi đau các công trình xây dựng của nhiều địa phương như xây khu liên hợp, xây nhà thi đấu để tổ chức Hội khỏe Phù Đổng hay Đại hội TDTT toàn quốc rồi sau đó lại bỏ không để phong rêu, ngập nước và xuống cấp, không ai lui tới tập luyện? Nó hoàn toàn khác hẳn với Thái Lan khi đăng cai ASIAD 13-1998 đã xây mới cả khu Thamasat và Khu liên hiệp Hur Mak trong đó có sân Rajamangala và sau ASIAD thì tất cả công trình đấy đều có đầu ra cho người luyện tập thể thao và trở thành những công trình hữu ích của chính phủ Thái Lan.

Rất mong từ “siêu” của những công trình cho một ASIAD khoác áo “siêu rẻ” đầu tiên tại Việt Nam sẽ không là gánh nặng sau đại hội thể thao châu Á và những bài học như Mỹ Đình sau SEA Games 22-2003 sẽ được cân nhắc và tính toán kỹ.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương: “Làm cả một đường đua lòng chảo khoảng 10.000 tỉ đồng mà chỉ để đua không thôi thì không cần thiết…”.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn: “Bộ VH-TT&DL nói rằng đầu tư xây dựng làng VĐV cho ASIAD rồi sau đó bán. Chúng tôi cho rằng tình hình thị trường bất động sản hiện nay như vậy thì với một dự án 2.000 tỉ đồng thì tính rủi ro rất cao…”.

Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng: “Từ nay đến năm 2019 thì số tiền sẽ trượt giá là bao nhiêu? 150 triệu USD có đủ không? Hơn nữa, theo đề án của Bộ thì nguồn kinh phí từ xã hội hóa lên đến 72% khiến tôi rất băn khoăn về tính khả thi”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Nguyên (Plo.vn)
Việt Nam và chuyện đăng cai ASIAD 18 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN