Thế giới mong ngóng Vắc xin phòng COVID-19, chuyên gia lý giải về tác dụng và cơ chế của vắc xin trong phòng chống dịch bệnh

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Hiện nay dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu khi số người mắc ngày càng tăng. Các nước trên thế giới vẫn đang nỗ lực nghiên cứu ra Vắc xin phòng COVID-19.

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,5 triệu người tử vong vì các bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa bằng vắc xin. Nhiều dịch bệnh đã được phòng ngừa hiệu quả nhờ có Vắc xin. Khoảng 85% – 95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh. Nhờ đó, mỗi năm vắc xin giúp ngăn ngừa 3 triệu ca tử vong và giúp hàng trăm ngàn người thoát khỏi nguy cơ tàn tật vĩnh viễn vì di chứng của các bệnh truyền nhiễm trên toàn cầu.

Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 xuất hiện mới đây vẫn chưa có vắc xin đặc hiệu. Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt tại các nước châu Âu, châu Mỹ…. Đến chiều ngày 30/7, thế giới đã có 17.187.414 người mắc, 670,202 người tử vong. Ngay ở nước ta, sau gần 100 ngày không xuất hiện ca mắc COVID – 19 trong cộng đồng, đến nay cũng đã ghi nhận nhiều ca ở các tỉnh thành Đà Nẵng, Hà Nội, TP HCM và Đắc Lắk.

Thế giới vẫn mong ngóng Vắc xin phòng COVID-19. Ảnh: Reuters

Thế giới vẫn mong ngóng Vắc xin phòng COVID-19. Ảnh: Reuters

Hiện giờ, cả thế giới mong ngóng Vắc xin phòng COVID-19 vì chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Và các biện pháp phòng bệnh rất khó khăn, phải phong tỏa, giãn cách xã hội, ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội. Đã có những nước thực hiện miễn dịch cộng đồng nhưng lại gây thiệt hại rất lớn vì số mắc, tử vong cao và phải quay lại giải pháp phong tỏa.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng dịch bệnh khẩn cấp (Bộ Y tế), một bệnh truyền nhiễm chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và phương pháp phòng bệnh tối ưu thì không gì bằng vắc xin. Và thực tế trong lịch sử vắc xin đã cứu sống rất nhiều người vượt qua các bệnh truyền nhiễm như đậu mùa, bại liệt… Nhiều người bệnh nếu không được tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh sẽ dễ mắc bệnh, để lại di chứng nặng nề, thậm chí tử vong.

Vắc xin điều trị đặc hiệu COVID-19 hiện rất nhiều nước tham gia sản xuất, đặc biệt những nước tiên tiến như Anh, Mỹ, Nga… Việt Nam cũng tham gia. Để làm ra một vắc xin rất phức tạp. Theo đó, các nhà khoa học phải tiến hành nuôi cấy, phân lập được virus, thử nghiệm trên động vật và sau khi đạt an toàn trên động vật thí nghiệm mới đưa ra thử nghiệm lâm sàng. Việc thử nghiệm lâm sàng cũng có rất nhiều bước.

Độ an toàn và tính hiệu quả là hai yếu tố cực kỳ quan trọng quyết định một vắc xin có được áp dụng rộng rãi trên người hay không. Nhưng tìm ra vắc xin điều trị COVID-19 vẫn còn là cuộc đua của các nước, chúng ta vẫn chờ đợi.

Về cơ chế của vắc xin trong phòng chống dịch bệnh, theo Trung tâm tiêm chủng VNVC, vắc xin là chế phẩm có chứa kháng nguyên (có thể là các vi rút hoặc vi khuẩn sống, giảm độc lực, hay bị bất hoạt, giết chết) dùng để kích thích cơ thể tạo miễn dịch nhằm chống lại tác nhân gây bệnh. Vắc xin kích thích cơ thể tạo nên miễn dịch "bắt chước" giống nhiễm trùng tự nhiên.

Khi đưa vào cơ thể vắc xin sẽ nhận diện nó như là "vật lạ", kích thích hệ thống miễn dịch sản sinh ra kháng thể trung hòa tác nhân gây bệnh, giống như nhiễm trùng tự nhiên. Quá trình tạo kháng thể thường mất khoảng vài tuần, có thể gây nên một số triệu chứng nhẹ như sốt. Nhưng đây là biểu hiện bình thường và được coi như là dấu hiệu đáp ứng miễn dịch của cơ thể.

Sau khi quá trình nhiễm trùng "bắt chước" này kết thúc, cơ thể sẽ tạo ra các tế bào lympho có trí nhớ miễn dịch, sẵn sàng đáp ứng nhanh khi gặp lại các tác nhân gây bệnh trong những lần sau giúp cơ thể chủ động chống lại tác nhân gây bệnh khi bị phơi nhiễm.

Nguồn: [Link nguồn]

Những trường hợp nào được BHYT chi trả phí xét nghiệm COVID-19

Ngày 30/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký Công văn số 4051/BYT-KHTC gửi Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam về...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Thuận ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN