Hỗ trợ không hẳn chỉ là tiền

Sự kiện: Kinh Doanh

Tư tưởng của dự Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa là hỗ trợ người đi hỗ trợ, không phải "mang tiền đưa cho từng doanh nghiệp".

Sáng 6-6, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm chủ đề: "Doanh nghiệp (DN) được hưởng gì từ Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa". Trong đó, nội dung chính là làm rõ những thắc mắc xung quanh vấn đề nguồn lực, cách thức hỗ trợ cho khối DN này.

Tiền đâu "vãi" ra cho đủ!

Cho rằng nếu dự luật ra đời thì sẽ là "món quà quý cho cộng đồng DN", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nhấn mạnh nét lớn nhất là dự luật đã xác định được nhóm đối tượng hỗ trợ. Cụ thể, hỗ trợ những dịch vụ cơ bản mà DN nào cũng cần; các chương trình hỗ trợ cụ thể để bảo đảm trọng tâm, trọng điểm phù hợp từng thời kỳ; hỗ trợ phát triển cụm liên kết ngành, tạo chuỗi giá trị bền vững cho sản phẩm. "Tư tưởng của luật này là hỗ trợ người đi hỗ trợ. Có ý kiến hình dung đến những khoản tiền mặt hỗ trợ DN cụ thể thì tôi khẳng định là không bao giờ có chuyện đó" - ông Đông chia sẻ.

Hỗ trợ không hẳn chỉ là tiền - 1

Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được hỗ trợ nhiều Ảnh: Tấn Thạnh

Thứ trưởng Đông cho biết cách tiếp cận của cơ quan soạn thảo khi xây dựng luật là đi theo nhu cầu của DN, đánh giá cái thiếu và yếu là gì để tìm phương án hỗ trợ. "Ngay giai đoạn đầu thảo luận luật, mọi người đưa ra ý kiến là lấy tiền đâu ra? Chuyên gia kinh tế cũng nói 97% DN hoạt động trên cả nước là DN nhỏ và vừa thì lấy đâu ra tiền mà vãi ra cho đủ? Họ hiểu là luật này có khoản tiền đưa ra cụ thể nhưng việc này là không phải, không có nước nào làm được hết. Chúng ta làm bằng cách nhận diện nhóm thông tin cụ thể nào đó còn thiếu thì nhà nước sẽ hỗ trợ để DN có đủ thông tin, từ đó có chiến lược kinh doanh" - ông Đông giải thích.

Làm sao để dung hòa các luật?

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đạo luật khó thực hiện bởi nó hướng tới hỗ trợ DN nhỏ và vừa, trong khi đó, hệ thống các luật kinh tế chúng ta, như: Luật Đầu tư, Luật DN, các luật liên quan đến lĩnh vực khoa học công nghệ… đều có liên quan đến DN nhỏ và vừa. "Khi bàn hỗ trợ DN nhỏ và vừa thì ai cũng nhất trí nhưng khi động đến những luật có liên quan thì tôi cảm nhận các cơ quan hữu quan không muốn luật này làm thay đổi những quy định hiện hành. Cái khó là anh muốn đột phá nhưng không muốn thay đổi" - ông Phúc nêu băn khoăn.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông lý giải thêm về một số quy định liên quan đến khuyến khích hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa. Ví dụ, vấn đề còn gây "hiểu nhầm" hiện nay là quy định ngân hàng (NH), tổ chức tín dụng (TCTD) tăng dư nợ cho vay với DN nhỏ và vừa. "Tôi khẳng định thông điệp đưa ra là áp đặt khu vực NH, TCTD phải cho DN nhỏ và vừa vay là chưa bao giờ có. Chúng tôi khuyến khích các NH, TCTD cố gắng đạt tối thiểu 30% dư nợ tín dụng trong hệ thống cho khối DN nhỏ và vừa. Nếu đạt thì NH nhà nước có thể khen thưởng, cấp bù lãi suất" - ông Đông nói.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh NH là DN đặc thù, có giấy phép hoạt động, được phép huy động vốn của xã hội thì cần có trách nhiệm và hướng tới 97% DN nhỏ và vừa. Chưa kể đến, thống kê cho thấy tỉ lệ nợ xấu thuộc DN nhỏ và vừa, NH xã hội cho người nghèo vay chỉ dưới 1,5%, lúc cao điểm nhất là 2% nhưng đẩy cho nợ xấu NH lên mức nặng nhất là nhóm "đại gia" thuộc 2 thành phố lớn và đại gia khu vực bất động sản nên không thể "đổ" tại DN nhỏ và vừa được.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa, cũng lưu ý NH được hưởng đặc quyền lớn từ chính sách nên phải có trách nhiệm với cộng đồng DN. Theo đó, không chỉ làm thế nào cho DN "đạt chuẩn" tiếp cận vốn với NH bởi điều này dẫn đến không công bằng mà phải làm sao để NH "đạt chuẩn" với DN. 

Doanh nghiệp "chết" là bình thường

Ông Nguyễn Văn Phúc đánh giá quan điểm "hỗ trợ người đi hỗ trợ" là rất hay. Nếu dự luật đi vào được đời sống thì mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020 như Chính phủ đề ra có thể đạt được. Tất nhiên, cần lưu ý số lượng DN "chết" đi so với DN thành lập mới để đánh giá thêm. Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng DN "chết" đi là bình thường và tình trạng này không ở riêng Việt Nam, không hẳn có lỗi tất cả từ môi trường kinh doanh.

"Luật ra đời góp thêm động lực sớm đạt mục tiêu 1 triệu DN. Khi đó, ta đạt tỉ lệ 90 người/DN nhưng vẫn là thấp khi nước phát triển có tỉ lệ 9-10 người và nước trung bình cứ 20-30 người có 1 DN" - ông Đông nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Nhung (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN