Trở về từ cõi chết nhờ ghép tạng

Nhiều ý kiến đề xuất cần triển khai kỹ thuật lấy thận từ người cho chết não, tim để ghép nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm thận hiện nay.

“Tưởng chừng đã bế tắc với cơn bạo bệnh nhưng khi đến bệnh viện, tôi như được truyền thêm sức mạnh vượt qua bệnh tật. Xin cảm ơn các y - bác sĩ đã cho tôi được tái sinh, giúp tôi cơ hội sống để nuôi 2 đứa con” - chị Hoàng Thị Lam Thanh (40 tuổi, ngụ TP HCM), xúc động phát biểu tại hội thảo “Thành tựu 10 năm ghép tạng” được Bệnh viện Nhân dân 115 TP HCM tổ chức ngày 20-2.

Trở về từ cõi chết

Năm 2009, khi đang mang thai đến tháng thứ 6 thì chị Thanh phát hiện bị suy thận. Qua tháng thứ 7, sức khỏe chị sa sút trầm trọng, không còn đủ sức để tiếp tục thai kỳ và buộc phải mổ bắt con giữa chừng. “Lúc ấy, tinh thần tôi suy sụp hoàn toàn, tưởng không thể sống nổi để nuôi con” - chị Thanh nhớ lại.

Đến Bệnh viện Nhân dân 115 thăm khám, được xác định bị suy thận nặng và sau 2 năm dùng thuốc điều trị tích cực, chị Thanh được ghép thận từ nguồn cho là người thân. “Tôi như trở lại cuộc đời từ cõi chết. Càng hạnh phúc hơn khi tôi là người đầu tiên được BHYT thanh toán 80% chi phí điều trị” - chị bày tỏ.

Bác sĩ Tạ Phương Dung, Trưởng Khoa Thận - Nội Bệnh viện Nhân dân 115, không nhớ hết những ca ghép thận giúp người bệnh thêm cơ hội sống nhưng cũng có những câu chuyện khó quên. Đó là trường hợp một nữ bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối tưởng chừng không còn hy vọng làm mẹ. Thế nhưng, sau khi được ghép thận, chị đã sinh con, gia đình vui vầy hạnh phúc.

Nhiều người dù không phải ruột rà máu mủ nhưng chấp nhận hiến một phần thân thể của mình để cứu người, như trường hợp con dâu đối với mẹ chồng, tín đồ đối với linh mục... “Phải xem họ là những anh hùng vì ít ai có hành động đầy nghĩa tình với người khác như thế” - bác sĩ Dung nhấn mạnh.

Trở về từ cõi chết nhờ ghép tạng - 1

Một ca ghép tạng. (Ảnh minh họa)

Bác sĩ Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết hiện số bệnh nhân ghép tạng đang được bệnh viện theo dõi là 112 người, trong đó có 106 ca ghép thận, 4 ca ghép gan và 2 ca ghép thận - tụy. Trong 10 năm qua, bệnh viện đã thực hiện ghép tạng 63 trường hợp. Số bệnh nhân được ghép tạng tăng dần qua các năm.

Kỹ thuật ghép của bệnh viện đã có nhiều tiến bộ, từ chỗ có sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài, đến nay, bệnh viện có thể tự thực hiện. Số ngày theo dõi hậu phẫu được rút ngắn lại, trước đây khoảng 1 tháng, nay chỉ còn dưới 2 tuần. Tỉ lệ tử vong giảm và hầu như không có bệnh lý nhiễm trùng hoặc nội khoa nặng sau ghép đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Mở lối nguồn tạng

Theo các chuyên gia y tế, người bệnh khi bị hư một bộ phận như gan, thận… thì việc ghép tạng là phương pháp thay thế hiệu quả nhất duy trì sự sống. Thế nhưng hiện nay, nguồn tạng từ người cho sống là vô cùng khan hiếm, vì vậy còn nhiều trường hợp khắc khoải chờ nguồn tạng để ghép.

ThS-BS Trương Hoàng Minh, Trưởng Khoa Ngoại niệu - Ghép thận Bệnh viện Nhân dân 115, đề xuất triển khai kỹ thuật lấy thận từ người cho chết não, tim để ghép nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm thận hiện nay; đồng thời có chính sách, chế độ nhằm khuyến khích người hiến tạng và gia đình họ.

GS-TS Trần Ngọc Sinh, Trưởng Khoa Tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Trưởng Bộ môn Tiết niệu ĐH Y Dược TP HCM, cho biết ngành ghép tạng nước ta còn nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó có vấn đề về trình độ nhân lực ngành ghép tạng và tổ chức trung tâm thu thập, điều phối nguồn tạng hiến. GS Sinh cũng đề xuất một số giải pháp mà các nước tiên tiến đang thực hiện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGUYỄN THẠNH (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN