Lật tẩy chiêu trộn tân dược vào thuốc đông y

Tuy nhiên, vì lợi nhuận, nhiều nhà thuốc sẵn sàng trộn thêm thuốc tây y nhằm mang lại tác dụng tức thì để lấy uy tín (uống thuốc vào thấy hiệu quả ngay).

Sử dụng thuốc đông y để điều trị, luôn đòi hỏi phải có liệu trình và thời gian dài, mới thấy được tác dụng. Qua điều tra, PV đã khám phá được loại thuốc tây y mà nhiều nhà thuốc mang tên gia truyền ưa dùng để tăng độ nhạy của những gói thuốc đông y này…

“Tiêm” tân dược vào đông dược

Theo sự dẫn mối của Tú “dây”, vốn trước đây là dược sỹ làm việc tại khoa Dược của bệnh viện P. hiện có một chuỗi cửa hàng thuốc trên phố T.Q.K (Hà Nội), PV tiếp cận với một người tên Trọng, hiện là trình dược viên tại hiệu thuốc trên phố Trần Nhật Duật (Hà Nội).

Trọng cho biết, sau khi tốt nghiệp Học viện Y học cổ truyền Việt Nam, trong thời gian chờ xin việc, Trọng có làm việc cho một cửa hàng chuyên bán thuốc đông y trên phố Tây Sơn (Hà Nội).

Thời gian đầu nhận việc, Trọng được giao làm tư vấn viên cho hiệu thuốc. Công việc chính là nhận điện thoại của khách hàng nghe phản ánh về tình trạng bệnh của khách rồi tư vấn dùng thuốc. Các cuộc điện thoại gọi đến phần lớn là những người nói bị bệnh dạ dày, bệnh trĩ hoặc bị xoang… điều trị lâu ngay không khỏi.

Trọng kể: “Khi vào làm việc tại đây, chủ nhà thuốc đã yêu cầu các nhân viên phải học thuộc lòng bài tư vấn. Theo đó, dù khách có nói là bị bệnh gì đi chăng nữa đều phải định hướng khách hãy sử dụng 1 liệu trình gồm 7 gói thuốc đông y của cơ sở chế theo phương thức gia truyền”.

Khi PV hỏi, theo như nội dung nhiều hiệu thuốc đông y gia truyền quảng bá, thì thuốc của họ đảm bảo bệnh thuyên giảm nếu không nhà thuốc sẽ bồi hoàn 100% số tiền cho khách, Trọng cười: “Lúc đầu làm ở đó em cũng không tin đâu, bởi anh biết rồi đấy, thuốc đông y khi uống đòi hỏi phải có thời gian dài mới nhận thấy tác dụng. Để gói thuốc có tác dụng ngay nhà thuốc đã trộn tân dược vào”.

Thấy tôi không hiểu, Trọng giải thích, để khách hàng khi mua dùng gói thuốc không nhận diện được có thuốc tây trong gói thuốc đông dược, nhà thuốc sẽ tán thuốc tây thành dạng bột, trộn vào đông dược rồi chế thành thành phẩm ở dạng viên, dạng cao lỏng hay dạng thuốc phiến.

Lật tẩy chiêu trộn tân dược vào thuốc đông y - 1

Những hộp thuốc nam PV đặt mua được tại một cơ sở thuốc đông y trên đường Nguyễn Trãi.

Cũng theo lời kể của Trọng thì paracetamol là tân dược được nhiều cửa hàng thuốc đông y trộn vào, bởi hoạt chất này có tác dụng giảm đau, hạ sốt. Song điều nguy hại, paracetamol nếu dùng quá liều sẽ gây độc cho gan. Nếu người đang say rượu, người có men gan cao, người bị dị ứng với hoạt chất này khi uống sẽ nguy hiểm.

Theo tìm hiểu và ghi nhận từ các tuyến điều tra cũng cho thấy, một số loại thuốc sắc (thang thuốc đông y) được bán kèm theo những gói bột đóng trong túi ni - lông không có nhãn mác, hàm lượng và được căn dặn cho uống kèm thuốc sắc. Đây chính là các hoạt chất thuốc tân dược được các thầy lang mua từ hiệu thuốc tây về nghiền nhỏ rồi đóng túi để bán cho người bệnh.

Các tân dược thường được pha chế trong loại thuốc đông dược như: các thuốc trị bệnh về khớp trộn các thuốc chống viêm corticoid như dexamethasone, thêm thuốc chống viêm không corticoid như: ibuprofen, diclofenac, naproxen,... Mới đây, một loại đông dược được quảng cáo cho người tiêu dùng là thuốc “cường dương” cũng được phát hiện có chứa sildenafil là hoạt chất trị rối loạn cương dương...

Càng đặc trị càng đậm... kháng sinh

Một số thầy lang còn ranh ma hơn khi cố tình trộn loại tân dược mà người bệnh đã dùng trước đó, khi tìm đến thuốc đông y.

Trong quá trình khám chữa bệnh cho bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính như: đái tháo đường, cao huyết áp... nhiều người đã kể lại các loại thuốc tân dược mình từng uống, ít nhiều mang lại những kết quả nhất định trong việc điều trị bệnh. Sau đó, các thầy lang vườn này tự ý mua tân dược về trộn vào thuốc đông y trong quá trình sản xuất thuốc viên hoàn để công bố thuốc có tác dụng tương đương.

Trường hợp thuốc thận khí hoàn chữa đái tháo đường được quảng cáo rất kêu là thuốc đặc trị đái tháo đường, được sản xuất từ thảo dược không có kháng sinh là một minh chứng.

Theo quảng cáo, thuốc uống không có phản ứng phụ, lượng đường xuống nhanh khi đang điều trị. Thật ra, mỗi viên thuốc thận khí hoàn chứa tân dược glibenclamid với hàm lượng 0,044mg. Đây là loại thuốc chữa đái tháo đường khá phổ biến có rất nhiều biệt dược trên thị trường.

Lật tẩy chiêu trộn tân dược vào thuốc đông y - 2

Số nguyên liệu đông y nhập lậu bị bắt giữ

Từ những thực tế trên cho thấy, công tác quản lý sản xuất, kinh doanh thuốc đông dược, dược liệu y học cổ truyền hiện nay còn nhiều bất cập. Nguồn dược liệu từ các tỉnh về Hà Nội và nhập lậu qua đường tiểu ngạch được tiêu thụ tại các khu chợ tập trung như phố Lãn Ông, Ninh Hiệp không thể kiểm soát được nguồn gốc và chất lượng.

Do đó có rất nhiều loại dược liệu không thể biết chắc là có an toàn cho người sử dụng hay không. Ngoài việc bị pha trộn tân dược, các dược liệu nhập qua đường tiểu ngạch thường được xử lý chống mốc, chống ẩm bằng hóa chất không rõ nguồn gốc nên đã có trường hợp dùng thuốc bị dị ứng nặng dẫn đến tử vong.

Trong khi đó, cả nước hiện nay chỉ có viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương và mạng lưới các Trung tâm kiểm nghiệm (tỉnh, thành) mới có phương tiện kiểm nghiệm. Tuy nhiên, không thể kiểm nghiệm hết các loại thuốc đông dược đang lưu hành trên thị trường. Vì vậy, nguy cơ gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người bệnh của thuốc đông y vẫn đang hiện hữu.

Theo ông Phạm Thanh Kỳ - chuyên gia về dược liệu, nguyên là Hiệu trưởng ĐH Dược Hà Nội, đang có tình trạng “siêu tách chiết” hoạt chất dược liệu từ Trung Quốc, như tách hoạt chất từ cam thảo làm thuốc viên chữa ho, tách chiết chất màu từ hồng hoa, hay tách hoạt chất từ đan sâm, tam thất làm thuốc viên điều trị huyết áp, dự phòng chứng đau thắt ngực, giảm béo...

“Dược liệu nhập lậu thì chỉ còn là rác. Nếu thực phẩm chức năng sử dụng nguyên liệu rác này thì chất lượng không thể tốt được”, ông Kỳ nói.

Cũng trong quá trình tìm hiểu về kỹ thuật làm tăng độ nhạy của các gói thuốc đông y, PV còn ghi nhận được những thông tin về phương thức làm giả dược liệu đông y. Theo lời một chuyên gia về dược liệu tại cục Y dược học cổ truyền (bộ Y tế), qua kiểm tra cho thấy, trước đây, để phát hiện bạch linh giả, người ta cho vào nước, nếu thuốc tan thì biết là đồ giả.

Nhưng hiện tại, bạch linh giả được tẩm canxi cacbonat để không tan trong nước. Thuốc thỏ ty tử không chỉ được trộn bột xi măng cho nặng, mà còn nhuộm màu để không bị phát hiện. Còn thuốc hồng hoa cũng bị nhuộm màu công nghiệp cho đỏ đẹp và nặng hơn mà hiện chưa xác định đó là hóa chất gì.

Ngoài ra, một số thuốc khác bị làm giả như nhân hạt cao lương giả ý dĩ, rễ sim giả ô dược, củ mỡ giả hoài sơn… Cho dù đã phát hiện và ngăn cấm nhiều năm nhưng nhiều thuốc vẫn nhuộm “thuốc độc” gây ung thư RhodaminB cho đỏ đẹp và chống nấm mốc…

Bắt xe tải chở 5,3 tấn dược liệu không rõ nguồn gốc

Sáng 11/4, tổ công tác đội Cảnh sát kinh tế, Công an huyện Gia Lâm (Hà Nôi) làm nhiệm vụ tại địa bàn xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, đã bắt quả tang 1 xe tải chở hơn 5,3 tấn dược liệu không đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Chiếc xe tải mang BKS 29C-644.32, do Nguyễn Duy Thắng (SN 1983, trú ở thôn 2 xã Đình Xuyên, Gia Lâm) điều khiển.

Trên xe có 14 mặt hàng dược liệu, tổng trọng lượng khoảng 5,3 tấn, trị giá hàng trăm triệu đồng. Một số loại dược liệu có bao bì ghi chữ Trung Quốc.

Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, tài xế đã không xuất trình đủ giấy tờ, hóa đơn hợp lệ liên quan đến số dược liệu trên. Bước đầu, Thắng khai nhận được thuê chở dược liệu từ Bắc Ninh đi Ninh Bình. Công an huyện Gia Lâm đã phối hợp cùng đơn vị chức năng của cục Quản lý y dược cổ truyền (bộ Y tế) tiến hành phân loại, lấy mẫu dược liệu để tiến hành kiểm nghiệm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vi Hậu (Người đưa tin)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN