Việt Nam trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Sự kiện: Kinh Doanh

Trước sự tác động mạnh mẽ tới cả kinh tế, xã hội và môi trường trên cấp độ toàn cầu, khu vực, quốc gia, doanh nghiệp và mỗi cá nhân, Việt Nam sẽ vượt qua những khó khăn, thách thức của cuộc cách mạng 4.0 như thế nào để phát triển đúng trọng tâm, trọng điểm.

Tổ chức Lao động quốc tế cho biết, 86% lao động trong ngành công nghiệp dệt may và giày dép ở Việt Nam đối mặt với nguy cơ thất nghiệp cao từ sự bùng nổ nhanh chóng của ứng dụng công nghệ. 

Những yếu tố mà các nước đang phát triển như Việt Nam coi là có ưu thế như: lực lượng lao động thủ công trẻ, chi phí thấp sẽ không còn là thế mạnh Một báo cáo về thị trường lao động ở Anh cho thấy, sự suy giảm của các việc làm mà năng suất đã được cải thiện rõ rệt nhờ công nghệ. 

Tuy nhiên, không chỉ việc làm ở trong các ngành sản xuất bị ảnh hưởng mà các công việc có kỹ năng cao cũng đối mặt với nguy cơ bị thay thế. Máy tính sử dụng trí tuệ nhân tạo đã đánh bại con người ở trò cờ vua và cờ vây. Chúng còn có thể nhận diện khuôn mặt, hiểu được tiếng nói, soạn nhạc và nhiều lĩnh vực khác mà con người cho là duy nhất mình có khả năng làm. Điều này đe dọa hàng triệu công việc mà con người từng nghĩ là khó thay thế. 

Microsoft và Cisco dự báo năm 2020 sẽ có hơn 50 tỉ thiết bị kết nối với Internet. Tuy nhiên, sự kết nối càng lớn thì rủi ro và nguy cơ là không tránh khỏi. Trên thực tế, các cuộc tấn công mạng đang gia tăng về tần suất, mức độ nghiêm trọng và ngày càng phức tạp. Năm 2016, Việt Nam chứng kiến hơn 134.000 sự cố an ninh mạng, tăng gấp 4 lần so với năm 2015.

Việt Nam trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - 1

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay, Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những thách thức liên quan đến các chi phí điều chỉnh trong ngắn đến trung hạn do tác động không đồng đều của nó đến các ngành. Trong từng ngành, sự tăng trưởng nhanh của nhiều doanh nghiệp tạo ra những công nghệ mới, đồng thời cũng thu hẹp và đào thải các doanh nghiệp lạc nhịp công nghệ. 

Đối với Việt Nam, trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam có lợi thế địa kinh tế và nguồn lao động trẻ, dồi dào, nhưng cách mạng 4.0 sẽ làm thay đổi điều đó, suy giảm lợi thế này. Do vậy, Việt Nam cần một cách tiếp cận độc đáo, khác biệt và khả thi để tận dụng cơ hội từ Cách mạng công nghiệp 4.0, bứt phá phát triển. 

“Cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng của phát hiện vấn đề và nhu cầu, của toàn dân và của các doanh nghiệp siêu nhỏ. Và Việt Nam muốn đón nhận được thì phải đi trước một bước. Ngoài việc nâng cao giáo dục đào tạo, nhân lực số, kết cấu hạ tầng thì thể chế của Việt Nam cũng cần tăng khuyến khích, thúc đẩy sáng tạo và lấy doanh nghiệp làm trung tâm”, ông Thiên nhấn mạnh.

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, Việt Nam vẫn có thể bắt kịp và đi trước trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay còn gọi là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khi có những sáng tạo và dựa trên lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. 

Theo ông, cuộc cách mạng nào cũng chỉ có giá trị khi chúng ta làm những cái người khác chưa làm. Vì thế, Việt Nam hoàn toàn có thể đón nhận và đi đầu được trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay còn gọi là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. “Nếu chúng ta nghĩ cuộc cách mạng lần thứ tư là cuộc cách mạng về công nghệ sẽ rất khó cho người Việt Nam. Nhưng nếu nhìn cuộc cách mạng này bằng sự phát hiện vấn đề và nhu cầu thì người Việt Nam sẽ vô cùng may mắn, vô cùng có sức mạnh vì Việt Nam là nước thu nhập trung bình thấp nên có rất nhiều khát vọng và đó là lợi thế của Việt Nam”, ông Hùng nhấn mạnh.

Theo bà Louise Chamberlain, Giám đốc Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Việt Nam, Cách mạng công nghiệp 4.0 là một trong những bước đi hữu ích và nhanh nhất để thu hẹp khoảng cách kiến thức về các nút thắt mà các ngành, tiểu ngành và doanh nghiệp của Việt Nam phải đối mặt để nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh. Việc thực hiện nhanh chóng và quyết liệt các hành động này - cùng với cải cách thể chế và khả năng của người dân Việt Nam để tận dụng các cơ hội mà Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra. Liên hợp quốc tại Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong việc theo đuổi các bước này.

Các chuyên gia cho rằng, lúc này khi cuộc cách mạng 4.0 mới bắt đầu nên các nước gần như “bình đẳng” về cơ hội. Một nước đang phát triển như Việt Nam có thể đi thẳng vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới do các công nghệ này không phụ thuộc vào công nghệ cũ, từ đó có thể rút ngắn khoảng cách phát triển.

Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, cuộc cách mạng 4.0 đặt ra áp lực lớn cho sự thay đổi. “Đây là động lực để đổi mới, tái cơ cấu. Mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã đến giới hạn. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tạo sức ép khủng khiếp cho cải cách. Cần phải có những cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp bắt kịp và tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức”, chuyên gia Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Phạm (Công an Nhân dân)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN