Lái xe lo giành khách khi Grab độc tôn?

Sự kiện: Thời sự

Việc dừng hoạt động một cách đột ngột của Uber, sáp nhập vào Grab vào ngày 8/4 tới tác động đến ít nhất 6.000 lái xe và khách hàng. Nhiều câu hỏi của lái xe chưa được trả lời, không ít lo ngại phát sinh chưa có lời đáp.

Lái xe lo giành khách khi Grab độc tôn? - 1

Cuộc “hôn phối” giữa Uber và Grab đã đưa Grab lên nắm quyền kiểm soát thị trường xe công nghệ. Ảnh: Bảo An.

Lo giành khách, chiết khấu tăng bất ngờ

Chiều 30/3, cuốc xe cuối cùng (xe Huyndai I 10) chạy cho Uber tại Hà Nội, anh Nguyễn Văn Thuận cho hay: Anh đã làm thủ tục đăng ký chạy thêm cho Grab được mấy ngày và đang sử dụng song song cả hai ứng dụng.

“Cũng cảm thấy hụt hẫng vì gắn bó với Uber gần 2 năm rồi. Nhưng tôi là lái xe chuyên nghiệp, từ xe tải sang xe con, nghỉ việc biết lấy gì nuôi con. Grab làm quảng cáo nhiều, khách đông nên cũng tạm ổn. Lo nhất khi thâu tóm Uber, Grab độc quyền lại tăng chiết khấu với lái xe” – anh Thuận nói.

Lái xe lo giành khách khi Grab độc tôn? - 2

 Anh Nguyễn Thuận - lái xe Uber đã chuyển sang Grab.

Còn anh Trần Quốc Phong (Từ Liêm – Hà Nội) thì kể, cách đây hơn 1 năm anh vay tiền mua chiếc xe Sunny để chạy cho Uber. Đến ngày hôm qua, anh Phong vẫn chưa quyết định được có nên sang đầu quân cho Grab hay không.

“Grab thu chiết khấu cao hơn đối với lái xe nhập mới nên tôi rất ngại sang. Xe chạy cho Grab hiện nay rất nhiều, sang đó lái xe phải chờ lâu mới có khách nên tôi cũng chưa muốn sang. Tôi đang tìm mối để chạy chở cán bộ chuyên cho các doanh nghiệp” – anh Phong nói.

Hiện tại, phần lớn tài xế Uber được hưởng mức chiết khấu 20%, cộng thêm 3,6% tiền thuế thu nhập cá nhân là 23,6% trên tổng doanh thu. Trong khi đó, nếu chuyển sang Grab, tài xế đang phải chịu mức chiết khấu 25%, cộng thêm 3,6% tiền thuế là 28,6% trên tổng doanh thu.

Theo thống kê của Bộ GTVT, kết thúc 2 năm thí điểm xe hợp đồng điện tử (tháng 12/2017), tổng lượng xe của cả Uber và Grab là 35.590 xe. Trong đó, số lượng xe Uber là 6.006, còn Grab có 29.584 xe. Như vậy, việc Uber chấm dứt hoạt động sẽ có hơn 6000 lái/chủ xe bị tác động. Con số này chưa bao gồm đội ngũ lái xe ôm phát triển rầm rộ của hai hãng này thời gian qua.  

Cũng vào chiều 30/3, anh Nguyễn Hiệp, sinh viên Đại học Giao thông Vận tải đang lái xe ôm Uber mô tô cho hay, anh mới lái một tháng Uber lại nghỉ. Bây giờ mất thêm thời gian làm thủ tục. “Nhìn trên đường, màu áo của lái xe ôm Grab xanh mướt lấy khách đâu để chở. Tôi cũng lo, họ nhiều lái xe rồi có xem mình ra gì không” – Hiệp nói.              

Có kiểm soát sự độc quyền của Grab?

Không chỉ lái xe, không ít khách hàng cũng đặt vấn đề, lo lắng về sự độc quyền của Grab trên thị trường vận tải kết nối bằng công nghệ đẩy giá dịch vụ, làm môi trường trở nên kém cạnh tranh. Điều này càng quan trọng hơn khi nền tảng, dữ liệu về khách hàng, lái xe sẽ trở thành “chợ” cung cấp rất nhiều sản phẩm, dịch vụ khác.

Ngoài ra, việc Bộ GTVT không coi Grab là đơn vị vận tải trực tiếp, chỉ xem là hãng công nghệ nhưng nắm quyền tuyển dụng, chấm dứt hoạt động, quyết định giá, khuyến mãi càng khiến cho vị thế độc tôn của Grab dễ phát huy. Trong khi đó, đơn vị mà ngành GTVT sẽ chính thức quản lý hoạt động của Grab là các hợp tác xã (HTX) vận tải lại chưa đủ sức để “đàm phán” ngang hàng với Grab.

Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Giám đốc HTX vận tải Toàn Cầu (đối tác lớn nhất của Grab tại Hà Nội) cho hay: “HTX hầu như không có quyền gì với lái xe. Grab giao dịch, trả tiền, nộp thuế, trực tiếp với tài xế, HTX muốn quản lý, đóng bảo hiểm cho tài xế cũng không được”.         

Hiện tại, Bộ Công Thương đang xem xét yếu tố độc quyền trong thương vụ Uber - Grab. Bộ GTVT cũng có những đánh giá bước đầu, cho rằng, không có yếu tố độc quyền. Mặc dù Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, bên cạnh Grab, hiện còn 8 doanh nghiệp khác cũng tham gia chương trình thí điểm điều hành xe bằng mạng Internet. Tuy nhiên, với việc thâu tóm Uber, thương hiệu Grab sẽ nghiễm nhiên trở thành độc quyền, vì chưa một hãng xe nào trong nước có thể cạnh tranh ngang ngửa với Grab.

Trong khi đó, một thương hiệu lớn hơn, đã biến dịch vụ vận tải trên internet thành “hệ sinh thái” kinh doanh đa dạng (cung cấp thức ăn, hàng hoá, thậm chí cung cấp nhân viên chăm sóc sắc đẹp, sức khoẻ…) là Go – Zek của Indonesia có những động thái xâm nhập thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, việc xâm nhập của “kì lân” đến từ Indonesia này đang bị “ngáng đường” khi không có tên trong danh sách thí điểm nêu trên.

Một chuyên gia về chính sách kinh tế cho hay, Bộ GTVT vận dụng điều khoản cấm quy hoạch số lượng trong mọi quy hoạch trong Luật Quy hoạch để không quyết định giảm số lượng xe Uber, Grab tại các tỉnh thành (như Tiền Phong phản ánh ngày 30/3).

“Căn cứ theo đó, bộ này cũng nên “tháo khoán” cho số hãng tham gia thị trường xe công nghệ, không nên hạn chế số hãng tham gia thị trường. Bộ GTVT cũng rất khó có cơ sở ngăn Go-Zek” xâm nhập thị trường” - chuyên gia này nói.       

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, bên cạnh Grab, hiện còn 8 doanh nghiệp khác cũng tham gia chương trình thí điểm điều hành xe bằng mạng Internet. Tuy nhiên, với việc thâu tóm Uber, thương hiệu Grab sẽ nghiễm nhiên trở thành độc quyền, vì chưa một hãng xe nào trong nước có thể cạnh tranh ngang ngửa với Grab

Tăng trưởng quá mạnh, Grab, Uber lại “gây phiền”?

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội mới đây cho hay, lượng đăng ký Grab, Uber đã tăng “vượt quá mong muốn”. Dường như, sự...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sỹ Lực ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN