Ngân hàng đang thừa tiền?

Theo một số nghiên cứu, hiện tượng thừa thanh khoản tạm thời đang diễn ra tại một số ngân hàng (NH) lớn có tốc độ tăng trưởng huy động cao, trong khi lượng cho vay ra thấp.

Lãi suất huy động đột ngột giảm sau khi lên cao vào khoảng 1 tháng trước đó khiến nhiều chuyên gia tranh cãi về việc có hay không chuyện thừa thanh khoản ở các NH.

Nhóm nghiên của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, chuyện các NH giảm lãi suất huy động là một động thái để đảm bảo một phần lợi nhuận và cân bằng chi phí vốn, và có thể các NH này sẽ tăng cường mua trái phiếu Chính phủ trong những tháng cuối năm. Điều này trái ngược với xu hướng của những năm trước, nhưng có thể là một giải pháp an toàn để các NH cải thiện thu nhập lãi.

Cùng nhận định trên, nên thời gian qua, NHNN đã sử dụng công cụ thị trường mở (OMO) để hút tiền về. Tuần qua, NHNN đã tiếp tục phát hành 10.058 tỷ đồng tín phiếu với kỳ hạn 56 ngày và 91 ngày qua nghiệp vụ bán hẳn, lãi suất ổn định 6%/năm và 6,8%/năm. Do còn khoản đáo hạn 2.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày nên NHNN hút ròng 8.058 tỷ đồng với riêng nghiệp vụ bán hẳn.

Cùng với đó, tuần này NHNN bơm 1.557 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 8%/năm bằng nghiệp vụ mua kỳ hạn. Trừ đi khoản 1.870 tỷ đồng đến ngày đáo hạn, NHNN hút ròng 313 tỷ đồng qua nghiệp vụ repo trên OMO.

Ngân hàng đang thừa tiền? - 1

Hiện tượng thừa tiền ở các NH là có thật?

Một thông tin quan trọng mà VCBS nêu ra là việc áp trần lãi suất vẫn được áp dụng và từ nay đến cuối năm sẽ không có thêm biến động về lãi suất. Lãi suất huy động và cho vay nhìn chung sẽ tiếp tục ổn định như mức hiện nay do các chính sách tài khóa và tiền tệ hầu như đã được sử dụng hết.

Theo báo cáo của các NH thuộc “top” đầu, mức tăng trưởng 9 tháng, có thị phần tín dụng lớn nhìn chung không cao. Cụ thể: Tecombank giảm 3,35%, ACB giảm 0,01%, Eximbank tăng 1-2%, Vietinbank tăng 2,63%, Vietcombank tăng 8,6% , Sacombank tăng 8,3% và MB tăng 10,7%. Trong khi đó, mức tăng trưởng tốt của những NH nhỏ như Bản Việt (20%) và PGBank (7,9%) lại hầu như không đóng góp gì cải thiện hoạt động cho vay toàn hệ thống.

Theo phân tích của nhóm nghiên cứu, thông thường nhu cầu vay vốn của DN sẽ tăng mạnh vào cuối năm. Song, tính đến cuối tháng 10, số liệu tăng trưởng tín dụng không cho thấy sự cải thiện nào đáng kể. Nguyên nhân chủ yếu do DN còn do dự trong vay vốn giữa bối cảnh cầu tiêu dùng còn yếu, và tâm lý thận trọng của các NH trong việc giải ngân.

Trên cơ sở đó, VCBS dự báo, nhu cầu tín dụng trong những tháng cuối năm sẽ yếu hơn nhiều so với các năm trước. Tăng trưởng tín dụng cả năm 2012 có thể chỉ đạt 5%. Con số này tương đương với con số 5,1% mà NH Phát triển Châu Á (ADB) đã dự báo trước đó.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Sơn Trà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN