Đầu tàu kinh tế thức giấc

Sau vài năm tụt lại, TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng đã có bước thăng tiến ngoạn mục trong bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh năm 2013.

Ngày 20/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013. Đây là năm thứ 9 liên tiếp, VCCI thực hiện nghiên cứu này nhằm thúc đẩy cải cách trong công tác điều hành của chính quyền các địa phương trong cả nước.

“Người khổng lồ” chuyển mình

Báo cáo PCI 2013 ghi nhận sự chuyển mình tích cực của các đầu tàu kinh tế khi Hà Nội thăng hạng 18 bậc, từ thứ 51 của PCI 2012 lên thứ 33. TP HCM tăng được 3 hạng, lọt vào top 10 tỉnh, TP có PCI cao nhất cả nước. Trong khi Quảng Ninh vươn lên đứng thứ 4 thì Đà Nẵng trở lại dẫn đầu bảng xếp hạng với 66,45 điểm.

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục duy trì chất lượng điều hành tốt khi có đến 3 tỉnh là Kiên Giang, Đồng Tháp và Bến Tre lần lượt giữ vị trí số 3, 5 và 6 trong bảng xếp hạng. Nhóm tỉnh PCI thấp nhất vẫn thuộc khu vực miền núi phía Bắc, “đội sổ” là tỉnh Tuyên Quang. Miền Trung có tỉnh Thừa Thiên - Huế đứng thứ 2 và Quảng Ngãi đứng thứ 7.

Đầu tàu kinh tế thức giấc - 1

Sau mấy năm tụt hạng, năm 2013, Đà Nẵng trở lại dẫn đầu trong bảng xếp hạng PCIẢnh: HOÀNG DŨNG

Doanh nghiệp khỏe hơn nhờ PCI

Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc, đánh giá sự chuyển mình của những “người khổng lồ” hứa hẹn tạo xung lực mới cho quá trình cải cách nền kinh tế của Việt Nam. TS Lê Đăng Doanh thì cho rằng sự thay đổi thứ hạng của các TP lớn cho thấy thành công của PCI là khiến các địa phương quan tâm hơn đến ý kiến doanh nghiệp (DN). Nhờ đó, các thủ tục được thông thoáng, tạo điều kiện cho DN làm ăn.

“Ba ngày nay, điện thoại của tôi “cháy” vì các địa phương liên tục hỏi thứ hạng PCI. Riêng Hà Nội, ngày 21-3 còn tổ chức hội thảo phân tích về thứ hạng PCI của mình để có giải pháp thúc đẩy năng lực cạnh tranh” - ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, dẫn chứng tác dụng của PCI.

Chỉ mới giảm tham nhũng vặt

Theo ông Đậu Anh Tuấn, vấn đề đáng lo ngại trong công tác điều hành của địa phương được phản ánh qua Báo cáo PCI 2013 là mức độ bình đẳng giữa các thành phần kinh tế chưa cao. Nhiều địa phương vẫn dồn mọi nguồn lực cho DN nhà nước và tập trung thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). DN tư nhân đang rất vất vả để duy trì hoạt động, thể hiện ở tỉ lệ chỉ 6,4% DN tăng quy mô đầu tư, 6,2% DN tăng quy mô lao động.

Đáng lưu ý là chỉ số minh bạch và tham nhũng dù có xu hướng tốt lên nhưng mức độ cải thiện vẫn chưa được như kỳ vọng. Theo kết quả điều tra, có 41% DN tư nhân đánh giá tình trạng nhũng nhiễu khá phổ biến khi giải quyết thủ tục cho DN, xu hướng giảm mới chỉ diễn ra ở “tham nhũng vặt”. Tính năng động, tiên phong của lãnh đạo tỉnh liên tục giảm điểm cũng là vấn đề đáng lo ngại vì đã kéo dài từ năm 2007 đến nay chưa được khắc phục.

Báo cáo PCI 2013 cũng nhấn mạnh DN sẽ tuân thủ pháp luật tốt hơn nếu được tham gia quá trình xây dựng văn bản pháp luật. Có 82% DN không được tham gia góp ý các dự thảo quy định, chính sách. Trong số 18% DN tham gia, gần 2/3 cho biết ý kiến của họ không được cơ quan chức năng trả lời hoặc không dẫn đến những thay đổi thực chất khi ban hành chính sách.

Chuyển giá vì thuế cao, khó dự đoán

Một nội dung lần đầu tiên được đề cập trong báo cáo PCI 2013 là “giải mã” hoạt động chuyển giá của các DN FDI. Theo đó, 20% DN FDI được điều tra nói rằng họ đã thực hiện chuyển giá, phổ biến nhất là ở các ngành có nhiều tài sản vô hình (công nghệ độc quyền).

Kết quả điều tra cho thấy 81,3% DN trong nhóm đạt lợi nhuận 20% thực hiện chuyển giá và 58,7% DN ở nhóm lỗ từ 5% doanh thu trở xuống cũng làm việc này. Nguyên nhân thúc đẩy chuyển giá được cho là vì chính sách thuế cao và khó dự đoán.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tô Hà (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN