Những nguy cơ khiến trẻ có thể tử vong vì lên cơn hen

Trẻ bị hen phế quản phải giới hạn hoạt động thể lực, đối diện với nguy cơ tử vong, suy hô hấp... khi lên cơn. Giữ trẻ tránh các yếu tố nguy cơ khởi phát cơn hen như lông các loại vật nuôi trong nhà như chó, mèo, khói thuốc, mạt nhà, bụi bặm, khói bếp, gián, các loại bình xịt có mùi nồng nặc...

Những nguy cơ khiến trẻ có thể tử vong vì lên cơn hen - 1

Ảnh minh họa: Internet

Các bác sĩ tại Khoa Cấp cứu - Chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương) cảnh báo, tình trạng trẻ em tái phát cơn hen trong mùa Đông - Xuân này là rất cao. Khoa Hô hấp (Bệnh viện Nhi Trung ương) hàng năm tiếp nhận rất nhiều trẻ bị hen phế quản vào điều trị. Trong vài năm gần đây số lượng bệnh nhi hen phế quản tăng lên rõ rệt.

BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp - Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) cho biết, hen là một bệnh viêm mãn tính của đường thở. Tình trạng viêm này làm cho đường thở trở nên rất nhạy cảm với các chất kích thích khác nhau. Khi tiếp xúc với các chất kích thích này, đường thở (chủ yếu là phế quản) sẽ phù nề, co thắt, chứa đầy chất nhầy nên bị tắc nghẽn khiến cho bệnh nhân có cơn ho, khò khè, khó thở.

Tại một số gia đình, khi trẻ vào cơn hen cấp, cha mẹ không có đủ khả năng xử lý đúng tình huống hoặc xử trí theo một số biện pháp dân gian như: Nuốt thằn lằn, rắn mối nướng, thậm chí ăn sống bằng cách há miệng rồi bấm đuôi thằn lằn cho chui vào miệng (?!)… Các chuyên gia lưu ý, những biện pháp này chưa có bằng chứng khoa học chứng minh có khả năng điều trị khỏi bệnh hen suyễn, thậm chí có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ.

Điều cần lưu ý, hen là bệnh có tính chất gia đình, di truyền và hoàn toàn không phải là bệnh lây lan, truyền nhiễm. Ở trẻ em, đây là bệnh hô hấp mãn tính thường gặp nhất. Tỷ lệ trẻ mắc gấp đôi người lớn (10% so với 5%) nhưng việc chẩn đoán hen ở trẻ hay bị chậm trễ, nhất là dưới 2 tuổi. Từ đó, có thể hạn chế hiệu quả điều trị, khiến trẻ thường xuyên bị lên cơn, phải nhập viện, thậm chí có thể tử vong.

Khi chăm sóc trẻ mắc hen phế quản tại nhà cần phải biết cách nhận biết và xử trí khi trẻ lên cơn, tránh nguyên nhân làm khởi phát cơn hen, biết cách tự phòng ngừa bằng thuốc và tái khám theo đúng hẹn của bác sĩ.

Các dấu hiệu cơn hen đang đến là trẻ ho, khò khè, khó thở, quấy khóc, nặng ngực, thức giấc về đêm.

Theo BS Anh Tuấn, cách sớm nhận biết các dấu hiệu báo một cơn hen đang đến ở trẻ gồm: Ho, khò khè, nặng ngực, khó thở, thức giấc về đêm. Trong trường hợp này nếu đã được thầy thuốc hướng dẫn, cần cho trẻ dùng thuốc cắt cơn tác dụng nhanh (dưới dạng hít hay xông). Dù trẻ tốt lên cũng cần cho trẻ nghỉ ngơi trong 1 giờ. Nếu thuốc cắt cơn không có tác dụng hoặc chỉ có tác dụng ngắn, trẻ vẫn còn khó thở; nói năng khó nhọc; trẻ phải ngồi thở, co kéo vùng xung quanh xương sườn và cổ khi thở; cánh mũi phập phồng; tím tái môi hay đầu ngón tay (dấu hiệu rất nguy kịch) thì người lớn cần đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu ngay.

BS Anh Tuấn cũng cho biết, tuy hen là một bệnh không thể trị dứt được nhưng có thể kiểm soát tốt. Việc phòng ngừa hen sẽ giúp cho trẻ giảm hoặc không còn lên cơn hen, trẻ có thể sinh hoạt - học tập - vui chơi bình thường. Để phòng ngừa hen cần đảm bảo trẻ tránh xa những nguyên nhân khởi phát cơn hen như: Không để thú vật (chó, mèo...) trong nhà, diệt gián; Không hút thuốc lá trong nhà và ở nơi gần trẻ; Không để những chất nặng mùi trong nhà; tránh dùng các loại thuốc xịt như nước hoa xịt phòng, thuốc xịt muỗi, côn trùng; tránh nhang khói. Ngoài ra, nơi ngủ của trẻ cần được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp, không nên trải thảm. Thường xuyên giặt khăn trải giường và chăn màn bằng nước nóng, phơi khô ngoài nắng. Không nên cho trẻ chơi thú nhồi bông cũng như không cho thú vật vào nơi trẻ ngủ. Dùng cửa sổ (đóng hay mở) để duy trì không khí sạch và trong lành.

7 thực phẩm người bệnh hen suyễn nên kiêng

Một số thức ăn có thể làm kịch phát cơn hen suyễn đã có sẵn. Tránh một số thức ăn sau có thể hạn chế bộc phát các...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Hà (Tiền Phong)
Hen phế quản – hen suyễn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN