Lời khuyên vàng khi dùng thuốc bổ cho sĩ tử
Cứ đến mùa thi, không ít cha mẹ lại tìm đến với các thuốc bổ mà họ cho là có tác dụng tăng cường trí nhớ để mua về cho con em mình dùng. Vậy thực chất của các loại thuốc này như thế nào? Chúng có thực sự đáp ứng được mong mỏi của người dùng hay không?
Không dùng thuốc không an tâm
Mặc dù sức học của cậu con trai út không thuộc loại xoàng nhưng ông Nguyễn Văn Hùng, 49 tuổi, ở Hưng Yên vẫn thấy lo lo. Năm ngoái, chính ông tận mắt thấy nhiều sĩ tử học hành loại khá mà vẫn “oạch” như chơi. Thế nên ông rất lo cậu út thuộc diện “nhỡ ra” đó.
Tâm lý mong chờ vào sự trợ giúp của thuốc bổ cho các thí sinh trong giai đoạn ôn thi hiện đang phổ biến.
Lại do vấn đề tâm lý nên bài thi thử của cậu quý tử không thuộc “chóp đỉnh”. Cậu sĩ tử cuối cấp đã quên mất một ý nhỏ trong kiến thức cũ mà không tài nào nhớ được cách làm là gì. Và kết quả là điểm bài thi của cậu út không được như ông mong muốn. Điều này càng làm ông thấy bất an. Và ông tìm mọi cách làm cho con ông thành thông thái cấp bách.
Nghe theo nhiều lời mách, cứ thấy thuốc nào bổ cho não, tăng cường trí nhớ là ông mua về cho con uống. Khi con uống những viên thuốc bổ não này vào, ông cũng cảm thấy yên tâm phần nào... Tâm lý mong chờ vào sự trợ giúp của thuốc bổ không chỉ là riêng ông Hùng mà còn là tâm lý chung của nhiều bậc phụ huynh có con em trong giai đoạn ôn thi vào các trường đại học, cao đẳng...
Tác dụng thực của các loại thuốc bổ... não
Hiện nay, có nhiều loại thuốc bổ đang được coi là có tác dụng trên hệ thần kinh. Phần nào các thuốc này giúp cho hệ thần kinh có thể đạt được sự minh mẫn và chúng được gọi là các thuốc thông minh. Sở dĩ như vậy vì người ta cho rằng chúng có tác dụng cải thiện trí nhớ, tăng khả năng nhận thức, củng cố trí thông minh, nhạy bén hóa khả năng tư duy. Tất cả chúng đều là những thuốc không đặc hiệu.
Nhóm thứ nhất là các chất dinh dưỡng như vitamin B, omega 3, DHA. Vitamin nhóm B có tác dụng làm gia tăng quá trình methyl hóa, làm tăng khả năng hoạt hóa các synap thần kinh. Các vitamin nhóm B cũng được cho là có tác dụng làm giảm nồng độ homocystein, một chất làm cản trở quá trình nhớ. Người ta cũng giải thích là vitamin B làm tăng khả năng dẫn truyền thần kinh do tác động vào bao Schwan nên chúng có tác dụng trên khả năng tư duy. Song đó chỉ là tác dụng trên những đối tượng bị rối loạn thần kinh nặng như viêm đa dây thần kinh, tê phù. Omega 3 là một axit béo có chủ yếu ở màng tế bào thần kinh do đó là một chất dinh dưỡng cần thiết cho não bộ phát triển, nhất là trẻ em.
Thuốc có giúp tăng trí nhớ?
Nhóm thứ hai là các thuốc thuộc nhóm racetam như piracetam, aniracetam, nebracetam, fasoracetam, imuracetam… Chúng có một số tác dụng chung là làm tăng nồng độ các chất trung gian thần kinh như acetylcholin, tăng hoạt hóa thần kinh, tăng chuyển hóa trong tế bào thần kinh nên có vẻ như nó làm cải thiện hoạt động trí tuệ. Thực tế những thuốc này có ý nghĩa với những người bị các rối loạn thần kinh do mạch máu.
Nhóm thứ ba là các thuốc của nhóm chất kích thích thần kinh. Những thuốc này có tác dụng làm tăng nồng độ các chất trung gian thần kinh, làm cường chức năng các thụ cảm thể alpha trung ương, do đó là tăng khả năng tỉnh táo và giúp chúng ta học được. Những thuốc này không trực tiếp tác động vào hoạt động tư duy mà chỉ tạo điều kiện cho hoạt động ấy diễn ra mà thôi. Ví dụ của nhóm này như atomoxetine, reboxetine, synephrine, arecoline, nicotine, caphein, adrafinil, armodafinil, modafinil... Chẳng cần phải diễn giải nhiều, những người hay phải suy nghĩ, làm việc đêm thường nghiện thuốc lá vì họ cần thuốc lá để thức tỉnh, một thứ có nhiều nicotin. Song vì tác động lên các thụ cảm thể có cả ở thành mạch nên chúng cũng là nhóm có nhiều tác dụng phụ nhất.
Nhóm thứ tư là các thuốc được coi là cải thiện trí nhớ, nhất là ở những người bị bệnh sa sút trí tuệ, mất trí nhớ nghiêm trọng. Những thuốc này đều có chung một mục đích là làm tăng nồng độ acetylcholin, chất trung gian dẫn truyền ở não bộ. Nhưng mỗi một loại thuốc lại có cách thực hiện không giống nhau. Ví dụ như cholin là tiền thân của acetylcholin, acetylcarnitine lại là thuốc cộng hưởng đồng tác dụng, galantamine (biệt dược là reminyl) lại ức chế men phân hủy acetylcholin trên thần kinh nên gián tiếp làm tăng nồng độ chất trung gian hóa học này. Các thuốc trên đều là các thuốc được chỉ định điều trị ở bệnh nhân Alzheimer.
Các thuốc làm thay đổi lưu lượng máu não và làm thay đổi chuyển hóa của các tế bào não bộ. Những thuốc này đặc biệt có tác dụng với những người bị chứng thoái hóa, xơ cứng mạch, cao tuổi, nhồi máu, chảy máu não. Vì chúng làm động mạch giãn ra đáng kể trong tình trạng đang bị hẹp do co thắt, bị chèn ép. Chúng cũng được coi là những thuốc bổ thần kinh hay được dùng trong mùa ôn thi. Có thể lấy ví dụ như picamilon, gingko, vinpocetin (cavinton, enopocetin, vincaton), cinnarizin (stugeron, steron, vertizin).
Dùng thế nào cho đúng?
Với những cách thức tác dụng như trên, nhiều thuốc đã tỏ rõ hiệu lực trên điều trị bệnh. Chúng đã chứng minh được khả năng cải thiện chức năng thần kinh trung ương của mình. Tuy nhiên, nếu sử dụng chúng như những thuốc bổ mùa ôn thi, chúng ta nên lưu ý một số điều sau:
Không phải mọi thuốc đều có tác dụng với các sĩ tử. Một số có tác dụng trên người bệnh, một số có tác dụng trên trẻ em. Chẳng hạn như DHA, omega 3 cần cho sự hình thành và phát triển não bộ nên rất cần cho trẻ em. Ở người trưởng thành, não bộ không hình thành và phát triển thêm nữa. Các chất này lại không có ý nghĩa làm thay đổi tuổi thọ của các tế bào nên chúng ít có ý nghĩa với người trưởng thành.
Một số thuốc có tác dụng phụ nghiêm trọng vì nó tác động vào mạch máu, các thụ cảm thể thần kinh, tác động vào nồng độ các chất trung gian thần kinh như vinpocetin, galantamine, modafinil. Vì thế, việc dùng chúng cần phải tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ mà không được tự ý sử dụng. Bởi rất có thể chúng làm thay đổi hoạt động của hệ tim mạch, hệ cơ vận động, làm thay đổi hoạt động của ruột - tiêu hóa. Bất cứ khi nào thấy có biểu hiện khác thường cần phải ngưng sử dụng thuốc và hỏi ý kiến bác sĩ.
Lưu ý thêm là mặc dù chúng được coi là thuốc bổ thần kinh nhưng các thuốc này chỉ có tác động rõ nét trên trường hợp bệnh lý điển hình. Nó hầu như ít tác dụng trên người bình thường khỏe mạnh. Thế nên, chúng ta đừng cố “uống tống uống táng” rồi mong có sự thay đổi trí tuệ siêu việt. Đó là điều thật hoang tưởng!