Ung thư thanh quản: Dấu hiệu, nguyên nhân, điều trị và tiên lượng

Sự kiện: Ung thư

Ung thư thanh quản là loại ung thư phổ biến, chiếm khoảng 2% trong tổng số các loại ung thư. Ở Việt Nam, ung thư thanh quản đứng hàng thứ 3 trong ung thư vùng đầu cổ, bệnh có xu hướng tăng trong thời gian gần đây.

1.Tổng quan về ung thư thanh quản

Ung thư thanh quản là loại ung thư xuất phát từ bất cứ thành phần nào của thanh quản. Đây là bệnh lý khối u ác tính xuất phát chủ yếu từ lớp biểu mô trong lòng thanh quản, thường gặp là ung thư dây thanh. Đây là loại ung thư đứng hàng thứ 2 trong các ung thư đường hô hấp sau ung thư phổi, với tỷ lệ mắc ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Dù vậy, ung thư thanh quản nếu được phát hiện và điều trị kịp thời ở giai đoạn sớm có thể khỏi với tỷ lệ trên 80%.

Theo thống kê tỷ lệ ung thư thanh quản ở nam là 3/100.000 dân/ năm, nữ là 0,3/ 100.000 dân/ năm. Theo ước tính ung thư thanh quản, thường gặp ở lứa tuổi 50 – 70, hay gặp nhất lứa tuổi 60.

Theo giải phẫu, thanh quản là một đoạn của hệ hô hấp nằm ngay bên dưới đường hầu họng và tách ra thành khí quản và thực quản, nối yết hầu với khí quản nằm ở phần trước của cổ. Vai trò của thanh quản là đường thở, nuốt và nói. Chính vì vị trí, cấu trúc của vùng thanh quản hạ họng hết sức phức tạp, các triệu chứng lại âm thầm, từ từ nên người bệnh dễ bỏ qua. Việc thăm khám ban đầu thường khó phát hiện các tổn thương sớm, nên khi phát hiện bệnh thường giai đoạn muộn nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

Cấu tạo thanh quản

Cấu tạo thanh quản

2. Nguyên nhân ung thư thanh quản

Hiện các nhà nghiên cứu chưa thống nhất được nguyên nhân gây ra ung thư thanh quản. Nhiều ý kiến đều đề cập tới các yếu tố nguy cơ trong đó có liên quan tới hút thuốc lá, nghiện rượu và các yếu tố môi trường nghề nghiệp: tiếp xúc hóa chất, khí thải, khói đốt lò, nhựa đường,.. Các tổn thương mạn tính là yếu tố thuận lợi: bạch sản, hồng sản, papillome thanh quản.

Ngoài ra một số bệnh nhân đã mắc bệnh ung thư xạ trị vùng trước cổ như xạ trị ung thư tuyến giáp. Hoặc viêm thanh quản mạn tính, nhiễm khuẩn vùng răng miệng, tai mũi họng dai dẳng, thiếu dinh dưỡng, thiếu vitamin...cũng là một trong các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến ung thư thanh quản. Các nghiên cứu còn đề cập đến trường hợp ung thư thực quản là bệnh nhân có tiền sử trào ngược dạ dày-thực quản.

3. Triệu chứng nhận biết ung thư thanh quản

Tuỳ theo vị trí của ung thư khác nhau mà các biểu hiện của ung thư thanh quản cũng khác nhau, kể cả thời gian xuất hiện. Trong đó các dấu hiệu như: Khàn tiếng là biểu hiện có sớm, luôn có. Khàn tiếng kéo dài, tăng dần có thể mất tiếng, không đáp ứng với điều trị nội khoa. Nuốt vướng, nuốt nghẹn, khó thở khi u to, giai đoạn muộn. Hạch cổ thường xuất hiện ở giai đoạn muộn.

Nếu khối u lan vào hạ họng sẽ có thêm các triệu chứng của ung thư hạ họng và được gọi là ung thư thanh quản - hạ họng. Khi đó bệnh nhân sẽ có biểu hiện nuốt khó, nuốt đau, đau tai phản xạ. Một số biểu hiện nhiều người dễ dàng nhận ra đó là xuất hiện hạch cổ, hơi thở hôi, thể trạng gầy sút. Do vậy cần cần cảnh giác khi các dấu hiệu này xuất hiện ở người lớn tuổi, nghiện thuốc lá-rượu, không đáp ứng với các điều trị thông thường.

Hình ảnh ung thư thanh quản và thanh quản bình thường.

Hình ảnh ung thư thanh quản và thanh quản bình thường.

- Phân loại ung thư thanh quản 

Ung thư thanh quản được chia ra các giai đoạn sau:

+ Ở giai đoạn 0: Ở giai đoạn sớm các tế bào ung thư chỉ được tìm thấy khu trú tại thanh quản. 

+ Ở giai đoạn 1: Tiền xâm lấn- khối u đã hình thành và cũng chỉ mới ở thanh quản chưa xâm lấn sang các cơ quan khác. Khối u ở vùng của thượng thanh môn, hoặc thanh môn, hạ thanh môn và dây thanh âm thường vẫn đi động bình thường.

+ Ở giai đoạn 2: Khối u vẫn chỉ ở thanh quản nhưng đã có sự thay đổi ở các vị trí của khối u, lúc này dây thanh âm có thể không di động được nữa.

+ Ở giai đoạn 3: Giai đoạn này khối u đã lan rộng ngoài thanh quản.

Thượng thanh môn: khối u ở thanh quản hoặc ở mô kế thanh quản, hai dây thanh di động không bình thường, khối u lúc này có thể lan vào hạch bạch huyết ở vùng cổ cùng bên với u và hạch lớn hơn 3cm.

Thanh môn: Khối u chỉ ở thanh quản và hai dây thanh không di động bình thường. Khối u có thể lan vào hạch ở cùng bên cổ với khối u xuất phát và hạch có kích thước nhỏ hơn 3cm.

Hạ thanh môn: Lúc này khối u chỉ thấy ở thanh quản, 2 dây thanh không di động bình thường, khối u có thể lan sang hạch bạch huyết ở cùng bên cổ với chỗ phát khối u và hạch có kích thước nhỏ hơn 3 cm.

+ Ở giai đoạn 4: Khối u đã bắt đầu xâm lấn sang các cơ quan khác, xuất hiện hạch lan rộng với kích thước to hơn.

4. Chẩn đoán ung thư thanh quản

Sau khi chẩn đoán lâm sàng các bác sĩ sẽ chỉ định nội soi tai mũi họng (ống cứng, ống mềm): thấy có hình ảnh khối u ở thanh quản, u sùi có thể có giả mạc, hoặc loét, thâm nhiễm. U có thể ở thanh môn, thượng thanh môn, hạ thanh môn. U ở dây thanh là hay gặp nhất.

Sinh thiết u làm giải phẫu bệnh: Là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định. Các xét nghiệm khác: siêu âm, CT, MRI, PET CT, các xét nghiệm máu được chỉ định để đánh giá giai đoạn, mức độ xâm lấn u, cũng như đánh giá khả năng phẫu thuật.

Ung thư thanh quản qua nội soi

Ung thư thanh quản qua nội soi

5. Điều trị ung thư thanh quản

Tuỳ từng bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị cụ thể. Điều trị ung thư thanh quản cũng giống như các ung thư khác các bác sĩ sẽ căn cứ vào thể trạng người bệnh, giai đoạn bệnh, vị trí tổn thương,…sau đó sẽ cân nhắc sự lựa chọn và phối hợp các phương pháp: phẫu thuật, xạ trị, hóa chất.

Phẫu thuật được lựa chọn hàng đầu trong điều trị ung thư thanh quản. Các phẫu thuật được chỉ định tùy theo giai đoạn của bệnh: cắt dây thanh, cắt thanh quản bán phần, cắt thanh quản toàn bộ kèm nạo vét hạch.

– Đối với khối u: Ưu tiên hàng đầu là cắt bỏ rộng khối u cả khối, tôn trọng ranh giới an toàn, kế đến là bảo tồn hoặc phục hồi tái tạo chức năng của vùng họng-thanh quản.

-Trường hợp đặc biệt: ung thư 1/3 giữa ở một dây thanh còn di động tốt, không có hạch cổ. Điều trị: Cắt dây thanh đơn thuần hoặc xạ trị với 70 Gy, kết quả khoảng 90% sống trên 5 năm.

– Đối với hạch cổ: Phẫu thuật nạo vét hạch cổ cùng một thì với cắt bỏ khối u.

Sau phẫu thuật có thể có xạ trị bổ trợ. Có thể xạ trị tiệt căn hoặc xạ trị bổ trợ. Xạ trị vào u và hạch. Điều trị hóa chất mang tính chất phối hợp, bổ trợ. Hóa – xạ trị đồng thời. Ngoài ra điều trị miễn dịch không đặc hiệu nhằm làm tăng sức đề kháng chung của bệnh nhân.

Khàn tiếng, nuốt vướng, nuốt nghẹn là biểu hiện của ung thư thanh quản.

Khàn tiếng, nuốt vướng, nuốt nghẹn là biểu hiện của ung thư thanh quản.

6. Tiên lượng bệnh ung thư thanh quản

Tiên lượng tốt: khi bệnh ở giai đoạn sớm, chưa có hạch.

- 90% sống trên 5 năm với ung thư thanh quản giai đoạn T1,T2.

- 60% sống sau 5 năm với ung thư thượng thanh môn

- 30% sống sau 5 năm với ung thư hạ thanh môn.

Tiên lượng xấu: khi u ở giai đoạn T3, T4,đã có di căn hạch. Tỷ lệ sống sau 5 năm giảm đi 50%.

Tóm lại: Ung thư thanh quản cần phát hiện sớm, kịp thời để điều trị hiệu quả. Có lối sống lành mạnh không hút thuốc, uống rượu bảo vệ môi trường sống, phát hiện các tổn thương tiền ung thư bằng khám nội soi tai mũi họng định kỳ để loại bỏ nguyên nhân gây bệnh. Khi có dấu hiệu khàn tiếng kéo dài( hơn 1 tháng), tăng dần, điều trị nội khoa không đỡ, người bệnh cần đi khám nội soi tai mũi họng các bác sĩ có chuyên khoa để phát hiện sớm ung thư thanh quản.

Hành tây giúp chống ung thư nhưng những người này ăn lại có thể thành... ”thuốc độc”

Nhiều loại hành chứa các chất giúp chống lại ung thư. Hành tây là một trong những nguồn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ThS.BSCKII. Nguyễn Quốc Dũng ([Tên nguồn])
Ung thư Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN