Lãi suất đang bị dụ tăng

Nhiều dấu hiệu cho thấy, lãi suất VND vẫn đang bị “cám dỗ”. Dù Ngân hàng Nhà nước đã lên tiếng khẳng định đợt biến động lãi suất tháng 3 vừa qua chỉ mang tính cục bộ nhưng các chuyên gia vẫn e ngại: một số ngân hàng đang thiếu vốn dài hạn thậm chí quan ngại lớn hơn là thiếu tiền tiết kiệm tổng thể.

Liên tục ngọ ngoạy

Trước Tết 3 tuần, thanh khoản hệ thống ngân hàng có dấu hiệu hơi căng; nhưng đó chỉ là dấu hiệu mùa vụ khi tổng phương tiện thanh toán tăng vọt. Tuần cuối áp tết, nhiều dấu hiệu cho thấy thanh khoản đã dịu lại đúng như dự báo trước đó của nhà điều hành.

Tuy nhiên, ngay khi ra tết, liên tục các bản tin cập nhật diễn biến thị trường tiền tệ đều nhắc tới lãi suất liên ngân hàng vẫn tăng không hề giảm; đáng nói trên thị trường 1 dấu hiệu tăng lãi suất huy động chớm được một số nhà băng nhỏ bật đèn xanh. Thị trường ghi nhận mức lãi suất huy động (LSHĐ) kỳ hạn dài từ 8,2% cho đến trên dưới 9%/năm cao nhất trong vòng vài năm trở lại đây.

Lãi suất đang bị dụ tăng - 1

Gửi tiền kỳ hạn vừa phải, ngân hàng có lãi suất và tín nhiệm tốt hơn là mua chứng chỉ tiền gửi.

Điểm lại có thể thấy: dấu hiệu “bùng” cuộc đua bắt đầu từ sản phẩm phát hành chứng chỉ tiền gửi (CCTG) “siêu” lãi suất 8,88% và 8,48% cho kỳ hạn 7 năm và 5 năm của Sacombank. Kế tiếp LienVietPostBank phát hành CCTG trung hạn (18 tháng, 24 tháng, 36 tháng và 60 tháng) với yêu cầu khách hàng mua chứng chỉ với mệnh giá từ 1 triệu đồng và bội số của 100.000 đồng với mức lãi suất lên đến 8,8%/năm. Còn Vpbank trở thành ngân hàng công bố LSHĐ cao nhất với kỳ hạn 5 năm lên đến 9,2%/năm.

Lãi suất tăng khiến người ta hốt hoảng đi tìm cơn cớ, và rồi tìm ra “lỗi” tại  các ngân hàng phải thực hiện cơ cấu lại nguồn vốn giảm tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Thứ nữa, lỗi khiến lãi suất VND bị “cám dỗ” là bởi tại hai đợt tăng lãi suất USD của FED khiến giới nhà băng Việt phải đôn đáo, lo tăng lãi suất kẻo người dân rời bỏ tiền đồng mà chạy sang cất găm giữ ngoại tệ.  Cuối cùng, một lý do nữa đó là lạm phát cứ rậm rịch theo chiều hướng đi lên. Liên tục những phân tích, mổ xẻ rốt cục đã chỉ ra đường đi của lãi suất đang có nhiều diễn biến lạ bởi hệ thống căng thanh khoản cục bộ, đặc biệt một số ngân hàng nhỏ và vừa.

Cùng lúc này, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch LienVietPostBank lên tiếng với một số cơ quan báo chí: tăng lãi suất đúng là có áp lực nhưng chủ yếu do các ngân hàng tự gây ra. “Ngân hàng nào cũng sợ thiếu nguồn, nên cứ muốn nhích lên hơn các ngân hàng khác một chút để thu hút khách, chứ chưa phải do nhu cầu thực sự. Bản thân LienVietPostBank chúng tôi không muốn đẩy lãi suất lên, vì như trên chúng ta đã có nhiều bài học trước đây rồi. Doanh nghiệp mà vay trên 50% nhu cầu vốn thông thường và lãi suất nào cũng vay thì báo hiệu cái chết trong tương lai”, ông Hưởng nói.

Thiếu cục bộ hay dài hạn?

Tại buổi giao lưu trực tuyến “Đường đi của lãi suất” do trang thông tin tri thứ trẻ tổ chức tuần qua, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Khối Phân tích KHCN công ty SSI cho hay: Tham khảo của tôi tại 3 NH mới đây có mức lãi suất khác nhau. Tại một NH tầm trung, họ chào lãi suất huy động 7,5 – 7,6%/năm. Một NH nhỏ, chưa đến mức tái cơ cấu, đang cạnh tranh quyết liệt thì chào lãi suất 8% và thậm chí họ còn bảo tháng sau gửi có thể lên 8,2%. Trong khi đấy, các ngân hàng quốc doanh thì vẫn ổn định, không thay đổi nhiều về lãi suất. Kỳ hạn 1 năm có tăng nhưng vẫn quanh 7%. Đối với 1 người gửi tiền thì lãi suất cao luôn luôn hấp dẫn nhất”, ông Linh cho biết.

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, chuyên gia - Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính thì cẩn trọng hơn. Ông Độ nói: nếu nguyên nhân chính khiến các ngân hàng tăng lãi suất vừa qua là do tình trạng mất cân đối về kỳ hạn giữa tiền gửi và tiền cho vay, thì tình hình chưa quá nghiêm trọng vì khi các ngân hàng đáp ứng được yêu cầu về tỷ lệ vốn ngắn hạn được phép cho vay dài hạn, họ sẽ ngừng tăng lãi suất. Nhưng nếu nguyên nhân dẫn đến tăng lãi suất là do thiếu tiền tiết kiệm về tổng thể trong nền kinh tế, thì mọi thứ lại khác.

Theo ông Độ,  hiện một số ngân hàng ở Việt Nam đang thiếu vốn dài hạn. Nhiều người gửi tiền chỉ muốn gửi ngắn hạn do sợ lãi suất tăng thêm hoặc để còn lướt sóng giữa VND, vàng, USD hay chứng khoán chuyển sang... Điều này khiến các ngân hàng dễ rơi vào trạng thái mất cân đối về kỳ hạn khi các khoản huy động vốn ngắn hạn lại phải đem cho vay với kỳ hạn dài.

Trên thực tế, cho đến thời điểm hiện tại, mặt bằng lãi suất ở các ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank, Vietinbank… vẫn duy trì ổn định và chưa nhà băng nào trong số này có dấu hiệu tham gia cuộc đua tăng lãi suất. Trước sự quan tâm của người gửi tiền nên chọn đâu để gửi, đại diện SSI nêu quan điểm: Nên gửi tiền ở ngân hàng có lãi suất cao, tín nhiệm tốt, kỳ hạn vừa thôi, không nhất thiết phải mua CCTG với kỳ hạn dài.

Tối 29/3, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia tổ chức phiên họp thường kỳ quý 1/2017. Tại cuộc họp trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, đợt biến động lãi suất tiền gửi VND đầu tháng 3 vừa qua chỉ là hiện tượng cục bộ, đã nhanh chóng được bình ổn. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhất trí đó là hiện tượng cá biệt, không phải là phổ biến và hiện lãi suất thị trường đã ổn định trở lại. Song, ông cũng yêu cầu NHNN cần theo dõi và kiểm soát chặt chẽ, không để hiện tượng này tái diễn và bảo đảm lành mạnh trong công tác huy động vốn giữa các tổ chức tín dụng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Minh (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN