Anh rời khỏi EU: Vàng, USD phi mã, chứng khoán lao đao

Ngay sau thông tin Anh rời khỏi EU (Brexit) do kết quả kiểm phiếu sơ bộ của cuộc trưng cầu dân ý đang nghiêng về nhóm ủng hộ Brexit, thị trường chứng khoán, tiền tệ, vàng toàn cầu ngay lập tức phản ứng. Tại Việt Nam giá vàng nhảy múa hỗn loạn, tỷ giá tức thì vọt tăng rồi cuối ngày lại hồi, chứng khoán sau sắc đỏ bán tháo lại chuyển xanh.

“Nhảy”cùng giá thế giới

Chỉ trong buổi sáng, mỗi ounce vàng thế giới có lúc tăng cả trăm USD, khiến giá vàng SJC trong nước được điều chỉnh hỗn loạn. Giá USD cũng vọt tăng thêm 80 đồng lên 22.380 đồng/USD trên cả liên ngân hàng lẫn tự do. Trong sáng qua, giá vàng với kỷ lục 65 lần điều chỉnh giá trên bảng điện tử. 

Mức chốt giá SJC 35 - 35,3 triệu đồng/lượng vào hồi 11 giờ cao hơn khi mở cửa tới 1,5 triệu đồng, được xem là giá cao nhất của thị trường vàng trong nước 10 tháng qua. Tuy nhiên, sang chiều, giá vàng lại quay đầu giảm cho đến cuối ngày chỉ còn 35 triệu đồng/lượng.

Trước đây, mỗi lần giá vàng trong nước biến động mạnh, người dân thường đổ xô đến các cửa hàng vàng giao dịch. Tuy nhiên, các cửa hàng vàng trên “phố vàng” Trần Nhân Tông với các cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý, PNJ, Doji,... không quá đông khách. Chiều 24/6, tại phố Hà Trung (Hoàn Kiếm, Hà Nội), người mua vàng ảm đạm.

 Khách hàng tập trung ở 1 vài cửa hàng quen thuộc, khách vãng lai hầu như không có. “Giá vàng tăng nên nhiều người đến tham khảo giá, đợi vàng tăng hơn nữa mới bán ra. Lượng người mua vào rất ít”, chị Minh Thu, chủ 1 tiệm vàng trên phố Hà Trung cho biết. Bà Lê Thúy Hằng, Giám đốc Cty SJC miền Bắc cũng thừa nhận, giao dịch trong ngày có biến động nhưng không đột biến, người dân tranh thủ bán ra kiếm lời thay vì mua vào khi giá cao.

Nhận định của Công ty Chứng khoán Vietcombank, độ nhạy của tỷ giá với các tin tức tiêu cực từ thị trường thế giới sẽ tăng lên đáng kể. Nhiều khả năng tỷ giá sẽ biến động mạnh trở lại sau sự kiện Anh rời EU. Trả lời phóng viên, chiều 24/6, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước  cho hay, đang bám sát diễn biến thị trường để có những biện pháp can thiệp và ổn định cần thiết nếu cần.

Liên quan đến thị trường tiền tệ và chứng khoán, phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần lớn cho hay, vào buổi sáng phản ứng trước thông tin đồng bảng Anh rớt giá kỷ lục, trên thị trường liên ngân hàng, lập tức giá USD vọt tăng. Tính đến cuối giờ trưa, giá USD đã cộng thêm tới 80 đồng lên đến 22,380 đồng/USD so với ngày hôm trước. Lập tức Ngân hàng Nhà nước phát đi thông điệp tới tất cả các ngân hàng để bám sát nhu cầu ngoại tệ và diễn biến lãi suất tiền đồng. 

“Cũng may nhờ cầu ngoại tệ thấp nên đến chiều giá đã dịu lại, chốt cuối ngày chỉ còn 22.330 đồng/USD”, vị lãnh đạo này cho biết. Trên thị trường tự do, một đại lý báo giá đóng cửa là 22.380 đồng/USD “giá có nhỉnh hơn nhưng lượng mua không nhiều, còn đồng bảng Anh tuyệt đối không có giao dịch”, đại lý này nói.

Cùng trong phiên giao dịch sáng này, khi kết quả sơ bộ về cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời EU được công bố, thị trường chứng khoán ngay lập tức chìm trong sắc đỏ, nhà đầu tư nháo nhào bán ra. Vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam “bốc hơi” 50.000 tỷ đồng trong buổi sáng. Rất may đến chiều sắc xanh đã quay trở lại.

Anh rời khỏi EU: Vàng, USD phi mã, chứng khoán lao đao - 1

Giá vàng đã được điều chỉnh 65 lần trong ngày 24/6.

Có nên mua vàng, USD lúc này?

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Quốc Quýnh, Thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam phân tích, thời điểm chưa kiểm phiếu việc Anh rời khỏi EU khiến cho các thị trường trên thế giới, bao gồm thị trường chứng khoán, tiền tệ, vàng, hàng hóa đều biến động mạnh mẽ ngày 24/6. Theo đó, thị trường vàng thế giới biến động mạnh đã khiến giá vàng tại Việt Nam cũng biến động theo. 

Đó là hiện tượng có lẽ nhiều người đã đoán trước. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Anh cũng đã có động thái tác động kịp thời khiến giá vàng thế giới quay đầu giảm, đồng USD tăng giá trở lại. Vì vậy, giá vàng trong nước cũng quay đầu giảm theo. Về lâu dài, theo ông Quýnh, giá vàng trong nước khó có khả năng tăng đột biến, vì cơ bản giá vàng trong nước không liên thông với quốc tế. Sự tăng giá tạm thời chỉ do tâm lý của thị trường.

Theo ông Quýnh, lúc này nhà đầu tư nên thận trọng chờ đợi quyết định để có xu hướng rõ nét. Tốt hơn hết là đứng ngoài quan sát. Đối với thị trường chứng khoán, vốn nhạy cảm với những yếu tố bất ngờ, sẽ là tâm điểm của những phản ánh tiêu cực. Với đặc thù của thị trường Việt Nam, điều này là sự cộng hưởng của các yếu tố về tăng trưởng, tỷ giá, lãi suất, nợ công… có thể dẫn tới sự hoảng loạn khó lường của nhà đầu tư. 

Còn giới nhà băng lúc này đang  tỏ ra hết sức thận trọng và dõi theo từng bước của thị trường tài chính. Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại nhà nước, dù trong rổ tiền tệ của các nhà băng, đồng Bảng Anh không chiếm nhiều và doanh nghiệp không có vay mượn đồng Bảng nhưng lâu dài, đồng tiền Anh mất giá, Euro mất giá, sẽ kéo theo quan ngại USD tăng giá.

Không tác động nhiều đến kinh tế Việt Nam

Đánh giá về việc nước Anh sẽ rời EU (Brexit), ông Lương Văn Khôi, Trưởng Ban Kinh tế thế giới thuộc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội Quốc gia (Bộ KH&ĐT) cho rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ không bị tác động nhiều. Tác động lớn nhất của Brexit đến thị trường tài chính toàn cầu, và các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản. Từ đó, một phần tác động gián tiếp tới Việt Nam (vì các đối tác xuất khẩu chính của Việt Nam là nước phát triển).

Theo ông Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và dự báo của Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội Quốc gia, Brexit tác động tiêu cực nhưng không đáng kể tới nền kinh tế Việt Nam. Hiện, nước Anh có khoảng 222 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký  4,4 tỷ USD, xếp thứ 15 trong 105 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Vốn đầu tư của Anh tập trung vào bất động sản và chế biến. Xuất khẩu của Việt Nam sang Anh chỉ chiếm 3% tổng giá trị kim ngạch, nhập khẩu khoảng 1%. 

Quỳnh Nga

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Huyền - Ngọc Mai - Quỳnh Nga (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN