Phát hiện muộn, bé 6 tháng tuổi bị hoại tử buồng trứng

Do phát hiện muộn, buồng trứng của bé Vũ B.L. (6 tháng tuổi, ở Hà Nội bị xoắn, hoại tử đen, mủn nát, buộc phải cắt bỏ.

TS Bùi Đức Hậu,Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, ngày 6/8, các bác sĩ đã mổ cấp cứu cho bé Vũ B.L. bị thoát vị bẹn nghẹt. Do phát hiện quá muộn, một buồng trứng bị xoắn bên trong bao thoát vị đã hoại tử đen và mủn nát, buộc phải cắt bỏ.

Theo lời kể của gia đình, trước đó 3 ngày cháu L. có biểu hiện ho, được bệnh viện địa phương khám, cho thuốc về uống. Những ngày sau, bé vẫn ho nhiều, quấy khóc hơn và thỉnh thoảng có những cơn khóc thét. Đến ngày 6/8, gia đình phát hiện khối sưng cứng ở bẹn và đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây cháu L. được chẩn đoán thoát vị bẹn nghẹt, chỉ định mổ cấp cứu.

TS Hậu cho biết, trong trường hợp bé L hai khả năng có thể xảy ra. Thứ nhất bé bị thoát vị bẹn từ trước mà gia đình không biết. Thứ hai là sau khi sinh bé vẫn còn ống phúc tinh mạc, gặp lúc viêm phế quản, ho nhiều gây tăng áp lực ổ bụng, khiến buồng trứng tụt vào ống phúc tinh mạc xuống bẹn gây thoát vị bẹn.

Phát hiện muộn, bé 6 tháng tuổi bị hoại tử buồng trứng - 1

Bé Vũ B.L. bị thoát vị bẹn phải cắt bỏ buồng trứng.

TS Hậu lý giải, nghẹt khối thoát vị hoặc xoắn buồng trứng khiến trẻ rất đau đớn, nhưng do chưa biết nói nên bé chỉ có biểu hiện duy nhất là quấy khóc, khó chịu không dỗ được. Nếu được phát hiện sớm, khi buồng trứng mới xoắn mà chưa hoại tử, bác sĩ có thể mổ tháo xoắn buồng trứng, tránh hậu quả đáng tiếc kể trên.

BS Hậu cho biết, thoát vị bẹn hay gặp ở các bé trai. Bệnh luôn đi kèm nguy cơ nghẹt, có thể dẫn tới hoạt tử ruột hay buồng trứng nếu không được điều trị kịp thời. Trẻ càng nhỏ nguy cơ hoại tử nội tạng do nghẹt càng cao vì các gia đình ít có khả năng phát hiện bệnh sớm.

TS cho biết, thoát vị bẹn ở trẻ em là một bệnh lý bẩm sinh, xảy ra khi có sự “di chuyển” của ruột, mạc nối hay buồng trứng vào trong ống bẹn. Mỗi ngày bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 20-30 trẻ đến khám về bệnh do còn tồn tại ống phúc tinh mạc. Tuy nhiên, trường hợp của hoại tử buồng trứng ở cháu L. vô cùng hiếm gặp.

TS. Hậu khuyến cáo các gia đình nên phát hiện sớm cho trẻ để tránh tai họa. Các dấu hiệu bệnh sớm ở trẻ như:  Xuất hiện khối phồng tại vùng bẹn-bìu (bé trai) hay vùng môi lớn âm hộ (bé gái). Khối này to lên khi trẻ ho, khóc, rặn hay sau vận động mạnh; có thể xẹp xuống khi trẻ nghỉ ngơi hay nằm yên. Khối thoát vị có thể đau khiến trẻ quấy khóc nhưng cũng có thể không gây đau.  

TS Hậu khuyến cáo, khi thấy trẻ quấy khóc nhiều mà không dỗ được, cha mẹ nên kiểm tra vùng bẹn hai bên của con. Nếu sờ thấy có khối to cứng, ấn vào khiến trẻ khóc thét, cần đưa con đến khám cấp cứu tại các cơ sở có phẫu thuật nhi. Nếu khối u lớn ở bẹn, bẹn-bìu ở trẻ trai hay bẹn- môi ở trẻ gái nhưng không đau cũng cần nghĩ tới bệnh-tật do tồn tại ống phúc tinh mạc và đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật nhi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN