Một mặt hàng nhưng nhiều bộ, ngành cùng kiểm tra chồng chéo

Sự kiện: Kinh Doanh

Việc nhiều bộ, ngành áp dụng cùng lúc nhiều chế độ, phương thức quản lý khác nhau đối với một mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm giảm năng lực cạnh tranh mà còn gây lãng phí ngân sách nhà nước.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa giao các bộ liên quan phối hợp với cơ quan chức năng rà soát, thống nhất Danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành theo hướng không chồng chéo.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ KH&CN, Y tế, NN&PTNT theo chức năng, nhiệm vụ được phân công phải phối hợp với cơ quan chức năng rà soát thống nhất Danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành theo hướng không chồng chéo đối với cùng một mặt hàng phải qua kiểm tra của nhiều cơ quan.

Phó Thủ tướng cũng giao các Bộ quản lý chuyên ngành liên quan khẩn trương ban hành Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan theo đúng Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 của Chính phủ.

Một mặt hàng nhưng nhiều bộ, ngành cùng kiểm tra chồng chéo - 1

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu không kiểm tra chuyên ngành chồng chéo đối với một mặt hàng.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ trên phối hợp với bộ Công Thương, Tài chính, Tư pháp và cơ quan liên quan rà soát, làm rõ căn cứ pháp lý và mục đích yêu cầu của từng loại giấy tờ kiểm tra chuyên ngành. Trường hợp xác định loại chứng từ có tên gọi khác nhau nhưng bản chất nội dung kiểm tra tương tự nhau thì sửa đổi, điều chỉnh theo hướng thống nhất dùng một loại chứng từ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Trước đó, để thống nhất việc đổi mới kiểm tra chuyên ngành phù hợp theo hướng giảm các loại giấy tờ, chứng nhận nhưng vẫn bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, đầy đủ các chỉ tiêu, yêu cầu cần thiết về chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch, môi trường, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ Tài chính rà soát các mặt hàng xuất nhập khẩu hiện đang phải thực hiện cùng lúc nhiều thủ tục, cấp nhiều chứng từ kiểm tra chuyên ngành.

Theo báo cáo Bộ Tài chính, văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành nhiều nhưng có lĩnh vực chưa đầy đủ, còn có sự chồng chéo trong quản lý và kiểm tra chuyên ngành. Nhiều mặt hàng nhập khẩu phải đồng thời chịu nhiều hình thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành do một bộ hoặc nhiều bộ quy định. Chẳng hạn, mặt hàng sữa chua, pho mat phải chịu sự quản lý và kiểm tra chuyên ngành của hai bộ, vừa phải kiểm dịch động vật, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm.

Hay như các giống cây trồng, gạch, đá, kính phải kiểm tra chất lượng và cấp Giấy chứng nhận hợp quy; trang thiết bị y tế, thuốc, nguyên liệu sản xuất thuốc... vừa xin giấy phép nhập khẩu, vừa kiểm tra chất lượng. Thậm chí mặt hàng phân bón phải chịu 3 loại quản lý/kiểm tra, gồm giấy phép nhập khẩu tự động, kiểm tra chất lượng, chứng nhận hợp quy.

Bên cạnh đó, có trường hợp một mặt hàng nhưng lại chịu nhiều hình thức quản lý của cùng một bộ quản lý chuyên ngành. Ví dụ mặt hàng kén tằm vừa phải kiểm dịch động vật và kiểm dịch thực vật; thịt và các sản phẩm từ thịt vừa phải kiểm dịch động vật, kiểm tra chất lượng, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bộ Tài chính cho rằng việc nhiều bộ, ngành áp dụng cùng lúc nhiều chế độ, phương thức quản lý khác nhau đối với một mặt hàng  xuất khẩu, nhập khẩu không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm giảm năng lực cạnh tranh và mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; làm phát sinh thủ tục hành chính, kéo dài thời gian thông quan, tăng biên chế của cơ quan quản lý, lãng phí ngân sách nhà nước mà đôi khi còn gây khó khăn cho chính cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thông quan hàng hóa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Kiên (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN