Sợ nắng, mẹ nườm nượp đưa trẻ khám đêm
Mặc dù thấy con sốt, ho trong thời tiết nắng nóng chị Hoa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn “ngại” đưa con đi khám. Chị Hoa phải cố đợi hết nắng mới cho con vào viện.
Ths.BS Trần Văn Học, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, BV Nhi Trung ương cho biết, thời tiết nắng nóng, ban ngày rất nhiều phụ huynh trì hoãn việc cho con đi khám. Do đó, số bệnh nhân đến viện vào ban ngày không tăng đột biến. Tuy nhiên, trẻ nhập viện lại tăng nhiều hơn so với thời điểm trước đó.
Theo BS Cấn Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Nhi TƯ, trong mấy ngày gần đây, số lượng bệnh nhân đến khám không đông bằng thời điểm giao mùa. Mỗi ngày khoảng 3.000 trẻ đến khám, trong đó số bệnh nhân vào viện buổi tối dao động từ 250 - 300 ca/đêm.
Bệnh nhi chờ khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương
PGS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trung bình một ngày Khoa Nhi, BV Bạch Mai có khoảng 150- 200 bệnh nhân đến khám. Trong đó số bệnh nhi đến buổi tối (khám dịch vụ) mấy ngày gần đây tăng gấp đôi ngày thường.
Theo PG Dũng, bệnh nhi đến khám chủ yếu mắc các bệnh về hô hấp, tiêu chảy. Bên cạnh đó, cũng có một lượng bệnh nhi mắc các bệnh như sởi, thủy đậu; rubella; lác đác có trường hợp mắc tay chân miệng.
PGS Dũng cho biết, trời nắng nóng, khi con bị bệnh, nhiều người trì hoãn việc đưa con tới viện nếu bệnh lý diễn biến nặng gây khó thở, rồi sốt cao, tiêu chảy nhiều lần trong ngày thì không nên trì hoãn mà cần đưa trẻ đến viện sớm. Nếu đi khám ban ngày, cha mẹ nên cho con di chuyển bằng taxi để tránh nắng càng làm trẻ sốt cao, mệt mỏi hơn.
Phòng bệnh cho trẻ mùa nóng
Các chuyên gia khuyến cáo thời tiết nóng bức, kèm theo nhiều mầm bệnh phát triển, môi trường ô nhiễm nên trẻ rất dễ đổ bệnh. Để phòng bệnh cho trẻ trong những ngày này, cần cho trẻ ăn chín uống sôi, giữ vệ sinh sạch sẽ. Cha mẹ chú ý cho trẻ chơi ở nơi thoáng mát, hạn chế tối đa việc đi ra ngoài đường thời điểm nắng nóng. Ngay cả buổi tối, nếu không có việc thực sự cần thiết, cha mẹ không nên cho con ra ngoài đường.
BS Nhuận tư vấn cho phụ huynh có con bị viêm đường hô hấp
Theo các chuyên gia, nếu có điều kiện, những ngày nắng nóng cao điểm tốt nhất là cho trẻ ở trong phòng điều hòa. Tuy nhiên, cần để nhiệt độ hợp lý, trẻ càng nhỏ, nhiệt độ phòng điều hòa càng phải để cao. Trung bình từ 26 - 28 độ C, không nên để quá thấp trẻ sẽ bị hạ thân nhiệt, nhất là trẻ dưới 1 tuổi. Khi bật điều hòa, hạn chế tối đa việc trẻ chạy ra ngoài phòng nóng, bởi sự chênh lệch nhiệt độ giữa là nguyên nhân khiến trẻ đổ bệnh, nhất là các bệnh về đường hô hấp. Ở những miền quê thì phụ huynh để trẻ chơi ở những nơi thoáng mát như dưới bóng cây.
Hàng ngày cho trẻ uống nhiều nước, uống nước trái cây, ăn đồ loãng, dễ tiêu. Cần chú ý tắm rửa sạch sẽ, giữ vệ sinh tốt cho trẻ để phòng viêm da do mồ hôi tiết ra. Nếu trẻ bị tiêu chảy, cần cho uống oresol đúng cách để phòng mất nước. Bị sốt cần cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, không ủ kỹ và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương, nhiệt độ tại Thủ đô Hà Nội đang tăng cao. Tại khu trung tâm Thủ đô, nhiệt độ lên tới 39.4 độ C. Riêng tại khu vực Ba Vì, nhiệt độ có thể lên tới 40.1 độ C. Tiết trời oi bức ngột ngạt, người dân cần chủ động giữ gìn sức khỏe và phòng bệnh. |