Ung thư gan tấn công người trẻ

Sự kiện: Ung thu gan Ung thư gan

Theo ghi nhận của Bệnh viện Chợ Rẫy, số người trẻ bị ung thư gan đang tăng lên, nhiều trường hợp chỉ ở độ tuổi 15-30

Mới đây, Bệnh viện (BV) quận Thủ Đức (TP HCM) đã phẫu thuật cấp cứu một trường hợp u gan khổng lồ. Bệnh nhân là ông Đ.V.Đ (58 tuổi, ngụ quận Thủ Đức), nhập viện cấp cứu với chẩn đoán khối u gan ác tính ở hạ phân thùy VII trên nền bệnh nhân xơ gan có suy tế bào gan.

15 tuổi đã bị ung thư gan

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định điều trị bằng phương pháp TACE: cắt mạch máu nuôi dưỡng khối u, bơm thuốc diệt ung thư nhằm ngăn cản sự phát triển của khối u. Ông Đ. là trường hợp u gan được phát hiện và can thiệp sớm.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV quận Thủ Đức, ung thư gan có thể được điều trị bằng các phương pháp như: phẫu thuật cắt bỏ một phần gan, đốt gan bằng sóng cao tần, hóa trị. Phương pháp TACE đem lại hiệu quả cao trong điều trị ung thư gan nguyên phát không có chỉ định phẫu thuật.

Trong cộng đồng, số trường hợp người còn trẻ mắc bệnh gan ngày càng nhiều, đến khi phát hiện thì đã ở giai đoạn muộn.

T.X.Đ đang ở tuổi 20 với cơ thể phát triển bình thường, chỉ có vòng bụng ngày càng to nhưng anh không để ý. Dần dà, các biểu hiện vàng mắt, da vàng... ngày càng rõ. Gia đình đưa Đ. đi khám thì thấy “đất trời như sụp đổ” khi phát hiện anh bị ung thư gan giai đoạn cuối.

Ung thư gan tấn công người trẻ - 1

Một ca ghép gan cho bệnh nhân ung thư gan tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Theo Bộ Y tế, thống kê gần đây nhất cho thấy tỉ lệ mắc và tử vong do ung thư gan tại nước ta đứng đầu trong các loại ung thư, cả nam lẫn nữ. Ở nam giới, tỉ lệ mắc ung thư gan chiếm 27,6% các loại ung thư, tỉ lệ tử vong chiếm 32,5% tổng số ung thư. Ở nữ, tỉ lệ tương ứng là 14,3% và 20,8%. Tuy ung thư gan đang là một vấn đề nan giải nhưng mức độ quan tâm trong xã hội vẫn còn nhiều hạn chế.

Chỉ riêng tại BV Chợ Rẫy (TP HCM), trung bình mỗi năm đã phát hiện khoảng 3.000-3.500 bệnh nhân ung thư gan. Bác sĩ Nguyễn Đình Song Huy, Trưởng Khoa U gan kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu BV Chợ Rẫy, cho biết lâu nay, người mắc ung thư gan chủ yếu thuộc lứa trung niên, khoảng 40-50 tuổi song hiện nay, số người trẻ bị bệnh này ngày càng tăng, nhiều trường hợp chỉ ở độ tuổi 15-30.

Cứ 10 ca được phát hiện, 5 ca bó tay!

Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân dẫn đến ung thư gan chủ yếu liên quan đến nhiễm virus viêm gan B (HBV) với khoảng 60%-70% số ca, virus viêm gan C (HCV) khoảng 20% và số còn lại do các yếu tố khác. Việt Nam đang nằm trong vùng dịch tễ của nhiễm virus viêm gan B với tỉ lệ nhiễm cao nên tỉ lệ mắc ung thư gan cũng cao.

Theo bác sĩ Huy, hầu như các trường hợp ung thư gan đều không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng. Đến khi có triệu chứng rõ thì bệnh đã “đi xa”, không còn khả năng điều trị. Vì vậy, bệnh này được ví như kẻ giết người thầm lặng.

Tại BV Chợ Rẫy, trong 4 năm gần đây đã tiếp nhận 15.000 bệnh nhân ung thư gan, trong đó 80,52% do nhiễm HBV. Điều đáng nói, trong số gần 7.000 ca ung thư gan phát hiện gần đây nhất, có đến gần 50% đã quá chỉ định điều trị, bác sĩ không thể can thiệp được gì. “Điều này cho thấy người dân chưa có ý thức trong việc tầm soát bệnh tật nói chung, ung thư gan nói riêng” - ông Huy cảnh báo.

Giới chuyên môn cũng lên tiếng báo động rằng lá gan đang bị tàn phá hiện nay liên quan đến thực phẩm. Theo PGS-TS-BS Bùi Hữu Hoàng - Trưởng Khoa Tiêu hóa BV ĐH Y Dược TP HCM kiêm Phó Chủ tịch Hội Gan mật TP - qua nghiên cứu sinh học phân tử, gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện quá trình hủy hoại gan do cơ thể tiếp nhận độc chất. Những chất độc hại từ thực phẩm bẩn vào cơ thể sẽ trực tiếp kích hoạt tế bào Kupffer - nằm ở xoang gan - hoạt động quá mức, khiến tế bào này phóng thích ra các chất gây viêm làm tổn thương, hủy hoại tế bào gan. Tế bào này một khi kích hoạt mạnh sẽ làm chết tế bào gan nhiều hơn, khiến gan nhanh chóng suy yếu, cơ thể dễ dàng bị nhiễm độc từ nhiều nguồn khác nhau.

Các chuyên gia lưu ý ung thư gan tiến triển thầm lặng, nhiều người khi biết bệnh thì đã muộn. Do đó, việc tầm soát định kỳ ung thư gan là rất cần thiết. Việc tầm soát này có thể thực hiện bằng cách làm siêu âm bụng, kiểm tra và đo nồng độ chất chỉ điểm ung thư gan trong máu 6 tháng/lần.

“Chủ động chống độc, bảo vệ gan, hạn chế gan mắc bệnh bằng cách kiểm soát hiệu quả hoạt động tế bào Kupffer... là một trong những giải pháp dự phòng và hỗ trợ điều trị bệnh gan từ gốc, là bước đột phá mới của y học” - bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.

Theo PGS-TS-BS Bùi Hữu Hoàng, thế giới đã có bước đột phá trong điều trị viêm gan C với việc sản xuất loại thuốc thế hệ mới chỉ uống trong vòng vài tháng mà không bị tác dụng phụ thay vì phải chích thuốc cả năm trời và bị nhiều tác dụng phụ như trước đây.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thạnh (Người Lao động)
Ung thu gan Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN