Kiểm tra chuyên ngành 'ngốn' 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỷ

Sự kiện: Kinh Doanh

Trước thực trạng một năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công với chi phí 14.300 tỷ đồng cho việc kiểm tra chuyên ngành, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị các bộ, ngành có trách nhiệm, khẩn trương tháo gỡ “điểm nghẽn” trên để giảm “gánh nặng” cho doanh nghiệp.

Kiểm tra nhiều, nhưng vi phạm chẳng thấy đâu

Sáng 21/8, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với 11 bộ, ngành về các nhiệm vụ Chính phủ giao liên quan đến việc kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, cả nước hiện có 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Trong khi đó, thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung tương (CIEM) cho thấy, một năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công với chi phí 14.300 tỷ đồng cho việc kiểm tra chuyên ngành.

Đi vào các quy định cụ thể, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc dẫn chứng, trong Luật An toàn thực phẩm (ATTP) quy định chỉ kiểm dịch thú y đối với thực phẩm tươi sống, do vậy việc các cơ quan áp dụng kiểm dịch cả với thực phẩm đóng gói sẵn là không phù hợp. Từ đó, ông Lộc đề nghị bãi bỏ quy định trên.

Kiểm tra chuyên ngành 'ngốn' 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỷ - 1

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng.

Tuy nhiên, Cục trưởng ATTP (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho hay, Luật ATTP không quy định kiểm dịch nhưng trong Luật Thú y lại quy định. “Bộ Y tế không thể bắt Bộ NN&PTNT không thực hiện, vì vướng Luật Thú y nên không dám bỏ”, ông Phong nhấn mạnh.

Còn để thực hiện hậu kiểm, ông Phong cho rằng, phải có 2 yếu tố là ý thức chấp hành pháp luật và vai trò của lực lượng quản lý. “Ở Nhật Bản làm gì có bơm tạp chất vào tôm, làm gì có rau 2 luống, lợn 2 chuồng, làm gì có lợn xề thành thịt bò…”, ông Phong dẫn chứng và cho rằng Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp là đúng nhưng nếu quy định không phù hợp sẽ phải chịu hậu quả.

Nghe thế, cả Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM đều không hài lòng. “Nếu quy định kiểm tra của Bộ Y tế tốt như thế thì doanh nghiệp đã chẳng phải kêu lên tận Chính phủ. Mình không đặt vấn đề mở cửa, thả cửa không kiểm soát cho dịch bệnh, cho thực phẩm mất an toàn vào nhưng phải quyết tâm ngăn chặn việc kiểm tra chồng chéo, rồi kiểm tra thì nhiều nhưng phát hiện vi phạm thì lại không thấy. Anh nói anh làm nhiều, thì anh phát hiện ra bao nhiêu phần trăm vi phạm? Anh công bố cho báo chí đi. Tôi nói quan trọng nhất là mình rà soát lại để xem cái gì cắt bỏ được thì cắt cho doanh nghiệp bớt khổ, cái gì chưa cắt, chưa sửa được ngay thì trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng góp ý.

Kiểm tra chuyên ngành 'ngốn' 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỷ - 2

Thủ tục kiểm tra chuyên ngành chồng chéo gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Ảnh: Minh Họa.

Một mặt hàng chocolate cần 13 loại giấy phép

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng hiện nay vẫn còn tình trạng, nhiều bộ, ngành độc quyền trong đánh giá sự phù hợp của sản phẩm. “Nhiều hàng hóa nhập khẩu của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới nhưng chúng ta vẫn kiểm tra chuyên ngành và kiểm tra theo cách thủ công. Có tình trạng bộ chỉ giao 1 cơ quan trên cả nước thực hiện giám định, khiến chi phí cho doanh nghiệp đội lên rất lớn do vận chuyển hàng từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc chỉ để kiểm tra, giám định”, ông Dũng nói.

Ông Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra thực tế “kiểm tra rất nhiều nhưng tỉ lệ phát hiện vi phạm rất thấp”. Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, thủ tục kiểm tra chuyên ngành chiếm tới 50% thời gian thông quan, nhiều lô hàng Hải quan kiểm tra rồi nhưng không thông quan được, thậm chí 3 tháng sau bộ chuyên ngành mới tới kiểm tra, nay một thủ tục, mai một thủ tục.

“Một mặt hàng chocolate cần 13 loại giấy phép. Mặt hàng sữa chua vừa phải kiểm dịch theo Bộ NN&PTNT, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm theo Bộ Y tế. Kén tằm, hạt hướng dương cũng phải hai bộ, mà cứ chẻ ra như thế thì không ổn. Các bộ không bao giờ đi cùng nhau, “đợi ông kia về tôi mới đi”. Rất nhiều vấn đề thực tế như thế, chúng ta phải xử lý”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dẫn chứng.

Ông Dũng cũng nêu ra thực tế là vẫn còn tình trạng, một mặt hàng nguyên liệu sản xuất bánh kẹo phải thực hiện theo bốn văn bản của Bộ NN&PTNT gồm ba thông tư và một quyết định của bộ trưởng. Một giống cây trồng cũng phải theo ba thông tư.“Như vậy có hợp lý không? Tôi nghĩ doanh nghiệp làm lần đầu chắc như vào rừng, mò mẫm đến hết đêm cũng không làm được”, Tổ trưởng Tổ công tác nói.

Từ đó ông Dũng cho biết, thời gian tới cần phải khắc phục cho được tình trạng một mặt hàng do nhiều bộ kiểm tra chuyên ngành.

“Tổ công tác sẽ đề xuất, 1 mặt hàng, 1 bộ chủ trì kiểm tra và chịu trách nhiệm để giảm bớt, để tránh tình trạng bộ này về thì bộ kia đến… Làm được như thế này thì giảm rất nhiều thời gian, chi phí, tiền bạc cho doanh nghiệp”.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Kiên (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN