Bất chấp dịch Covid-19, doanh nghiệp Thái vẫn đổ thêm vốn vào Việt Nam

Những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 không làm chùn bước các nhà đầu tư Thái Lan. Nhiều doanh nghiệp Thái liên tiếp rót vốn để tiến sâu hơn vào thị trường Việt Nam

Tuần trước, MM Mega Market, một thành viên của Tập đoàn BJC, đã khai trương trung tâm phân phối và bán sỉ thực phẩm - Trung tâm MM Food Service Hưng Phú tại quận Thủ Đức, TP HCM. Khác với các trung tâm bán sỉ MM Mega Market, trung tâm này chuyên phục vụ gần 6.500 mặt hàng, chủ yếu là nông sản, thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, thực phẩm mát và đông lạnh, các mặt hàng thiết yếu khác phục vụ khách hàng chuyên nghiệp.

Tăng vốn, mở rộng quy mô

Trong lúc dịch bệnh gây ảnh hưởng lớn đến thị trường bán lẻ, hầu hết nhà bán lẻ tạm dừng những dự án lớn thì cũng trong tháng 12, hệ thống này đã khai trương điểm trung chuyển, lưu trữ và cung cấp hàng hóa (depot) đầu tiên tại Phú Quốc, đồng thời công bố kế hoạch mở thêm nhiều depot để phục vụ đối tượng khách hàng chính là nhà hàng, khách sạn và tiệm tạp hóa trong thời gian tới. Trước đó, cuối năm 2019, siêu thị bán lẻ MM Mega Market đầu tiên tại Việt Nam đã được đưa vào hoạt động tại TP Hà Nội. Đại diện MM Mega Market cho hay các điểm kinh doanh mới đã và sẽ được mở theo tiến độ, sẵn sàng cho kế hoạch gia tăng thị phần trong giai đoạn "bình thường mới".

Lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam luôn hấp dẫn các nhà đầu tư Thái Lan Ảnh: THANH NHÂN

Lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam luôn hấp dẫn các nhà đầu tư Thái Lan Ảnh: THANH NHÂN

Tập đoàn C.P. Thái Lan mới đây đã rót thêm 250 triệu USD để thực hiện dự án chuỗi khép kín xuất khẩu thịt gà tại tỉnh Bình Phước. Dự án là một tổ hợp khép kín gồm 1 nhà máy thức ăn chăn nuôi, 5 trại gà giống bố mẹ, 1 nhà máy ấp trứng, 24 trại gà thịt và 1 nhà máy giết mổ - chế biến đã chính thức đi vào vận hành cuối tháng 12 vừa qua với công suất thiết kế 50 triệu con gà thịt/năm (giai đoạn 2020-2022) và nâng lên 100 triệu con gà thịt/năm từ năm 2023. Ông Montri Suwanposri, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (thuộc Tập đoàn C.P Thái Lan), cho biết đây là dự án ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại nhất của tập đoàn ở tất cả các nước mà C.P. đang đầu tư. Sản phẩm từ nhà máy đáp ứng được tất cả tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường nhập khẩu mục tiêu gồm Nhật Bản, châu Âu, Nga… với giá cả cạnh tranh.

Trong hoạt động thu hút đầu tư, thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy dù chịu tác động bởi dịch Covid-19, tổng vốn đăng ký và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư Thái Lan vào Việt Nam vẫn tăng khá. Thái Lan hiện là nhà đầu tư lớn thứ 9/132 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 603 dự án, tổng vốn đầu tư gần 12,9 tỉ USD.

Bỏ vốn vào nhiều DN lớn

Thực tế, liên tục trong những năm qua, nhiều nhà đầu tư Thái Lan vẫn thực hiện chiến lược mua lại các doanh nghiệp (DN) Việt đang dẫn đầu thị trường. Chỉ tính riêng trong năm 2020 này, một số thương vụ lớn của các DN Thái trong lĩnh vực năng lượng, sản xuất công nghiệp đã được thực hiện thành công. Trong quý I, HĐQT Công ty TNHH Delta Electronics Thái Lan tuyên bố sẽ chính thức thành lập công ty con mới tại Việt Nam trong quý II hoặc quý III với vốn điều lệ 500.000 USD. Nhiệm vụ của công ty này là giao thương và cung cấp giải pháp thông qua các sản phẩm điện tử của Delta. Đại diện của tập đoàn này cho hay dịch Covid-19 không làm thay đổi kế hoạch mở rộng của công ty tại Đông Nam Á. Tập đoàn hướng đến hỗ trợ các công ty lớn của Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia có kế hoạch đầu tư hoạt động kinh doanh mới cũng như chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Hồi tháng 4, Công ty Cổ phần Cáp điện Thịnh Phát thông báo đã hoàn tất việc sáp nhập vào Tập đoàn Stark Corporation Public Company Limited. Stark cũng mua lại Công ty Cổ phần Kim loại màu và Nhựa Đồng Việt (Dovina). Thông qua 2 thương vụ này, Stark kỳ vọng sẽ trở thành nhà sản xuất dây cáp điện hàng đầu khu vực. Một đại diện khác của xứ sở chùa vàng là Công ty Super Energy Corporation Company Limited đã quyết định chi 457 triệu USD cho việc sở hữu cổ phần và đầu tư vào 4 dự án điện mặt trời gồm: Lộc Ninh 1 (200 MW), Lộc Ninh 2 (200 MW), Lộc Ninh 3 (150 MW) và Lộc Ninh 4 (200 MW) tại tỉnh Phú Yên. SCG - tập đoàn đa ngành của Thái Lan - cũng đã tuyên bố sẽ chi gần 635 tỉ baht (khoảng 448 - 500 tỉ đồng) mua cổ phần Công ty Cổ phần Bao bì Biên Hòa để tăng cường sự hiện diện tại thị trường Việt Nam.

WHA Industrial Development Plc thì thông qua công ty con là WHA Utilities and Power (WHAUP) mua lại 34% cổ phần của Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống, một trong những công ty cung cấp nước hàng đầu cho thủ đô Hà Nội; mua 47,3% cổ phần Công ty Cổ phần Cấp nước Cửa Lò tại Nghệ An. Tập đoàn này vẫn đang tìm kiếm các cơ hội phát triển kinh doanh có giá trị cao tại các tỉnh, thành của Việt Nam.

Đại diện một số nhà đầu tư Thái Lan tại Việt Nam cho hay Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để DN Thái mở rộng đầu tư, gồm vị trí địa lý thuận lợi, văn hóa tương đồng, chính phủ 2 nước có quan hệ hợp tác nhiều năm… Quan trọng hơn, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế; nhà sản xuất, kinh doanh Thái Lan có nhiều cơ hội tìm được những khách hàng mới thông qua việc có mặt tại Việt Nam.

Ông Apirat Sugondhabhirom Na Phatthalung, Tổng Lãnh sự Thái Lan tại TP HCM, đánh giá việc công bố thử nghiệm vắc-xin Covid-19 gần đây sẽ tăng cường hơn nữa niềm tin của các nhà đầu tư vào Việt Nam, bao gồm cả Thái Lan. Đây là minh chứng cho quyết tâm kiên định và sự sẵn sàng của Chính phủ Việt Nam trong công tác quản lý và chuẩn bị phục hồi kinh tế sau đại dịch. Theo ông, nền kinh tế Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế trong khu vực phục hồi nhanh chóng và tiếp tục phát triển trong giai đoạn đầy thách thức chưa từng có này. Chẳng hạn, đại dịch đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng và dịch vụ trong nhiều lĩnh vực. Lĩnh vực kinh doanh bán lẻ, bán sỉ thực phẩm cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng nhưng chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, đại dịch cũng mở ra cơ hội cho kênh bán lẻ, bán sỉ thực phẩm hiện đại. Tổng Lãnh sự Thái Lan tại TP HCM cam kết sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, bao gồm chính trị, kinh tế, kinh doanh… Mục tiêu là để thúc đẩy thương mại song phương giữa hai nước đạt 20 tỉ USD. 

Kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp, hạ tầng, năng lượng sạch

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để thu hút đầu tư từ Thái Lan, Việt Nam đã và đang thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư giữa hai nước; tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN Thái Lan tại Việt Nam; tạo sự gắn kết giữa DN hai nước. Hiện Chính phủ Việt Nam đang kêu gọi đầu tư Thái Lan vào các lĩnh vực thế mạnh của họ mà Việt Nam đang có nhu cầu như phát triển nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch.

Nguồn: [Link nguồn]

”Xế hộp” ca sĩ Lệ Quyên vừa mới tậu có giá bao nhiêu?

Mới đây, giọng ca Sầu tím thiệp hồng gây xôn xao khi khoe chiếc xe hơi đẳng cấp cô vừa mới tậu khiến nhiều người trầm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương An - Ngọc Ánh ([Tên nguồn])
Bùng phát cúm gia cầm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN