Đề nghị "tấn công" nhanh, mạnh vào tín dụng đen

Sự kiện: Kinh Doanh

Nợ xấu của hệ thống ngân hàng là từ các đại gia, chứ không phải do mấy khoản nợ “bèo” của những người nghèo, công nhân, nông dân mà ra.

"Làm chính sách cần có trái tim biết rung động vì người nghèo" - Đó là khẳng định của ông Trương Văn Phước, thành viên của Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng đưa ra tại toạ đàm khoa học với chủ đề “Thực trạng và tác động của tín dụng đối với công nhân tại các tỉnh phía Nam” do Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (TTNCVN & ĐNA), ngân hàng LienVietPostBank và Đại học Khoa học XH&NV phối hợp tổ chức vào chiều 1-11.

Khốn khổ vì thấp cổ bé họng

Theo ThS Phạm Thanh Thôi, Phó giám đốc TTNCVN & ĐNÁ, thu thập phiếu khảo sát của khoảng gần 200 công nhân tại 7 tỉnh phía Nam gồm: TP.HCM, Hậu Giang, An Giang, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Dương, Đồng Nai cho thấy nhu cầu về tín dụng của họ là rất cao. Cụ thể có đến 98,7% công nhân được hỏi cho rằng các yếu tố về kinh tế, văn hoá, xã hội trong đời sống của công nhân đang có xu hướng gia tăng mức phụ thuộc vào các hợp đồng vay nợ. Do thu nhập từ 5 -10 triệu/tháng chiếm tới 95% số người tham gia điều tra khảo sát. Trong khi số lượng người có tài sản thế chấp là nhà/đất chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Mỗi khi gia đình có nhu cầu gấp về tiền mặt để giải quyết cho mục đích chi tiêu gia đình, giáo dục, sửa chữa nhà ở thì thường tìm đến vay “nóng” từ hội bạn cùng nghề, nhóm hụi với lãi suất cho vay ở mức chấp nhận được”. 

Cũng theo ông Thôi, trong 5 năm qua mỗi khi cần tiền gấp người công nhân chọn hình thức vay tín chấp từ công ty tài chính (CTTC) chiếm 71,3%, vay từ cá nhân trong cộng đồng là 88,7%, vay thế chấp từ ngân hàng (NH) chỉ có 8,7%. 

Đối với qui mô hợp đồng vay và lãi suất vay tín chấp cho thấy trong vòng 5 năm qua số tiền vay nhiều nhất trong một lần với CTTC từ 10 – 50 chiếm khoảng hơn 70%, từ 50-80 triệu là 27%. 

“Đáng chú ý là cách tính lãi cuả các CTTC gồm dư nợ đầu kỳ, phí bảo hiểm khoản vay với lãi suất  từ 3-5%/tháng, tương đương 36-60%/năm. Còn khi vay tại tín dụng đen thì lãi suất “thân quen” cũng đã là 50.000/1 triệu/ngày. Những nơi “chặt chém”, lãi suất có thể lên tới 80.000 – 100.000 thậm chí 150.000/1triệu đồng/ngày”, ông Thôi cho biết.

Tương tự, ông Trương Văn Phước, chia sẻ: “Từng có nhân viên CTTC đã “chào” cho tôi mức lãi suất 40%/năm”.

Lãi suất cho vay tín dụng đen cao "cắt cổ"Cho vay người nghèo là cho vay an toàn nhất

Lãi suất cho vay tín dụng đen cao "cắt cổ"Cho vay người nghèo là cho vay an toàn nhất

Dù dễ thở hơn so với lãi suất tín dụng đen nhưng không phải người công nhân nào cũng tiếp cận vốn vay từ các NH hay CTTC. Bằng chứng là có tới 89% số công nhân than phiền thủ tục nhiều quá, cần tài sản thế chấp, chậm giải ngân và đặc biệt là có tới 90,2% số người được hỏi kêu than rằng họ không thể có thời gian chạy đi đến các NH để cung cấp đầy đủ các giấy tờ hồ sơ theo yêu cầu. 

Từ đó, nhóm nghiên cứu đề tài cho rằng các đơn vị tham gia xây dựng chính sách cần tạo ra các giải pháp nhằm giúp thị trường tài chính năng động hơn, hệ thống tín dụng vi mô đáp ứng được nhu cầu vay nợ chính đáng và hợp pháp của người công nhân để sinh tồn và tạo dựng cuộc sống ổn định.

Chia sẻ tại toạ đàm, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostbank cho biết: Đây mới chỉ là khảo sát đối với công nhân, vậy còn với những người nông dân ở các khu vực vùng sâu vùng xa còn khó khăn thì sao? Để giải quyết được vấn đề này thì cần có sự chung tay của nhiều ban ngành, chứ không chỉ riêng ngành NH. 

Bên cạnh đó, ông Thắng cho rằng đối với vay tiêu dùng thì quan trọng nhất là phải đánh giá được nhân thân của người đi vay, xác định xem họ có cờ bạc, có tiền án tiền sự không, có sử dụng, buôn bán ma tuý không… Khi những yếu tố tiêu cực đó được loại trừ thì rủi ro đối với NH cũng sẽ giảm đi rất nhiều. Ngoài ra, chính sách nhà nước thì nên xem xét cái nào có thể xoá được, cái nào có thể sử dụng bằng quỹ dữ phòng… đồng thời đưa nợ xấu gây ra từ những khoản cho vay của người nghèo ra ngoài nhóm nợ xấu nói chung của NH. Bởi hỗ trợ cho người nghèo, đẩy lùi tín dụng đen mà lại bị cộng dồn với rủi ro chung của TCTC để đánh giá hạ hạn mức tín dụng thì nhiều nhà băng sẽ chùn tay”.

Ông Trương Văn Phước nhấn mạnh: Để tối đa hoá lợi nhuận, NH phải ưu tiên các hợp đồng mấy trăm tỉ, rồi mới tới hợp đồng vài triệu hay vài chục triệu. Hơn nữa cũng phải thẳng thắn với nhau là nợ xấu của hệ thống NH không phải là do mấy người nghèo, người công nhân, nông dân vay tiền, mà là do các đại gia gây nên. Cho nên, chúng ta có thực lòng giúp đỡ những người yếu thế hay không? Chúng ta cần “tấn công” nhanh vào tín dụng đen, bởi nó đã xâm thực người yếu thế trong xã hội. Có những cái giúp căn cơ song có những cái phải giúp bằng thực tiễn. Đó chính là thiết lập trần lãi suất cho vay đối với các CTTC và tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng thành lập nên các CTTC. Đồng thời cơ quan nhà nước đảm bảo rằng nếu họ làm ăn đàng hoàng, không móc ngoặc để trục lợi thì không hình sự hoá khi phát sinh nợ xấu. Sự mất mát trong trường hợp này sẽ được bù đắp bằng các quỹ của tổ chức tín dụng”.

“Để xử lý ở tầm quốc gia thì cần phải có chính sách tương thích với nó, có độ bao quát lớn mới có thể giải quyết được vấn đề. Cần xem quy mô tín dụng đen là bao nhiêu để từ đó có cái nhìn rõ ràng hơn về mặt chính sách”, ông Phước nhấn mạnh.

Cuộc chiến tín dụng đen: Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước đã làm gì?

Ngành Ngân hàng đang vào cuộc mạnh mẽ góp phần ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen theo chức năng và nhiệm vụ của...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thuỳ Linh ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN