Tỉ giá: Lo sốc từ bên ngoài

Sau hơn một tháng Ngân hàng Nhà nước áp dụng chính sách tỉ giá trung tâm, giá USD trong các ngân hàng thương mại đã hạ nhiệt. Song, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại tỉ giá USD/VNĐ năm 2016 sẽ chịu sức ép đến từ những biến động bên ngoài

Ngày 2-2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỉ giá trung tâm 21.894 đồng/USD, tăng 2 đồng so với phiên trước nhưng vẫn thấp hơn 25 đồng so với mức “đỉnh” 21.919 đồng/USD từ khi chính sách tỉ giá mới được áp dụng. Giá USD tại các NH thương mại cũng nhích nhẹ trong 2 ngày qua nhưng lãnh đạo những NH này cho biết nguồn cung ngoại tệ đang rất dồi dào.

Giảm hẳn đầu cơ ngoại tệ

Tại các NH thương mại ngày 2-2, giá USD được niêm yết phổ biến mua vào 22.250 đồng/USD, bán ra 22.320 đồng/USD, tăng 10 đồng so với phiên trước và tăng khoảng 60 đồng so với phiên cuối tuần qua. Tuy nhiên, mức giá này thấp hơn rất nhiều so với trước khi NHNN áp dụng cơ chế tỉ giá mới. Hồi đầu năm 2016, nhiều thời điểm, NH thương mại đẩy giá USD sát trần biên độ cho phép là 22.547 đồng/USD.

Tỉ giá: Lo sốc từ bên ngoài - 1

Tỉ giá USD/VNĐ giảm sau khi Ngân hàng Nhà nước áp dụng tỉ giá trung tâm Ảnh: Tấn Thạnh

Thấy giá về mức thấp, chị Nguyễn Thiên Kim (ngụ quận Tân Phú, TP HCM) cho biết đang tính mua USD để chuẩn bị đóng phí đi xuất khẩu lao động. “NHNN không còn cam kết mỗi năm chỉ tăng tỉ giá 2%-3% mà để giá USD biến động theo thị trường nên rất khó đoán. Mấy hôm nay, thấy giá USD xuống thấp, chắc tôi mua để qua Tết đóng phí” - chị Kim nói.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc NH HSBC Việt Nam, cho rằng tỉ giá USD/VNĐ giảm gần đây là do cung trên thị trường khá dồi dào từ nguồn giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kiều hối đổ về dịp cuối năm.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 20-1, giải ngân vốn FDI đạt khoảng 800 triệu USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm ngoái và vốn đăng ký mới cũng hơn 1,33 tỉ USD. Một số thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) như Tập đoàn TTC (Thái Lan) mua lại chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry, tập đoàn lớn khác của Thái Lan là Singha rót hơn 1 tỉ USD vào Masan đã cung cấp một lượng ngoại tệ đáng kể cho thị trường.

Dù thời gian chưa đủ dài để khẳng định nhưng sau hơn một tháng áp dụng, cơ chế tỉ giá mới của NHNN đã phát huy tác dụng khi xóa bỏ tâm lý kỳ vọng tỉ giá tăng như trước đây. Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, phân tích trước đây, thị trường thường kỳ vọng tỉ giá tăng nên tập trung găm giữ ngoại tệ, chủ yếu cho nhu cầu đầu cơ. Nay, với cơ chế tỉ giá mới thay đổi hằng ngày theo thị trường, có lên có xuống, nghĩa là có rủi ro nên người dân và doanh nghiệp bớt hẳn găm giữ ngoại tệ.

Rủi ro từ USD, nhân dân tệ

Theo các chuyên gia kinh tế, tỉ giá trung tâm đã thể hiện hiệu quả tích cực trong thời gian qua khi được điều chỉnh linh hoạt trên cơ sở cung cầu ngoại tệ trong nước, biến động của những đồng tiền chủ chốt có giao thương và đầu tư với Việt Nam.

Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đánh giá NHNN đã tương đối thành công khi dỡ bỏ cơ chế tỉ giá cố định mà không gây ra những biến động lớn. Dù vậy, thị trường ngoại hối trong năm 2016 vẫn tiềm ẩn những yếu tố rủi ro bên ngoài, như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang triển khai lộ trình tăng lãi suất trong năm nay và biến động của đồng nhân dân tệ (Trung Quốc).

Trong báo cáo chiến lược 2016, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định tỉ giá sẽ tăng 3%-4% trong năm nay dựa trên cơ sở dự báo cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam thặng dư khoảng 5 tỉ USD, FEDtăng lãi suất 1%, thị trường tài chính quốc tế không có những biến động lớn và bất ngờ, như việc Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ.

Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, có 3 yếu tố chính từ bên ngoài cần phải chú ý liên quan đến chính sách tỉ giá. Trước hết là khả năng Fed tăng lãi suất cơ bản, khi đó đồng USD sẽ mạnh lên và dòng vốn dịch chuyển gây áp lực lên cầu ngoại tệ. Ngược lại, dòng vốn vào sẽ chững lại gây thiếu hụt nguồn cung ngoại tệ. Đồng nhân dân tệ giảm giá không chỉ ảnh hưởng đến thương mại Việt Nam - Trung Quốc mà còn tác động tới khả năng cạnh tranh của hàng Trung Quốc so với hàng Việt ở các thị trường xuất khẩu trên thế giới.

“Đồng nhân dân tệ giảm giá sẽ gây tâm lý tiền đồng cũng giảm theo và hành vi đầu cơ găm giữ ngoại tệ phát sinh trở lại. Do đó, NHNN cần tiếp tục duy trì sự linh hoạt trong điều hành tỉ giá. Ngay một số nước đang phát triển cũng có xu hướng giảm giá đồng nội tệ để cải thiện khả năng cạnh tranh” - ông Tuấn phân tích.

Thận trọng với biến động của thị trường quốc tế

Theo ông Phạm Hồng Hải, cầu nội địa của Việt Nam đang hồi phục nên nhiều khả năng sẽ đẩy nhập siêu tăng lên trong năm nay. Luồng vốn đầu tư gián tiếp đổ vào Việt Nam sẽ tiếp tục nếu quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước diễn ra quyết liệt và thực chất. Năm 2016 được dự báo sẽ có nhiều bất ổn trên thị trường tài chính thế giới và diễn biến thị trường trong tháng 1-2016 đã phản ánh phần nào bức tranh này. Do đó, NHNN cần thận trọng theo dõi diễn biến trên thị trường trong nước và thế giới, chính sách của NH trung ương các nước có khả năng ảnh hưởng đến tỉ giá USD/VNĐ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Phương (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN