Nợ đầm đìa, doanh nghiệp ông lớn “tay không bắt giặc”

Sự kiện: Kinh Doanh

Nhiều doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng.

Nợ gấp cả chục lần vốn

Nội dung trên được nêu lên trong kết quả kiểm toán “Báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước năm 2016” của 201 doanh nghiệp thuộc 27 tập đoàn, tổng công ty.

Theo nhận xét của Kiểm toán Nhà nước, một số doanh nghiệp trong diện trên đang tiềm ần rủi ro mất cân đối tài chính.

Nhiều cái tên quen thuộc được nhắc tới hiện có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao là: Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) 14,56 lần; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Máy kéo và Máy nông nghiệp 12,5 lần; Công ty cổ phần Đường sắt Thanh Hóa 11,71 lần, Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem 9,97 lần, Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc 8,53 lần,…

Có doanh nghiệp thậm chí trong diện phải giám sát tài chính đặc biệt như Công ty cổ phần Vận tải thủy - Vinacomin, Công ty cổ phần Than Tây Nam Đá Mài - Vinacomin; Habeco: Công ty cổ phần Cồn Rượu Hà Nội; Vinachem: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đạm Ninh Bình, Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Công ty CP DAP – Vinachem,…

Nợ đầm đìa, doanh nghiệp ông lớn “tay không bắt giặc” - 1

Nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh dựa trên vốn chiếm dụng.

Tại một số công ty, có tình trạng người đại diện vốn Nhà nước chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong phân phối lợi nhuận, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước đối với cổ tức được chia cho phần vốn Nhà nước.  Đơn cử với trường hợp này theo Kiểm toán Nhà nước là tại Tổng Tông ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Lỗ nghìn tỷ trở thành chuyện thường

Với hoạt động đầu tư tài chính, báo cáo Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, một số tập đoàn, tổng công ty có nhiều công ty con thua lỗ lớn, âm vốn chủ sở hữu.

Thống kê dẫn một loạt khoản lỗ tính đến 31/12/2016 của các tập đoàn, tổng công ty như: Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đạm Ninh Bình lỗ gần 3.198 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu trên 968 tỷ đồng, Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc lỗ gần 1.721 tỷ đồng, Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem lỗ trên 1.066 tỷ đồng.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng có tên trong số này với Tổng công ty Điện lực TKV – Công ty cổ phần lỗ 451 tỷ đồng, Công ty cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hóa lỗ 137 tỷ đồng, Công ty cổ phần Vận tải thủy – Vinacomin lỗ 126,26 tỷ đồng.

Hay đơn cử như Tổng công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam (VEAM) có Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại Veam âm vốn chủ sở hữu 220 tỷ đồng); Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng có Công ty cổ phần Xây dựng - Đầu tư Phát triển Bạch Đằng 15 âm vốn là 2,79 tỷ đồng.

Một số khác thậm chí đã phải giải thể như Công ty cổ phần Giống cây trồng Vinacafe Tây Nguyên (thuộc Vinacafe); Công ty cổ phần Gạch ngói Sài Gòn, Công ty cổ phần Kim Thạch (thuộc Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn).

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của một số tập đoàn, tổng công ty cũng tỏ ra  không hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro mất vốn, thua lỗ cao. Có thể kể tới trường hợp của TKV với Công ty liên doanh khoáng sản Steung Treng, Campuchia; Dự án khai thác và chế biến quặng sắt mỏ Phu Nhoun, Bản Nato, Lào.

Vinachem cũng ở diện trên với dự án muối mỏ tại Lào; Dự án đầu tư thăm dò, đánh giá trữ lượng, khai thác và chế biến muối mỏ tại huyện Nongbok, tỉnh Khammouan và huyện Xaibouli, tỉnh Savanahat, Lào.

Theo báo cáo, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty và công ty Nhà nước còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước. Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu ngân sách 9.400 tỷ đồng và 0,42 triệu USD.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyên Khôi ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN