Chứng khoán sáng 16/7: Cầu đã suy yếu

Áp lực bán đã gia tăng sáng nay, trong khi cầu yếu đi rõ rệt. Chỉ còn một số cổ phiếu nhỏ vẫn trụ lại được ở mức giá cao nhất.

Cả hai sàn không còn duy trì được độ rộng ở mức độ tích cực cho đến nửa sau của phiên buổi sáng. Số cổ phiếu giảm giá đã tăng lên rất nhanh và một mức thanh khoản thấp đã cho thấy có dấu hiệu yếu đi của cầu. HSX ghi nhận tới 102 mã giảm giá và 15 mã sàn, tương phản với 20 mã trần và 54 mã tăng giá. HNX cũng có 111 mã giảm, 23 mã sàn, so với 21 mã trần và 36 mã tăng.

Rất dễ để nhận thấy đa số cổ phiếu tăng giá và nhất là số mã kịch trần đều là các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và thanh khoản thấp. Thống kê nhanh có thể thấy 3/4 số mã CE tại HSX có mức thanh khoản dưới 10.000 cổ phiếu. Một số có lượng giao dịch tương đối nhiều như VPK, DLG hay SBS thì đều có thị giá thấp. Do đó khối lượng chặn mua tuy có thể tới vài trăm ngàn đơn vị, nhưng quy mô giá trị thực sự bỏ ra lại không cao. HNX thậm chí còn rõ hơn với hàng loạt giao dịch với khối lượng tối thiểu ở giá trần.

Thanh khoản quá thấp thường dẫn đến những biến động cực đoán ở giá trần hoặc sàn. Các giao dịch như vậy đã trở thành quen thuộc, và do đó độ rộng của cả hai sàn hôm nay nhìn chung là tiêu cực. Số lượng cổ phiếu giảm giá tăng lên và rất nhiều mã thanh khoản lớn, vốn hóa cao rơi vào trạng thái bị bán mạnh.

Chứng khoán sáng 16/7: Cầu đã suy yếu - 1

HNX-Index dao động yếu dần do cầu suy giảm đáng kể.

Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn cũng là con số đáng chú ý. HSX sáng nay chỉ còn 333,4 tỷ đồng, giảm 27% so với cuối tuần trước. HNX giảm 35%, còn 162,2 tỷ đồng. Mức giảm này có thể nhìn ở góc độ tích cực một chút là phiên cuối tuần trước, thanh khoản đột biến cao. Giao dịch sáng nay đã trở lại bình thường nên đương nhiên mức giảm phải lớn. Nếu so với mặt bằng của những phiên đầu tuần trước thì thanh khoản cũng không phải là quá xấu.

Dao động của cả hai sàn là khá mạnh trong buổi sáng, trải qua đủ các cung bậc với khá nhiều sóng, nhưng chủ yếu vẫn là tăng trước giảm sau. Các Index chốt buổi sáng đều ở sát mức đáy. VN-Index giảm khoảng 0,84% so với đỉnh cao nhất và HNX-Index giảm 1,09%.

Nhóm cổ phiếu lớn của HSX giảm tương đối mạnh là một trong những nguyên nhân khiến VN-Index điều chỉnh lớn. VN30-Index đang giảm 0,57% so với tham chiếu (VN-Index giảm 0,41%) nhưng so với mức đỉnh đã giảm 0,92%. Hai trụ cột quan trọng là VCB lại đang đứng tham chiếu và GAS còn tăng nhẹ 0,26%. Như vậy áp lực giảm của VN30 lại đến từ nhiều mã “truyền thống” khác như BVH, VNM, PVF, FPT, GMD, PVD, VIC, SSI…

Trên HNX, trừ ACB bất ngờ tăng, các cổ phiếu đầu cơ quan trọng khác đều mất giá. VND giảm 1,94%, PVX giảm 1,05%, KLS giảm 1,04%, BVS giảm 3,2%, VCG giảm 0,9%, SHB giảm 1,16%, HBB giảm 2,08%, PVA giảm 3,45%...

Tình trạng tăng giá ở các cổ phiếu vừa và nhỏ như đã nói ở trên không đủ sức chi phối thị trường, cả về điểm số lẫn tâm lý. Nhà đầu tư nắm giữ những cổ phiếu tăng giá sáng nay có thể vui mừng, nhưng nếu áp lực giảm giá tiếp tục được duy trì trên diện rộng, nhất là ở nhóm thanh khoản lớn thì tính đầu cơ có thể tạo ra những thay đổi khó lường.

Việc thị trường điều chỉnh trong phiên đầu tuần không hẳn là bất ngờ, nhưng mức độ điều chỉnh hơi cao và khá rộng chứng tỏ áp lực bán đã gia tăng không phải mang tính cá biệt. Khối lượng hàng đồng loạt tăng lên phản ánh tâm lý ăn non hoặc cắt lỗ là phổ biến. Đây là biểu hiện của dòng vốn đầu cơ đánh nhanh rút gọn. Nếu sức mua tăng lên khi người cầm tiền nhận thấy cơ hội mua rẻ thì cung cầu có khả năng tìm được mức cân bằng. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lan Ngọc ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN