Xã hội hóa y tế: Lợi lớn nếu làm có tâm, có đức
Sau vụ “nhân bản kết quả xét nghiệm” ở Hà Nội, nhiều người dân băn khoăn về các dịch vụ xã hội hóa trong bệnh viện. Liệu máy móc xã hội hóa có khiến các bác sĩ lạm dụng xét nghiệm?
Có máy móc hiện đại nhờ xã hội hoá
Sau khi có chủ trương xã hội hóa của Bộ Y tế (năm 2007), rất nhiều bệnh viện đã liên doanh liên kết với các doanh nghiệp mua các máy móc hiện đại, chia lợi nhuận theo tỷ lệ bệnh viện 60%, doanh nghiệp 40% (hoặc 70-30).
Do mức viện phí chưa tính đến tiền đầu tư, khấu hao máy móc nên giá dịch vụ của máy xã hội hóa thường cao hơn giá do Bộ Y tế quy định. Chính vì vậy, thời gian qua, rất nhiều vụ việc khuất tất của ngành y tế có liên quan đến máy móc xã hội hóa.
Bệnh nhân sẽ được hưởng lợi nếu cán bộ y tế làm đúng, có tâm, có đức (ảnh minh họa).
Tuy nhiên, nhìn một cách toàn diện thì nếu không có máy móc xã hội hóa thì bệnh nhân không thể tiếp cận được dịch vụ kỹ thuật cao. TS Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, các máy móc hiện đại đều có giá vài chục tỷ đồng, ngân sách nhà nước chưa đủ để đầu tư.
Nhưng nhờ xã hội hóa y tế mà hiện bệnh viện đã có hệ thống labo xét nghiệm sinh hóa hiện đại nhất khu vực châu Á, trị giá 2 triệu USD.
“Trước đây, các khối u não đều phải phẫu thuật mở, 10 ca tử vong 7- 8, còn hiện nay với kỹ thuật ưu việt của dao gamma, bệnh viện đã thực hiện hơn 3.000 ca mà chưa xảy ra ca tử vong nào. Nếu không có máy xã hội hóa thì đến bao giờ người dân mới được hưởng chất lượng dịch vụ y tế cao như vậy?” - TS Anh nói.
Cân nhắc lợi ích bệnh viện - bệnh nhân
TS Nguyễn Quốc Anh khẳng định: “Những vụ việc sai trái có liên quan đến máy móc xã hội hóa không phải do chủ trương hay máy móc mà chính là con người làm nên. Nếu triển khai đúng, có tâm, có đức thì người bệnh sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ máy xã hội hóa”.
Theo TS Nguyễn Quốc Anh, mỗi ca phẫu thuật bằng dao gamma quay ở Mỹ có giá 25.000USD, nhưng ở Bệnh viện Bạch Mai chỉ có giá hơn 2.000USD (45 triệu đồng). |
Muốn làm được điều đó thì người đứng đầu phải sát sao quản lý, có chế tài giám sát không chỉ xét nghiệm mà cả đơn thuốc. Bệnh viện cũng phải có hội đồng y khoa để đề ra các phác đồ điều trị cụ thể, quy định rõ người bệnh có triệu chứng gì mới được thực hiện các kỹ thuật cao.
Các trưởng khoa sẽ phải chịu trách nhiệm về vấn đề đó. Ví dụ máy chụp cắt lớp 64 dãy của Nhà nước đầu tư sẽ chụp cho các bệnh nhân có nhịp tim dưới 80 lần/phút. Nhưng nhịp tim trên 80 thì phải chụp bằng các máy xã hội hóa 256 dãy. Các bác sĩ sẽ căn cứ vào các tiêu chí cụ thể để chỉ định thì sẽ không thể lạm dụng.
Trong đợt kiểm tra thực hiện viện phí mới của 7 tỉnh thành cuối tháng 8 vừa qua, ông Lê Văn Phúc - Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, tại một số tỉnh, bệnh nhân khi chiếu chụp bằng máy xã hội hóa như máy cộng hưởng từ (Hải Dương) và chụp cắt lớp 128 dãy (Thái Bình) không phải trả tiền chênh lệch.
Điều đó chứng tỏ không phải cứ máy xã hội hóa là giá phải cao hơn so với mức viện phí do Bộ Y tế quy định. Quan trọng là tỉnh đó, bệnh viện đó cân nhắc giữa lợi ích nhóm và quyền lợi của đa số người dân.