Mất mạng vì sơ cứu không đúng cách

Sơ cứu nạn nhân trước khi chuyển đến bệnh viện đã cứu sống nhiều mạng người.

Nhập viện trong tình trạng đau đớn, đến ngày 24-12, sau gần một tuần điều trị chấn thương gãy xương đùi tại BV Việt Đức (Hà Nội), ông Đoàn Đình Bình (60 tuổi, ngụ Hưng Yên) vẫn nằm bất động. Trước đó, ông Bình bị gãy chân sau cú bước hụt, người thân vội vàng khiêng lên taxi chạy hàng chục cây số đến BV Việt Đức để cấp cứu.

Chết vì không sơ cứu

Theo điều dưỡng Vũ Phi Long, Khoa Khám bệnh cấp cứu (BV Việt Đức), với chấn thương gãy xương đùi như bệnh nhân Bình, nếu được sơ cứu bằng cách dùng nẹp cố định phần chi gãy, sau đó mới phân tuyến điều trị thì sẽ giảm nguy cơ biến chứng cho bệnh nhân rất nhiều. “Ngoài việc đau đớn do xương gãy chọc vào thịt khiến tình trạng gãy kín thành gãy hở thì những mảnh gãy của xương có thể gây đứt mạch máu, dẫn đến sốc mất máu, sốc chấn thương” - điều dưỡng Long nói.

Điều dưỡng Long cho biết cách đây không lâu, có một bệnh nhân nữ 20 tuổi ở huyện Thường Tín, TP Hà Nội bị ngã xuống mương. Tại tuyến dưới, bệnh nhân được sơ cứu chấn thương hàm mặt, sau đó chuyển tiếp lên BV Việt Đức. Lúc nhập viện, bệnh nhân vẫn tỉnh nhưng rồi toàn thân xuất hiện tê bì, 3 tháng sau thì tử vong. Đây là một trong những nạn nhân bị chấn thương đốt sống cổ nhưng không phát hiện được tại thời điểm chấn thương. Quá trình bế, vác, vận chuyển khiến xương cổ nạn nhân bị gãy nặng hơn, gây đứt tủy, liệt tứ chi, liệt cơ hô hấp.

Mất mạng vì sơ cứu không đúng cách - 1

Bệnh nhân Đoàn Đình Bình đang được điều trị tại BV Việt Đức

Tăng cơ hội sống cho bệnh nhân

Theo điều dưỡng Nguyễn Văn Uy, Khoa Khám bệnh cấp cứu (BV Việt Đức), trong phần lớn trường hợp bị tai nạn giao thông hoặc tai nạn lao động, người nhà hoặc người đi đường thường lập tức xốc nạn nhân lên xe đưa đi cấp cứu vì cho rằng đến BV càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, đây lại là một sai lầm nghiêm trọng, có thể đẩy bệnh nhân đến tử vong hoặc thương tổn nặng nề hơn.

Tại BV Việt Đức, mỗi ngày có từ 60- 80  ca cấp cứu vì tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt. Những nạn nhân do người thân hoặc người đi đường đưa đến phần lớn không được sơ cứu. “Rất nhiều trường hợp chỉ đơn giản là gãy chân nhưng do không được sơ cứu đúng cách nên cuối cùng bệnh nhân đã phải cắt cả chân do bị hoại tử” - điều dưỡng Uy cảnh báo.

Bác sĩ Võ Quốc Hưng, Trưởng Khoa Khám xương và Điều trị ngoại trú (BV Việt Đức), cho biết với những nạn nhân bị gãy xương đùi, quan trọng nhất là phải cố định vết thương bằng nẹp, sau đó dùng băng buộc lại. Trường hợp không có nẹp, có thể dùng vật cứng, dài nẹp hoặc ván cứng ốp chi gãy, sau đó dùng dây buộc, thậm chí dùng áo để cố định. Cách làm này hạn chế nguy cơ sốc chấn thương, tránh gây tổn thương cơ, đứt mạch máu do mảnh gãy chọc vào. “Việc sơ cứu, vận chuyển đúng trước khi tới bệnh viện sẽ tăng cơ hội sống cho người bệnh và ngược lại. Với trường hợp bị chấn thương cột sống cổ do tai nạn, việc bế xốc lên trong khi chưa loại trừ chấn thương cổ có thể làm đứt tủy sống khiến bệnh nhân tử vong, nếu được cứu sống cũng có thể gây nguy cơ liệt tứ chi không hồi phục” - bác sĩ Hưng lưu ý.

Một số bác sĩ khuyến cáo khi sơ cứu tai nạn, cần chú ý nhất đến phần cổ vì đây là nơi tập trung nhiều dây thần kinh cũng như mạch máu của cơ thể. Đặc biệt, với tai nạn lao động, nạn nhân ngã từ trên cao xuống, khả năng bị chấn thương đốt sống cổ là rất cao. Trong trường hợp này, nếu không có nẹp cổ thì cần sử dụng hai bao cát hoặc bao gạo đặt hai bên, từ vai đến đỉnh đầu để cố định cổ, hạn chế tình trạng lắc qua lắc lại trên đường vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế. Với trường hợp bị gãy xương, việc bế, vác, cõng nạn nhân sẽ khiến vết gãy di lệch, gãy ít thành gãy nhiều. Ngoài ra, nạn nhân có thể chết do sốc hoặc bị tổn thương mạch máu, vỡ động mạch chủ, đứt dây thần kinh.


 

60% nhân viên chuyển bệnh là nữ giới

BV Việt Đức vừa tiến hành nghiên cứu tình hình nhân lực đội vận chuyển bệnh nhân. Kết quả cho thấy qua 68 lượt vận chuyển người bệnh từ tháng 8 đến 10-2013 đã xuất hiện nhiều chuyện bất hợp lý như có tới 60% nhân viên vận chuyển bệnh nhân tại BV là nữ giới, dù đây là công việc cần sức khỏe... Đặc biệt, tỉ lệ điều dưỡng, nhân viên vận chuyển bệnh nhân tại BV thực hành đầy đủ quy trình vận chuyển rất thấp - chỉ 6%, đồng thời cũng chỉ có 20% điều dưỡng là người được đào tạo về chuyên môn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Dung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN