M&A cũng lắm “ma”!

Không hẳn mọi thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) doanh nghiệp (DN) đều đem lại lợi ích cho nền kinh tế. Thực tế, M&A giữa các DN đang tác động lớn đến nền kinh tế khu vực ASEAN, đặt ra thách thức cho các nước về chính sách phát triển nền kinh tế cạnh tranh lành mạnh

Tại Hội nghị Cạnh tranh ASEAN lần 2 tổ chức ở TPHCM cuối tuần qua, các chuyên gia kinh tế cho rằng cơ quan quản lý cạnh tranh phải đóng vai trò kiểm soát, quản lý những thương vụ M&A phi cạnh tranh. Chẳng hạn, một vài thương vụ M&A đem lại sức mạnh thị trường lớn hơn cho một đối thủ cạnh tranh, đưa đến vị trí thống lĩnh thị trường và có thể gây ra hành vi phản cạnh tranh, độc quyền tư nhân…

Sau mua bán, sáp nhập, các DN có thể nâng cao hiệu quả kinh tế về quy mô, quản trị và tăng cường nguồn lực. Nhưng theo TS Hiroyuki Odagiri, Ủy viên Ủy ban Thương mại lành mạnh Nhật Bản (JFTC), trên thực tế, nhiều nghiên cứu của ủy ban về các thương vụ M&A từ năm 2000 đến nay cho thấy chưa hẳn đem lại lợi ích.

Giá cổ phiếu thường tăng lên sau M&A nhưng chỉ trong vài ngày sau đó giá lại giảm xuống, có thương vụ còn làm giảm năng suất, lợi nhuận của DN. “Liệu sau M&A có đem lại lợi ích thật sự cho DN, cho người tiêu dùng? Dưới góc độ của cơ quan quản lý, phải kiểm soát M&A theo hướng đem lại lợi ích thật sự cho người tiêu dùng” - TS Hiroyuki Odagiri nhấn mạnh.

Bà Rose Webb, Trưởng Ban Mua bán và sáp nhập Ủy ban Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Úc (ACCC), cho rằng: Cần cấm các thương vụ mua lại làm giảm cạnh tranh, giảm thiểu tiêu cực. Với thương vụ lớn, có thể gây ảnh hưởng đến cấu trúc tự nhiên của thị trường nên quy định pháp luật cần yêu cầu DN phải thông báo trước cho cơ quan quản lý để xem xét thông qua hay không.

GS Mark Williams, đại diện Diễn đàn Cạnh tranh châu Á, cho rằng trước mắt, các nước ASEAN cần xây dựng cơ chế chung cho khu vực về thẩm quyền, ngưỡng thông báo, tiêu chí và các giải pháp ngăn ngừa M&A phi cạnh tranh gây bất lợi sau này. Sau mỗi thương vụ, cơ quan quản lý cần đánh giá tác động những lợi ích mang lại cho người tiêu dùng và nền kinh tế rồi cân nhắc có nên tăng cường các thương vụ này hay không. Đây là quá trình nhằm nâng cao tính cạnh tranh vùng, trong phạm vi quốc gia và khu vực.
 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thái Phương (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN