Lạ: Khối ngoại bán ra 600 tỉ đồng chỉ trong một ngày

Sự kiện: Tin chứng khoán

Khối ngoại tỏ rõ một thế lực mạnh cầm chịch trên thị trường chứng khoán. Mọi động thái mua vào hay bán ra của khối này đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý các nhà đầu tư trong nước.

Chỉ số VN Index đã giảm sâu dưới mốc 1.000 điểm, quét sạch toàn bộ thành quả đã được tạo dựng trước đó, khi có thời điểm vượt đỉnh lịch sử 2007.

Liên tục bán ròng

Nếu bỏ qua thương vụ mua thỏa thuận của nhà đầu tư nước ngoài với cổ phiếu VHM của Công ty cổ phần Vinhomes đạt giá trị hơn 1,3 tỉ USD thì khối ngoại liên tục gần đây bán ròng.

Tính riêng ngày 22-5, khối ngoại đã bán ròng hơn 600 tỉ đồng, mức bán mạnh nhất trong nhiều phiên, và cũng đồng thời đẩy phiên giao dịch của thị trường ngày hôm đó tràn ngập trong sắc đỏ, và đưa chỉ số VN Index rớt khỏi mốc 1.000 điểm.

Theo thống kê của Công ty chứng khoán Bản Việt, khối ngoại bán ròng 326 tỉ đồng trong tháng 4, sau khi mua ròng 606 tỉ đồng trong ba tháng đầu năm.

Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Duy Tuân cho biết, có nhiều yếu tố để lý giải động thái bán ròng của khối ngoại.Trước hết, hiện nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đang trong giai đoạn cơ cấu lại danh mục tài sản đầu tư, mỗi quỹ đều có chiến lược riêng nên dẫn đến việc bán ròng hay mua ròng trên thị trường. Thứ 2, nhà đầu tư nước ngoài đánh giá việc bầu tổng thống mới tại Malaysia có quá nhiều rủi ro về mặt chính trị, nên đã rút mạnh dòng vốn ra khỏi thị trường này và ít nhiều đã có tác động phần nào lên thị trường Việt Nam. Và cuối cùng thị trường đã tăng vượt mức kỳ vọng theo đánh giá của khối ngoại nên đây là thời điểm họ chốt lời.

Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng, việc đảo chiều của dòng vốn ngoại là do lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao kéo dòng vốn khỏi các thị trường mới nổi và cận biên trong đó có thị trường Việt Nam. Tác động tiêu cực từ thị trường chứng khoán thế giới cũng là nhân tố ảnh hưởng tới thị trường trong giai đoạn này.

Lạ: Khối ngoại bán ra 600 tỉ đồng chỉ trong một ngày - 1

Tính riêng ngày 22-5, khối ngoại đã bán ròng hơn 600 tỉ đồng, mức bán mạnh nhất trong nhiều phiên, và cũng đồng thời đẩy phiên giao dịch của thị trường tràn ngập trong sắc đỏ.

“Việc bán vốn của các doanh nghiệp lớn, như Vinhomes, hay Techcombank, là những cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn buộc các quỹ phải cơ cấu danh mục bằng việc thoái vốn các cổ phiếu khác để chuẩn bị nguồn lực mua vào các cổ phiếu trên”, ông Khánh nói.

Trong góc nhìn về việc vốn ngoại bán ròng, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tich HĐQT Công ty cổ phần chứng khoán SSI, cho biết, dòng vốn ngoại vào vì các nhà đầu tư nghĩ rằng đây là cơ hội kiếm tiền, tiêu tiền hiệu quả do bệ đỡ từ nền kinh tế đang tăng trưởng. Còn người ta ra khi cảm thấy những thị trường khác tốt hơn. Không có nhà đầu tư nào vào thị trường chứng khoán là sẽ vào mãi. Nền kinh tế thế giới luôn có chu kỳ, tăng trưởng rồi có lúc sẽ thoái trào và lại tăng trưởng. Chứng khoán cũng vậy.

“Trước đây, các yếu tố dễ tác động lên thị trường chứng khoán như nợ xấu, nợ quá hạn, ngân hàng mất thanh khoản, nhưng hiện giờ những cản ngại ấy là không có. Nhưng vì đang là điểm đến tốt cho dòng vốn nước ngoài, mà nếu bị phụ thuộc vào nó, rủi ro cho thị trường chứng khoán Việt Nam nằm chính ở thị trường thế giới” ông Hưng nói.

Vốn ngoại tiếp tục ở lại?

Nhìn những chỉ dấu gần đây cho thấy dòng tiến ngoại vẫn chọn thị trường Việt Nam là điểm đến đầu tư tốt. Trước hết, phải kể đến vốn ngoại đã xuống tiền tỉ USD vào cổ phiếu VHM, và khả năng tiếp theo là sự hào hứng cho cổ phiếu Techcombank. Nhìn riêng lẻ các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn trên thị trường chứng khoán, như VIC, VRE, HPG, VNM, GAS, SAB,… các nhà đầu tư nước ngoài đang bán ròng trong ngắn hạn nhưng tính chung thì họ vẫn mua ròng.

Trong một thống kê gần đây của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho thấy, lượng vốn góp thông qua M&A của nhà đầu tư nước ngoài trong 4 tháng đầu năm 2018 đạt 2,26 tỉ USD, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, nhìn về một loạt các chỉ số kinh tế hiện nay thì thấy triển vọng hết sức lạc quan. Trước đây tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên khoáng sản, hiện nay đã chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tích cực, tức dựa nhiều hơn vào công nghệ tiên tiến và năng suất, dịch vụ. Đó là yếu tố nền tảng cho phát triển bền vững.

Có thể thấy, GDP tăng trưởng nhưng nợ xấu không tăng, tỷ giá trong vòng kiểm soát. Trước đây kinh tế tăng trưởng là kèm với lạm phát và lãi suất rất cao.

Chính phủ đang có nhiều chính sách sát đúng về tài chính - tiền tệ, trong đó có cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu, hài hòa giữa chính sách tiền tệ và tài khóa; cổ phần hóa hầu hết doanh nghiệp nhà nước, giảm thiểu việc Nhà nước can thiệp vào việc kinh doanh, trao vai trò kinh doanh cho tư nhân và coi việc phát triển kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Tất cả những điều đó tạo ra sự minh bạch và gia tăng niềm tin cho các nhà đầu tư. Một khi niềm tin có cơ sở thì các nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư vào kinh doanh, mua cổ phiếu.

Theo ông Nguyễn Duy Tuân, việc bán ròng của khối ngoại trong giai đoạn hiện nay chỉ mang tính chất ngắn hạn, và trong thời gian đến dòng tiền ngoại vẫn kỳ vọng đổ vào vì sắp đến nhiều thương vụ cổ phần hóa, bán vốn tại các công ty nhà nước có tiềm năng tăng trưởng tốt sẽ được tiến hành. Với việc nhiều sản phẩm đầy chất lượng lên sàn thì sẽ làm tăng tính hấp dẫn, tăng cơ hội đầu tư cho dòng vốn ngoại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Minh (Pháp luật TPHCM)
Tin chứng khoán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN