Ngân hàng Thế giới: Sau 2 thập kỷ, hơn 40 triệu người Việt đã thoát nghèo

Sự kiện: Kinh Doanh

Trong mục Bối cảnh thuộc phần Tổng quan về Việt Nam trên trang web của mình, Ngân hàng Thế giới (The World Bank) đã đánh giá rất cao sự phát triển về mọi mặt của Việt Nam trong vòng 30 năm qua với nhiều thành tích rất đáng được ghi nhận.

Ngân hàng Thế giới: Sau 2 thập kỷ, hơn 40 triệu người Việt đã thoát nghèo - 1

Trên trang web của mình, WB viết, trong 30 năm qua Việt Nam đã đạt thành tích phát triển rất đáng ghi nhận. Bắt đầu từ năm 1986, cải cách kinh tế và chính trị thời kì Đổi mới đã thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh chóng và biến Việt nam từ một trong các nước nghèo nhất thế giới trở thành nước có mức thu nhập bình quân trên đầu người 2.215 USD/người (năm 2016).

Kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng mạnh. Kể từ năm 1990, Việt Nam là một trong những nước có mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người nhanh nhất thế giới, trung bình 6.4%/năm trong những năm 2000. Mặc dù môi trường toàn cầu còn nhiều bất ổn, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì sức bật tốt. Triển vọng trung hạn vẫn thuận lợi, với mức tăng trưởng GDP là 6% trong năm 2016, và các nền tảng tăng trưởng – gồm cầu trong nước và công nghiệp chế tạo hướng xuất khẩu – vẫn mạnh và ổn định.

Ngân hàng Thế giới: Sau 2 thập kỷ, hơn 40 triệu người Việt đã thoát nghèo - 2

Sự phát triển của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới đánh giá rất cao. Ảnh: Internet.

Thành quả tăng trưởng đã được phân phối đồng đều, trong đó tỉ lệ nghèo đã giảm mạnh, và phúc lợi xã hội cũng được tăng cường đáng kể. Vào thời điểm năm 1993, hơn một nửa dân số sống dưới mức 1,90 USD/ngày. Ngày nay, tỉ lệ nghèo cùng cực đã giảm xuống còn 3%. Tỉ lệ dân số sống dưới chuẩn nghèo quốc gia (do Ngân hàng thế giới và Tổng cục thống kê xác định) giảm xuống còn 13,5% trong năm 2014, trong khi tỉ lệ này năm 1993 là 60%. Trong hai thập kỷ vừa qua, hơn 40 triệu người dân Việt Nam đã thoát nghèo.

Việt Nam đã đạt tiến bộ đáng kể trong việc cung cấp các dịch vụ cơ bản. Người dân Việt Nam ngày nay có dân trí cao hơn và sức khỏe tốt hơn so với cách đây 20 năm. Và những tiến bộ này được chia đều trong toàn xã hội. Thành tích giáo dục đạt mức cao, kể cả giáo dục tiểu học. Tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi đã giảm mạnh trong 20 năm qua xuống còn 19 và 24 phần nghìn vào năm 2012. Tỉ lệ còi xương cũng giảm rõ rệt từ 61% vào năm 1993 xuống còn 23% vào năm 2012. Tuổi thọ tự nhiên bình quân hiện nay là 76 tuổi, so với 71 tuổi vào năm 1993.

Dịch vụ thiết yếu cũng được cải thiện đáng kể. Trong giai đoạn 1993 – 2012 Việt Nam đã đạt được những bước tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực này. Ví dụ, hiện nay 99% dân số đã có điện thắp sáng, so với 14% thời kỳ 20 năm trước đây. Hiện nay, trên 67% dân số nông thôn có công trình vệ sinh và hơn 61% sử dụng nước sạch trong khi tỉ lệ tương ứng 2 thập kỉ trước là 36% và 17%.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng chính phủ Việt Nam tiếp tục thể hiện cam kết cải cách. Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội 10 năm, giai đoạn 2011 – 2020 của Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện tái cơ cấu, đảm bảo bền vững môi trường, công bằng xã hội và giải quyết các vấn đề mới nảy sinh về ổn định kinh tế vĩ mô. Chiến lược xác định rõ ba “lĩnh vực đột phá” gồm: thúc đẩy phát triển kĩ năng, đáp ứng đòi hỏi của một nền công nghiệp hiện đại và đổi mới sáng tạo; hoàn thiện các thể chế thị trường, và tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng.

Trên đây là những đánh giá của Ngân hàng Thế giới về Việt Nam vừa mới được cập nhật hồi tháng 4/2017.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Khánh (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN