Tín dụng đen nở rộ, lãi suất cắt cổ 1.700%/năm

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Người vay tiền có khi không để ý hoặc bỏ qua các thông tin quy định ràng buộc về lãi suất, phí, tiền phạt dẫn đến mức lãi suất phải trả cao chót vót.

Ngày 2-12, Hiệp hội Ngân hàng (NH) Việt Nam phối hợp với NH Nhà nước và các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo “Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn”. Tại đây, nhiều đại biểu nhận định trong bối cảnh dịch COVID-19, hoạt động tín dụng đen nở rộ và diễn biến phức tạp.

Vay 16 tỉ đồng, phải trả nợ 31 tỉ

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội NH Việt Nam, nhận định: Thời gian qua, các đơn vị liên quan đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân tiếp cận vốn vay nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng về sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Tính đến ngày 19-11 vừa qua, dư nợ toàn nền kinh tế đạt trên 10 triệu tỉ đồng, tăng 9,75%.

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến doanh nghiệp và người dân, nhất là người thu nhập thấp, lao động theo thời vụ, thậm chí nhiều người không có điều kiện để trang trải nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Điều này dẫn đến tình trạng tội phạm tín dụng đen có chiều hướng diễn biến phức tạp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NH Nhà nước, thừa nhận rằng mặc dù hệ thống NH cơ bản đáp ứng được nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống của người dân, qua đó góp phần giúp người dân hạn chế tìm đến các nguồn tín dụng đen. Thế nhưng hoạt động của các tổ chức tín dụng vẫn còn gặp khó khăn, vì vậy có hiện tượng tội phạm tín dụng đen len lỏi khắp nơi.

“Điều này một phần xuất phát từ việc người dân khi có nhu cầu vay vốn cấp bách thì khó chứng minh được mục đích sử dụng vốn và khó có khả năng trả nợ. Quá trình thẩm định tín dụng của các NH cũng gặp khó khăn do nguồn thông tin mà khách hàng cung cấp không đầy đủ độ chính xác, thiếu minh bạch; việc thu thập các thông tin về thuế hay thu nhập của khách hàng cũng gặp nhiều trở ngại” - bà phân tích.

Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), đánh giá rằng trong bối cảnh dịch COVID-19, các đối tượng hoạt động tín dụng đen cũng thay đổi phương thức hoạt động thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Đơn cử như để đối phó với cơ quan chức năng, các đối tượng này lập các doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook)…

Các đối tượng hoạt động tín dụng đen còn dùng thủ đoạn quảng cáo không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản NH… Nhưng họ lại thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật thực chất là để lách số tiền lãi vượt ngưỡng theo quy định của pháp luật.

“Mới tuần vừa rồi, chúng tôi đã triệt phá một nhóm đối tượng người gốc Hải Phòng, đang hoạt động cho vay lãi nặng tại TP.HCM với lãi suất cho vay lên đến 1.700%/năm. Trong vụ việc này, có một bị hại đã vay của nhóm đối tượng trên số tiền 16,2 tỉ đồng nhưng phải trả trên 20 tỉ đồng và đến nay vẫn còn nợ trên 11 tỉ đồng nữa” - ông Hà dẫn chứng.

Nhiều khi số tiền vay nhỏ, thời gian vay ngắn nhưng lãi suất tín dụng đen gấp nhiều lần định mức pháp luật cho phép. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nhiều khi số tiền vay nhỏ, thời gian vay ngắn nhưng lãi suất tín dụng đen gấp nhiều lần định mức pháp luật cho phép. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cần giải pháp đồng bộ

Để giảm bớt vấn nạn tín dụng đen, TS Cấn Văn Lực đề xuất các cơ quan chức năng cần có giải pháp căn cơ, bền vững. Đơn cử như tăng khả năng tiếp cận tín dụng, vốn chính thức cho người dân và doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tạo điều kiện pháp lý thuận lợi để phát triển kinh tế số, tài chính số; triển khai đồng bộ các biện pháp mạnh đối với hành vi tín dụng đen.

“Ý thức của người dân, cộng đồng trong phòng chống tín dụng đen cũng rất quan trọng. Người dân, doanh nghiệp cần tránh xa những quảng cáo, kêu gọi hỗ trợ vay vốn không cần chứng minh thu nhập… tại các tờ quảng cáo, tờ rơi, tin nhắn” - ông Lực khuyến nghị.

Phó Thống đốc NH Nhà nước Đào Minh Tú nhận định: Trước mắt, để ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen cần phải làm cho người dân hiểu được tác hại, hậu quả ghê gớm của tín dụng đen. Bên cạnh đó, tiếp tục trấn áp, cảnh báo răn đe và xử lý những cá nhân, tổ chức bảo kê cho hoạt động tín dụng đen.

Phó thống đốc đặc biệt nhấn mạnh: Đối với ngành NH, khi người dân có nhu cầu chính đáng như đám cưới, đám ma, người thân ốm đau, bệnh nặng… thì cần phải xem đây vừa là trách nhiệm vừa là quyền lợi của chính mình. Mặt khác, NH Nhà nước cũng có chủ trương tạo điều kiện hỗ trợ và mở rộng tín dụng tiêu dùng trong thời gian tới chứ không phải thắt chặt. Chẳng hạn như xem xét nới hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các NH thương mại cho vay tiêu dùng tích cực và hiệu quả.

“Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, hành lang pháp lý để cho vay tiêu dùng nhằm giải quyết hài hòa mục tiêu: Tạo điều kiện cho người dân yếu thế thực sự được thụ hưởng chính sách và quản lý, giám sát chặt chẽ để hoạt động tín dụng tiêu dùng phát triển lành mạnh. Bởi trên thực tế, thời gian vừa qua, tín dụng tiêu dùng chính thống cũng có chuyện đau lòng như có công ty tài chính tiêu dùng cho vay với lãi suất cao, khi đòi nợ thì có lúc thuê cả giang hồ” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói. 

Dùng hình ảnh nhạy cảm bắt người vay trả tiền

Thông tin tại hội thảo cho hay một trong những hình thức phổ biến của tín dụng đen là cho vay “bốc bát họ”. Chẳng hạn, trong vụ bắt giữ các đối tượng hoạt động tín dụng đen gần đây ở quận Long Biên, Hà Nội, cơ quan điều tra làm rõ một cá nhân đã nhiều lần vay tiền của nhóm đối tượng tín dụng đen bằng hình thức “bốc bát họ” với tổng số tiền 500 triệu đồng.

Khi nhận tiền, người này đã bị nhóm đối tượng cắt lãi luôn 57 triệu đồng và chỉ nhận được 443 triệu đồng. Cơ quan điều tra xác định nhóm này cho người dân vay với lãi suất từ 180% trở lên trong một năm.

Cá biệt có nhóm hoạt động tín dụng đen yêu cầu đối với người vay không có tài sản, giấy tờ tùy thân thì phải thế chấp bằng các video, hình ảnh nhạy cảm. Nếu những người này không trả hoặc trả tiền chậm, các đối tượng sẽ dùng mọi cách đe dọa, đăng hình ảnh nhạy cảm của người vay tiền lên mạng xã hội hoặc in tờ rơi rải ở khu vực đông dân cư.

Nguồn: [Link nguồn]

Hậu chia tay, một bức thư Bill Gates gửi cho vợ cũ khiến cả thế giới lo lắng về 50 tỷ đô

Động thái mới nhất liên quan đến quỹ từ thiện 50 tỷ USD của vợ chồng Bill Gates khiến cả thế giới lo lắng khi 2 người...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo THÙY LINH ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN