Mối nguy từ thuốc sát trùng
Thị trường thuốc sát trùng hiện nay khá phong phú với nhiều loại, nhiều dạng và nồng độ khác nhau. Được người dân quen dùng nhất thời gian gần đây là thuốc Povidone.
Tuy nhiên, do chưa coi trọng việc sử dụng đúng chỉ định cũng như ngộ nhận các chế phẩm bôi ngoài da thì ít nguy hiểm, nhiều phụ huynh đã thiếu thận trọng khi sử dụng thuốc sát trùng với trẻ nhỏ.
Cơ chế tác hại giống axít
Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM vừa tiếp nhận điều trị một bé gái tên N.T.T., chín tuổi, ngụ ở TP.HCM đến khám với vết thương nơi cổ tay trái do súc vật cắn, người nhà đã sơ cứu bằng cách đắp miếng bông to thấm ướt dung dịch iốt đậm đặc lên vết thương. Vài ngày sau, mở băng ra thấy vùng da của bé T. nhuộm màu nâu đen, trở thành vết phỏng nên người nhà đưa đến bệnh viện. Kết quả thăm khám cho thấy bé T. bị phỏng da do thuốc sát trùng. Được điều trị tích cực trong một tuần, vết thương lành nhưng vùng da phỏng đã trở thành vết sẹo lồi xấu xí.
BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Thoa, trưởng khoa Nội 1, bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết các tai biến có thể gặp do bôi thuốc sát trùng chứa iode là gây kích ứng tại chỗ như viêm da do iốt, viêm da tiếp xúc. Iode còn có thể làm chậm quá trình lên da non của vết thương. Hấp thu qua da xảy ra khi sử dụng lau rửa vết thương trên một diện tích lớn ngoài da. “Do vậy, cần tránh dùng trên những vết phỏng nặng. Hạn chế sử dụng trên những vùng da mỏng, nhạy cảm...”, BS Thoa lưu ý.
Để an toàn cho trẻ, nên chọn loại thuốc sát trùng có nồng độ thích hợp theo lứa tuổi, vị trí vùng da. Ảnh: Hồng Thái
Theo báo cáo của trung tâm Kiểm soát độc chất Hoa Kỳ, đã có những trường hợp ngộ độc mức độ trung bình và nặng do iốt dùng sát trùng da tại chỗ. Cơ chế gây độc tương tự axít vì đặc tính oxy hoá của thuốc. Dung dịch đậm đặc có thể gây phỏng da, hoại tử lớp biểu bì tại chỗ, đồng thời hấp thu vào máu. Nhận biết dựa vào bệnh sử và quan sát vùng da bôi thuốc bị hoại tử nhuộm màu nâu sẫm. Tình huống phổ biến là sử dụng không đúng cho trẻ nhỏ như bôi rửa lâu, đắp bông tẩm nhiều thuốc. Dùng thuốc này khi chăm sóc rốn trẻ sơ sinh đôi khi gây phồng rộp ở vùng da quanh rốn.
Cách dùng hiệu quả và an toàn
Theo BS Thoa, thuốc sát trùng là một hoá chất tiêu diệt hay ức chế tăng trưởng của vi trùng và các vi sinh vật gây bệnh, thường dùng ngoài da hay niêm mạc để rửa vết thương và ngừa nhiễm trùng. BS Thoa khuyến cáo: “Trong đó, Povidone là một sản phẩm y tế quen thuộc trong mỗi gia đình để sơ cứu, chăm sóc vết thương ngoài da. Thực tế đã có những trường hợp dùng không đúng ở trẻ em gây tăng đau đớn, vết thương lâu lành, thậm chí để lại biến chứng lâu dài cho trẻ”. BS Thoa cho biết, Povidone là thuốc bôi da dạng dung dịch, hỗn hợp gồm Povidone và iốt.
Thành phần iốt trong Povidone có tác dụng sát trùng da tại chỗ rất tốt, ít tan trong nước nên thường được dùng ở dạng chế phẩm dung dịch trong ethanol hoặc cồn thuốc. Đây là một loại thuốc sát trùng thường dùng bôi lên da trong chăm sóc vết mổ, vết phỏng, vết thương hở, sát khuẩn da trước khi tiêm chích. Tuy nhiên, hỗn hợp của cồn và iốt có nhược điểm là gây kích ứng và nhuộm màu da.
“Để sử dụng thuốc sát trùng Povidone một cách hiệu quả và an toàn, các bậc phụ huynh lưu ý: không tự ý dùng cho trẻ dưới hai tuổi. Chọn loại có nồng độ thích hợp theo lứa tuổi, vị trí vùng da. Với trẻ em, do có làn da mỏng và nhạy cảm hơn người lớn, nên chọn dạng dung dịch loãng, nồng độ thấp hơn 5% hoặc pha loãng với nước trước khi dùng. Bôi một lớp mỏng và chà nhẹ nhàng vào vùng da tổn thương. Chỉ dùng bôi rửa ngắn ngày trên vết thương nhỏ. Tuyệt đối không đắp bông tẩm thuốc vì dễ gây kích thích, phỏng da...”, BS Thoa hướng dẫn.
Trên thị trường dược phẩm, Povidone có các tên Povidin, Povidone, Iodine, Betadine, được bán không kê toa với nhiều nồng độ: 10%, 5%, 4%, 2%. Ở nồng độ thấp, iốt có hiệu lực tiêu diệt nhanh các loại vi khuẩn, nấm, virút và bào tử. Trong mô cơ thể, thuốc tạo phức hợp với nhóm amino giải phóng iốt chậm với lượng nhỏ gây tác dụng kéo dài. |