Hỗ trợ doanh nghiệp: Vẫn “nóng trên, lạnh dưới”

Sự kiện: Kinh Doanh

Sáng 9/2, tại cuộc họp của Chính phủ để chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ 2 của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, nhiều đại biểu cho rằng, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, kiểm tra quá nhiều vẫn diễn ra.

“Nhiều doanh  nghiệp rất tâm tư khi một năm mà có đến 6- 7 đoàn từ thanh tra, tới kiểm toán, chưa kể các đợt kiểm tra không chính thức”, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phản ánh.

Theo ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2016 ghi nhận lần đầu tiên số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn tăng kỷ lục. Số lượng thành lập mới đạt 110.100 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký hơn 891.000 tỷ đồng, tăng gần 49% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 26.600, tăng hơn 43%. Không khí khởi nghiệp tiếp tục sôi động, riêng tháng 1/2017, số lượng doanh nghiệp mới thành lập đạt gần 9.000, với tổng số vốn trên 90 nghìn tỷ đồng.

Hỗ trợ doanh nghiệp: Vẫn “nóng trên, lạnh dưới” - 1

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị làm rõ tình trạng “nóng trên, lạnh dưới” diễn ra ở đâu.

Yêu cầu nêu rõ địa chỉ “hành” doanh nghiệp

Tuy nhiên, ông Đông cho biết, vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết 35 trong hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Ở một số nơi triển khai nhưng chưa đi thẳng vào nội dung nhiệm vụ, giải pháp, chưa đúng với tinh thần cải cách mà Nghị quyết 35 nêu ra.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì thẳng thắn nhận xét, tình trạng “nóng trên nhưng lạnh dưới” vẫn diễn ra phổ biến khi triển khai thực hiện Nghị quyết 35. “Không khí cải cách “hừng hực” ở cấp Chính phủ, bộ, ngành nhưng địa phương lại lạnh lẽo, chưa lan tỏa tới cấp cơ sở, nhất là các cán bộ công chức hàng ngày tiếp xúc với người dân”, ông Lộc nói và đề nghị, thời gian tới cần làm sao để không khí cải cách lan xuống được cấp chuyên viên, cấp xã, phường, tạo động lực phát triển doanh nghiệp.

“Không khí cải cách “hừng hực” ở cấp Chính phủ, bộ, ngành nhưng địa phương lại lạnh lẽo, chưa lan tỏa tới cấp cơ sở, nhất là các cán bộ công chức hàng ngày tiếp xúc với người dân” 

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

Khảo sát mới đây của VCCI tại 600 doanh nghiệp cho thấy, chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp đánh giá tinh thần phục vụ doanh nghiệp của các bộ, ngành và các tỉnh, thành có thay đổi tích cực so với trước, trên 40% đánh giá có thay đổi nhưng chưa nhiều và có khoảng 30% đánh giá không thay đổi và thay đổi kém tích cực.Trước tình trạng trên, ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Đảng uỷ khối Doanh nghiệp Trung ương đề nghị có giải pháp quyết liệt tiến dần đến mức “trên nóng, dưới ấm, rồi trên nóng dưới nóng và tới 2020 cố gắng trên nóng dưới nóng sốt”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan, đơn vị cần làm rõ tình trạng “nóng trên, lạnh dưới” diễn ra ở đâu, nơi nào. “Bao nhiêu bộ ngành thực hiện cam kết và có chương trình hành động Nghị quyết 35? Ai không làm, ai làm chậm? Phải có địa chỉ cụ thể. Giờ mới có 40 tỉnh có số liệu đăng ký doanh nghiệp với 1,2 triệu doanh nghiệp tới năm 2020 nhưng gần 30 tỉnh khác thì như thế nào?”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề và đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo chi tiết địa chỉ, cụ thể số lượng hơn 110 nghìn doanh nghiệp thành lập mới. “Nếu chỉ công bố chung chung, lãnh đạo nào cũng nhận thành tích về mình cả thì không được”, Phó thủ tướng nói.

Khổ vì thanh tra, kiểm toán quá nhiều

Mặc dù Chính phủ đã có chỉ đạo không thanh tra kiểm toán doanh nghiệp nhiều lần, nhưng theo khảo sát tại 600 doanh nghiệp của VCCI, vẫn còn tình trạng thanh tra 2 lần trở lên/năm. Trong đó, nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra có nội dung giống nhau hoàn toàn hoặc giống nhau một phần.

Theo ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nếu giảm được nhũng nhiễu, thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp thì chắc chắn sẽ tạo sự đổi mới mạnh mẽ. Ông Hà cũng cho rằng, mặc dù Nghị quyết đã nêu rõ không hình sự hoá quan hệ kinh tế, dân sự nhưng thực tế thực hiện chưa được bao nhiêu.

Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, không nên để doanh nghiệp quanh năm phải tiếp thanh tra, kiểm toán. “Tôi thấy nhiều doanh  nghiệp rất tâm tư, một năm mà có đến 6- 7 đoàn từ thanh tra, tới kiểm toán, chưa kể các đợt kiểm tra không chính thức”, ông Tuấn nói và cảnh báo, đây cũng là một dạng chi phí.

Trước tình trạng trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và VCCI đề nghị các cơ quan cần nghiêm túc thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc thanh tra, kiểm tra đối với một doanh nghiệp không quá một lần/năm. Bên cạnh đó cần có hướng dẫn cụ thể việc phối hợp thanh tra liên ngành để đảm bảo đúng tinh thần Nghị quyết, tập trung trong các lĩnh vực nổi cộm trước mắt như thuế, kiểm toán, môi trường, phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng tinh thần phát triển doanh nghiệp không chỉ là “hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn” nữa mà phải là tạo thuận lợi thương mại cho đầu tư, kinh doanh, phù hợp với mong muốn chi phí sản xuất thấp, ít rủi ro về pháp lý của cộng đồng doanh nghiệp. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, địa phương, VCCI xây dựng báo cáo việc thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. 

“Phải đánh giá kỹ hơn bao nhiêu doanh nghiệp đang hoạt động và đăng ký mã số thuế; bao nhiêu doanh nghiệp phát sinh thuế, làm ăn có lãi so với năm 2016”, Phó Thủ tướng nêu rõ và yêu cầu các bộ, ngành đánh giá rõ về lợi nhuận doanh nghiệp tạo ra hàng năm cùng với tiền lương, thu nhập của người lao động để nhận diện rõ sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp. Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục nghiên cứu việc giảm phí BOT.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị làm rõ tình trạng “nóng trên, lạnh dưới” diễn ra ở đâu. “Bao nhiêu bộ ngành thực hiện cam kết và có chương trình hành động Nghị quyết 35? Ai không làm, ai làm chậm? Phải có địa chỉ cụ thể”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Văn Kiên (Tiền Phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN