Lây lan mạnh, Zika có nguy cơ bùng phát trở lại

Cục trưởng Y tế Dự phòng dự đoán trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh sẽ có diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là dịch do virus Zika đang lan nhanh chóng mặt tại một số nước châu Á

Lây lan mạnh, Zika có nguy cơ bùng phát trở lại - 1

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế.

Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh trong thời điểm này (sốt xuất huyết, viêm não và nguy cơ lây lan dịch do virus Zika, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế về những biện pháp ứng phó.

Thưa ông, hiện Việt Nam đang đối mặt với nhiều dịch bệnh trong đó dịch sốt xuất huyết (đang lên đến đỉnh dịch) và virus Zika đang hoành hành tại Singapore. Vậy theo ông, trong thời gian tới, mức độ lây lan của các dịch này như thế nào?

Tại châu Á, dịch do virus Zika đang lây lan với tốc độc nhanh chóng. Đặc biệt tại Singapore, số ca mắc đã lên tới 242 người. Mặc dù đây là quốc gia có không gian rất sạch sẽ nhưng số ca vẫn mắc ở mức chóng mặt do miễn dịch của cộng đồng kém.

Hiện, Việt Nam từng có 3 trường hợp nhiễm virus Zika. Do vậy, người dân trong nước có thể mắc thông qua loại muỗi trung gian truyền bệnh. Điều lo ngại nhất là loài muỗi truyền bệnh Zika gây bệnh đầu nhỏ này chính là muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, đang lưu hành rất phổ biến ở Việt Nam. Do đó, nguy cơ virus Zika bùng phát là rất lớn.

Sự bùng phát của dịch bệnh thời gian qua (50.000 trường hợp mắc trong đó có 19 trường hợp tử vong, dịch bệnh bạch hầu…)  nguyên nhân do thời tiết nắng nóng kéo dài, dịch sốt xuất huyết tăng mạnh, tập quán ăn tiết canh, ăn uống mất vệ sinh nên người dân bị bệnh liên cầu lợn và các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa…

Tôi dự đoán trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh sẽ có diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là dịch do virus Zika đang lan nhanh chóng mặt tại một số nước châu Á.

Lây lan mạnh, Zika có nguy cơ bùng phát trở lại - 2

Dịch bệnh bùng phát, người dân sẽ kiệt quệ về kinh tế. 

Vậy bài học kinh nghiệm phòng chống dịch trong thời gian qua là gì để hạn chế tối đa thiệt hại về người bởi thực tế, dịch bệnh xảy ra, các cơ quan y tế vẫn còn lúng túng trong xử lý?

Để hạn chế tối đa thiệt hại về người, các cơ sở y tế cần có hướng dẫn giám sát, phòng chống, xử lý ổ dịch cũng như phác đồ điều trị bệnh. Đối với một số ca tử vong do dịch bệnh thời gian qua, có thể do bản thân ca bệnh nặng hoặc yếu tố chuyển đến cơ sở y tế quá chậm nên các bác sỹ không giải quyết kịp.

Do vậy, biện pháp quan trọng nhất trong phòng dịch vẫn là chủ động dự phòng, không để chờ dịch xảy ra rồi mới chống, phải đầu tư cho công tác phòng bệnh ngay từ đầu chứ không để dịch xảy ra mới cấp kinh phí.

Vậy ông đánh giá thế nào về những thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh gây ra nếu không làm tốt công tác phòng dịch?

Khi dịch xảy ra, gia đình có một người ốm sẽ bỏ việc tạm thời, mất thời gian, kinh phí điều trị bên cạnh đó là người nuôi dưỡng, chăm sóc phải bỏ công việc, gây ra sự tốn kém rất lớn.

Đối với những ca bệnh tử vong lại càng thiệt hại không gì bù đắp được.  Bên cạnh đó, sản xuất kinh doanh và phát triển du lịch cũng bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, khi dịch bệnh xảy ra các cơ sở y tế thường xuyên trong tình trạng quá tải do số lượng bệnh nhân, khiến các cơ sở y tế nhất là tuyến trên, vốn đã khó khăn do quá tải lại thêm áp lực nặng nề. 

Vậy trong thời gian tới, ngành y tế sẽ làm gì để hạn chế thấp nhất dịch bệnh bùng phát, thưa ông?

Trong thời điểm hiện nay, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ngay cả với các quốc gia phát triển. Do đó, ngành y tế sẽ giám sát phát hiện sớm, kịp thời, hiệu quả để phòng tránh dịch bệnh lây lan.

Ngoài ra, phòng bệnh phải được đặt lên hàng đầu, trong đó, phải xây dựng từ ý thức của mỗi người dân cùng với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể dưới sự tham mưu có hiệu quả của ngành Y tế.

Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu (thực hiện) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN